Đắk Lắk: Hồ đập, sông suối trơ đáy, thủy điện thoi thóp

Tuấn Anh - C.L. 12/04/2016 08:05

Nắng nóng kéo dài, cùng với nhiệt độ luôn duy trì ở mức cao 36 đến 37 độ C đã làm cho lượng nước ở các hồ đập, sông suối bốc hơi nhanh khiến diện tích cây trồng bị khô hạn ngày một gia tăng. 

Người dân phải bỏ hàng trăm triệu đồng thuê máy khoan tìm nước ngầm thế nhưng tiền mất, nước cũng chẳng có để cứu cây và sinh hoạt. Cùng với đó, nhiều nhà máy thủy điện cũng ngưng hoạt động vì hồ chứa không còn nước.

Sông Krông Năng cạn trơ đáy.

Trên 1.000 tỷ đồng “bốc hơi”

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (thuộc Sở NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có 36.961 ha cây trồng bị hạn, tăng 5.366 ha so với cùng kỳ năm 2015, gồm: lúa nước 3.932 ha (trong đó 864 ha mất trắng); cà phê 29.348 ha (trong đó mất trắng 3.958 ha); hồ tiêu 1.494 ha và một số diện tích cây trồng khác ước tính tổng thiệt hại là 1.110 tỷ đồng.

Sinh sống đã gần 20 năm nay tại thôn 10, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, canh tác hơn 3 ha cà phê, hồ tiêu nhưng chưa năm nào gia đình ông Nguyễn Văn Hòa lại nằm trong tình trạng thiếu nước tưới nghiêm trọng như mùa khô năm nay.

Ông Hòa chia sẻ: “Để có nguồn nước sinh hoạt, nước tưới cho diện tích cây trồng của gia đình, tôi đã thuê khoan 3 giếng nước sâu 60 m, 100 m, 130 m mất cả mấy chục triệu đồng nhưng không có nước tưới. Hiện các vùng xung quanh nhà nào cũng thi nhau khoan giếng tìm nước nhưng rất hiếm giếng có nước”.

Nhiều nhà để cứu vãn vườn cây, thu nhập chính của cả gia đình đành phải chạy đi mua nước từ các hồ đập ở vùng khác với giá cả trăm ngàn đồng cho một giờ bơm. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Krông Năng, tính đến nay đã có hơn 1.200 ha cây trồng bị hạn, trong đó, 214 ha lúa nước bị mất trắng (chiếm 32,08% diện tích gieo trồng), 1.024 ha cà phê thiếu nước tưới nghiêm trọng; 250 hộ thiếu nước sinh hoạt.

Hiện tính chung toàn tỉnh này đã có 20.160 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt (tăng 17.139 hộ so với cùng kỳ năm 2015). Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đã xảy ra hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh (trừ huyện M’Đrắk). Dự kiến tình hình khô hạn nghiêm trọng có thể kéo dài đến giữa tháng 5/2016, trong khi đó, nguồn nước chống hạn gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện tổng dung tích nước các hồ chứa chỉ còn khoảng 145 triệu m3, tập trung chủ yếu ở 3 hồ chứa lớn là Ea Súp Thượng (58 triệu đồng), Krông Buk Hạ (69 triệu đồng) và Buôn Yong (5,5 triệu đồng). Các hồ chứa nhỏ phần lớn đã cạn, trong đó 118 hồ khô hoàn toàn (tăng 30 hồ so với cùng kỳ năm 2015); mực nước sông xuống thấp, ảnh hưởng đến công suất tưới của các trạm bơm.

Thủy điện thoi thóp

Theo Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk, đến thời điểm hiện nay, ít nhất đã có 3 nhà máy thủy điện nhỏ là Nhà máy thủy điện Ea Đrăng 2, Ea Tul 4 và Ea Súp 3 không còn nước nên đã ngừng hoạt động.

Một số nhà máy thủy điện nhỏ khác nằm trên lưu vực các dòng suối Ea Kar, Ea M’doal 2, Ea M’doal 3 của huyện M’Đrắk và Ea H’Leo, suối Krông Kmar của huyện Krông Ana… do mực nước giảm mạnh nên cũng chỉ hoạt động cầm chừng, mỗi ngày chỉ phát điện được vài giờ.

Thậm chí, ngay những nhà máy thủy điện lớn trên hệ thống sông Sêrêpốk không có hồ chứa hoặc hồ chứa dung tích nhỏ như Nhà máy thủy điện Đray H’Linh, Đray H’Linh 1, Đray H’linh 3, Hòa Phú, Sêrêpốk 4A hoạt động phụ thuộc vào vận hành điều tiết của các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn nên thời gian hoạt động của các nhà máy thủy điện này chỉ còn 3 đến 11 giờ/ngày, công suất quá thấp so với thiết kế.

Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp Nguyễn Tấn Triết cho biết: Hiện Công ty đang quản lý vận hành 3 nhà máy thủy điện trên sông Sêrêpốk gồm Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah, Nhà máy thủy điện Buôn Kuốp và Nhà máy thủy điện Sêrêpốk 3.

Do điều kiện bất lợi về thủy văn nên năm 2015 cả 3 nhà máy thủy điện do Công ty quản lý chỉ sản xuất được 1,55 tỷ KWh, đạt 60,3% kế hoạch và đạt 54% so với lượng điện bình quân nhiều năm.

Từ đầu tháng 3 đến nay, mực nước hồ thủy điện Buôn Tua Srah chỉ đạt 481,440 m, trong khi đó mực nước dâng bình thường là 487,5 m và hiện nay lưu lượng nước đổ về hồ chỉ đạt 18m3/s, gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của các nhà máy thủy điện trên sông Sêrêpốk.

Theo ông Triết, hiện nay để điều tiết nước cho công tác chống hạn của các địa phương 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông nằm dọc 2 bên sông Sêrêpốk thì phía Công ty đã báo cáo với Tổng Công ty không chạy điện thương mại 2 nhà máy thủy điện Buôn Kuốp và Sêrêpốk 3.

Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 24 nhà máy thủy điện, với tổng công suất 957 MW; trong đó, trên lưu vực sông Sêrêpốk có 12 nhà máy, tổng công suất 841 MW. Do hạn hán nên từ đầu năm đến nay, sản lượng điện sản xuất của các nhà máy thủy điện chỉ đạt 120 triệu KWh, chưa được 40% so với kế hoạch.

Tuấn Anh - C.L.