Dấu ấn Quốc hội

Chu Ninh 12/04/2016 00:09

Hôm nay 12/4/2016, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIII sẽ bế mạc. Sự minh bạch thông tin, nghị trình làm việc của Quốc hội cùng với hàng loạt nội dung hệ trọng tại kỳ họp lần này đã giúp cử tri và nhân dân có điều kiện nhìn nhận khách quan về tình hình đất nước. Dấu ấn tích cực của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trong gần 5 năm qua, đã đặt nền tảng cho khả năng chèo lái con thuyền đất nước tiếp tục bình tĩnh vượt qua thách thức, và vượt lên theo dòng chảy thời đại mà người dân vẫn hằng

Quang cảnh Kỳ họp Quốc hội.

Quốc hội khóa XIII vinh dự nhận lãnh trách nhiệm lịch sử lập hiến Việt Nam, đã ghi đậm dấu ấn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Hiến pháp năm 2013 được ban hành không chỉ tiếp tục kế thừa các giá trị cốt lõi của các bản Hiến pháp trong lịch sử nước ta, mà còn tiếp thu tư tưởng lập hiến tiến bộ phù hợp với thời đại.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII gắn liền với đợt sinh hoạt chính trị pháp lý lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp trong xã hội, góp phần làm sâu sắc thêm về nhận thức vai trò chủ thể Nhân dân trong quá trình lập hiến, xây dựng đạo luật gốc, khẳng định chủ quyền Nhân dân đối với quyền lực nhà nước.

Hiến pháp mới ban hành trong nhiệm kỳ qua đề cao quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong việc thực hiện các quyền về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Ý chí của Nhân dân khẳng định các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, bên cạnh xác định các nguyên tắc cơ bản nhằm đổi mới, hoàn thiện bộ máy nhà nước, bảo đảm sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước. Đó là những nguyên tắc cơ bản mà hoạt động của Quốc hội khóa XIII nhiệm kỳ qua đã góp phần tích cực nâng tầm thẩm thấu vào nhận thức của đồng bào cử tri, các tầng lớp nhân dân về quyền và trách nhiệm của mình.

Điều đó có ý nghĩa thúc đẩy việc phòng tránh quyền lực nhà nước bị tha hóa, xa lạ với ý chí của Nhân dân nếu thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước hữu hiệu. Cho đến nay, chỉ hơn 2 năm sau khi Hiến pháp 2013 được ban hành, đã có đến gần 70 đạo luật điều chỉnh nhiều lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, xã hội được Quốc hội khóa XIII thông qua.

Nhiều nội dung hiến định được thể thể hóa bằng các đạo luật, như về tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước; bảo vệ quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, sự phối hợp giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp và quyền hành pháp đã tìm ra được tiếng nói đồng thuận trong giải quyết các vấn đề đặt ra của đất nước. Quốc hội ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trí tuệ tổng hợp của tập thể các đại biểu dân cử đã góp phần kiến giải, ứng phó với các tình huống cụ thể.

Đời sống kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực nhờ sự xem xét, điều chỉnh linh hoạt của Quốc hội về mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và hàng năm phù hợp thực tiễn, cũng như nhờ việc Quốc hội đề ra chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể đối với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Trước những thách thức đối với nền kinh tế đất nước, Quốc hội khóa XIII đã kịp ban hành các chính sách, pháp luật phù hợp. Trong đó phải kể đến những quyết sách đồng bộ, bảo đảm thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa thận trọng, linh hoạt, giảm chi tiêu kém hiệu quả, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Không ít bức xúc trong đời sống dân sinh đã được Quốc hội bàn thảo, quyết định kịp thời, như: quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, hồ chứa; đấu tranh, phòng chống tội phạm; hỗ trợ ngân sách đóng tàu đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo; xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc thiểu số; tiếp nhận người nghiện ma túy vào các cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội; tăng lương cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách còn khó khăn.

Hàng loạt vấn đề quan trọng đặc biệt của đất nước đã được trao trách nhiệm lịch sử cho Quốc hội khóa XIII quyết định. Đó là Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, xem xét nhiều vấn đề quan trọng có ảnh hưởng lâu dài khác với đất nước. Đây là những quyết định mang tính lịch sử với gánh nặng trách nhiệm, ảnh hưởng trực tiếp đến diện mạo tương lai của đất nước.

Hoạt động giám sát của Quốc hội nhiệm kỳ qua tiếp tục được đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, dân chủ, trách nhiệm, gần sát hơn với nguyện vọng của nhân dân. Quốc hội khóa XIII đã làm sinh động và khẳng định rõ, giám sát của cơ quan đại biểu nhân dân cử là phương tiện hữu hiệu thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát tối cao theo chuyên đề cũng đã được tập trung vào những vấn đề bức xúc và cấp thiết của cuộc sống.

Nhờ “tiếng còi” giám sát, báo động vang lên từ các đại biểu nhân dân, các cơ quan của Quốc hội, những tồn tại tiêu cực, bộc lộ sự phát triển thiếu bền vững trong đời sống kinh tế - xã hội, nhất là hệ lụy của quá trình công nghiệp hóa chỉ dựa vào vốn, nguồn tài nguyên và lao động giá rẻ trong những năm qua đã được nhận diện rõ hơn, để từ đó tìm biện pháp điều chỉnh chính sách phù hợp.

Đó còn là các vấn đề nảy sinh từ việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề, quy hoạch thủy điện; đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh; bảo hiểm y tế, giảm nghèo; việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản; là việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng; tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.

Dấu ấn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII chính là việc giải quyết những vấn đề bám sát tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân không tách rời với lợi ích quốc gia dân tộc, phù hợp với nguyên tắc vận hành bảo đảm Nhà nước thực sự phải “của dân, do dân, vì dân”.

Cũng như nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh lúc ông còn tại vị: “Dân chủ là lựa chọn tốt nhất để đưa ý chí, nguyện vọng của Nhân dân đến với Quốc hội, kết tinh vào các quyết định của Quốc hội về lập hiến, lập pháp, các vấn đề quan trọng và giám sát tối cao. Trong quá trình này, cần phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí và bảo đảm sự công khai, minh bạch.”. Dấu ấn nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội khóa XIII góp phần tích cực củng cố niềm tin của nhân dân đối với chế độ.

Những dấu ấn đó gắn liền với thành quả lao động quyền lực của các đại biểu nhân dân trong suốt cả nhiệm kỳ. Thậm chí, không ít những tâm tư của các đại biểu Quốc hội khóa XIII được thẳng thắn biểu đạt trong những ngày qua khi sắp kết thúc nhiệm kỳ cũng đã trở thành dấu ấn trong dư luận nhân dân trước đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn cuộc sống.

Tất cả đều có ý nghĩa trong việc kế thừa, tiếp tục đổi mới để Quốc hội khóa XIV tới đây thực hiện trọn vẹn hơn sứ mệnh của cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân.

Và tại kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của QH khóa XIII, QH đã kiện toàn chức danh của các vị lãnh đạo QH, Nhà nước, Chính phủ; đồng thời thông qua thành viên mới của Chính phủ gồm các Bộ trưởng, trưởng ngành; Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Đây được coi là dấu mốc quan trọng đối với đất nước, khẳng định QH khóa XIII đã kiên định đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới, tiếp sau thành công của Đại hội XII của Đảng.

Chu Ninh