Đồng vốn giúp người hoàn lương
Về Đồng Tháp, chúng tôi có dịp được nghe Đại tá Thái Thị Mỹ Trang- Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đồng Tháp kể về hiệu quả của đồng vốn từ nguồn Quỹ phát triển tái hoà nhập cộng đồng do Công an tỉnh Đồng Tháp đề xuất thành lập từ tháng 7/2014, nhằm giúp cho những người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn để có điều kiện sản xuất, kinh doanh, qua đó giúp họ có việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng tái vi phạm pháp luật.
Người hoàn lương được vay vốn phát triển kinh tế.
Dù mục đích hết sức rõ ràng nhưng theo Đại tá Trang, buổi đầu hình thành nguồn quỹ này, nhiều người vẫn không đồng tình, cho rằng xã hội còn cần giúp nhiều người khác, sao lại giúp cho những người mới được tha tù về.
Thế nhưng Ban Giám đốc Công an tỉnh vẫn quyết tâm thành lập, phân bổ thí điểm 300 triệu đồng cho Công an thị xã Hồng Ngự để xét cho vay 11 đối tượng vừa được tha tù về với mức vay từ 5 đến 30 triệu đồng, thời gian hoàn vốn là 36 tháng, lãi suất 3%/năm. Sau đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đồng ý chi 3 tỷ đồng hỗ trợ cho Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng.
Đại tá Nguyễn Văn Thương- Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án và hỗ trợ tư pháp (PC81) phân tích, những người chấp hành xong án phạt tù về cư trú ở địa phương đều ở lứa tuổi lao động, trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh kinh tế gặp khó khăn, bản thân không có việc làm và chưa được xóa án tích nên không thể tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại. Đồng vốn từ Quỹ phát triển tái hoà nhập cộng đồng qủa là hết sức thiết thực đối với những người hoàn lương.
Qua gần 2 năm thực hiện, tính đến tháng 3/2016, tổng số tiền của Qũy lên đến 10 tỉ đồng và đã giải ngân cho 296 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn là trên 7,3 tỷ đồng. Những người vay vốn đã sử dụng vốn vào mục đích: chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ… đều phát huy tốt vốn vay và trả nợ đúng hạn.
Anh Nguyễn Văn Thái, ngụ xã Tân Phú, huyện Châu Thành cho biết, khi đang học sinh viên năm cuối đại học ngành thú y, trong một lần điều khiển phương tiện đã gây tai nạn chết người, vướng vòng lao lý. Trong thời gian chấp hành án, được cán bộ quản giáo quan tâm động viên, anh Thái chấp hành tốt các quy định trại giam và được tha tù trước thời hạn.
Trở về địa phương, với kiến thức đã học trong ngành thú y, anh Hải nuôi hy vọng phát triển đàn gà nho nhỏ. Được nguồn vốn của quỹ tái hòa nhập cộng đồng tiếp sức 30 triệu đồng, anh Thái nuôi gà và cuộc sống khấm khá lên từ đấy. Hiện anh Nguyễn Văn Thái đang làm chủ đàn gà thả vườn 2.000 con, có nguồn thu nhập khá ổn định. Không chỉ vậy, anh Thái còn được nhận vào làm nhân viên thú y của xã, đem kiến thức của mình giúp ích cho bà con nông dân.
Ông Lê Vũ Hùng, ngụ xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò cũng nhờ được vay 25 triệu đồng từ nguồn Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng mua giống, phân, thuốc chăm sóc vườn cây, rẫy 4 công, trồng dưa leo, trồng ổi và cam xoàn. Hiện tại, vườn ổi của ông mỗi năm thu hoạch khoảng 4 tấn trái, còn rẫy dưa thì mỗi năm thu hoạch 4 vụ.
Các trường hợp được vay vốn, đến nay đã có 107 người sử dụng có hiệu quả và đóng lãi, nộp vào ngân sách đúng thời gian quy định với số tiền trên 68 triệu đồng. Kết quả này đã góp phần kéo giảm tỷ lệ tái vi phạm pháp luật đối với người chấp hành xong án phạt tù từ 19% (giai đoạn từ năm 2002 – 2012) giảm xuống dưới 10% (từ năm 2013 đến đầu năm 2016).
Theo Đại tá Nguyễn Văn Thương, những người hoàn lương tiếp cận nguồn vốn vay đều ý thức được tinh thần vượt khó, nỗ lực phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần kéo giảm tội phạm trên địa bàn, gìn giữ ANTT. Nhiều anh chị em chí thú làm ăn, vượt qua mặc cảm để tái hòa nhập cộng đồng trong số đó, có những người trở thành những tuyên truyền viên tích cực, tuyên truyền ngăn chặn những thanh thiếu niên, những người có nguy cơ sa vào tệ nạn, vi phạm pháp luật.
Hiện Công an tỉnh Đồng Tháp đang triển khai thí điểm thêm mô hình: “Câu lạc bộ hoàn lương” ở huyện Thanh Bình, Tháp Mười, thị xã Hồng Ngự và TP Cao Lãnh, thu hút người chấp hành xong án phạt tù, thanh thiếu niên có biểu hiện vi phạm pháp luật, đối tượng giáo dục tại xã phường tham gia, nhằm tạo điều kiện, giúp đỡ công ăn việc làm, vốn sản xuất.