Sạch sẽ và thái độ

Dương Thanh Tùng 12/04/2016 13:45

“Chỉ cần làm tốt 2 điều cũng khiến du khách hài lòng hơn rất nhiều. Hai điều này không cần trường lớp lớn, cũng chưa cần giỏi ngoại ngữ, đó là sạch sẽ và thái độ”. Đây là ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia (NDLQG) 2016 – Phú Quốc – Đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề “Khám phá đất phương Nam”, tổ chức ở thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tối 10/4. 

NDLQG 2016 hướng đến mục tiêu cải thiện hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt du khách. Hình ảnh du lịch Việt Nam được cải thiện không chỉ bằng rất nhiều di sản cùng danh thắng được công nhận là di sản thế giới, bằng những quảng bá nhiều tốn kém, mà bắt đầu từ điều tưởng như đơn giản nhưng cần nhiều nỗ lực từ ý chí của mọi người dân trong bức tranh tổng thể du lịch Việt Nam: “Sạch sẽ và thái độ”.

Thắng cảnh sông Gianh tại Đồng Lê, Quảng Bình. Ảnh Dương Thanh Tùng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, từ đầu những năm 1990 đến những tháng đầu của năm 2015, khách quốc tế đến Việt Nam tăng trên 30 lần, khách nội địa tăng hơn 60 lần, doanh thu từ du lịch tăng hơn 240 lần. Hoạt động du lịch đóng góp hơn 6,3% GDP và trở thành cầu nối văn hóa, hợp tác hòa bình, hữu nghị giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.

Đánh giá du lịch là một trong những tiềm năng lớn, một lợi thế so sánh (của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề cập đến một thực tế, Việt Nam còn thua kém rất nhiều quốc gia – dù các quốc gia này không có lợi thế về di tích, danh thắng.

Phát biểu của Phó Thủ tướng đã chuyển tải đến cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch thông điệp khá rõ ràng: Cũng như kinh tế, Du lịch Việt Nam chưa bắt nhịp với cuộc cạnh tranh toàn cầu nhằm cải thiện thứ hạng trên bản đồ du lịch thế giới.

Việt Nam có hơn 40.000 di tích, danh thắng với trên dưới 3.000 di tích, danh thắng được xếp hạng di tích quốc gia (trong đó có 62 di tích, danh thắng được xếp hạng di tích, danh thắng quốc gia đặc biệt) và trên 7.000 di tích, danh thắng xếp hạng cấp tỉnh.

Dù sở hữu 8 di sản thế giới nhưng Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam năm 2014 thể hiện Việt Nam xếp hạng thứ 40 (Malaysia xếp hạng 12, Thái Lan xếp hạng 14, Indonesia xếp hạng 34, Singapore xếp hạng 25) về số lượng khách quốc tế đến.

Doanh thu từ du lịch của Việt Nam cũng được xếp hạng thứ 36 trên bản đồ du lịch thế giới, thấp hơn 5 lần so với Thái Lan. Từ năm 2000 đến năm 2014 lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ tăng 6 lần, trong khi đó khách quốc tế đến Lào tăng 6 lần, Campuchia là 10 lần.

Tương tự, dù được các tạp chí, trang mạng nổi tiếng trên thế giới xếp đứng thứ hạng cao trong danh sách các điểm đến hấp dẫn nhất thế giới trong năm 2015, Du lịch Việt Nam vẫn chưa thể cất cánh.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nơi vừa diễn ra Lễ khai mạc NDLQG 2016 là vùng đất rộng lớn (diện tích 40.000 km2, với 17 triệu dân) gồm 13 tỉnh thành phố: An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long.

Vùng châu thổ sông Mê Kông này vốn là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, tiềm tàng sắc thái văn hóa (của cộng đồng các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khơ Me), dồi dào sản vật, nhiều di tích, danh thắng nhưng hoạt động du lịch vẫn được nhìn nhận là chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng.

Trong khi ĐBSCL tiềm tàng các giá trị về thiên nhiên, sản vật thì 11 tỉnh Đồng bằng sông Hồng lại là nơi có số lượng di tich, danh thắng chiếm đến 70% lượng di tích, danh thắng của cả nước. Hệ thống di tích, danh thắng và di sản thế giới ở miền Trung như Phong Nha – Kẻ Bàng, Hội An, Mỹ Sơn cũng là điểm đến hấp dẫn.

Tiềm năng, lợi thế du lịch lẽ ra phải được phát huy đúng với giá trị hiện hữu của vùng đất, của di tích, danh thắng nhưng tỷ lệ du khách quay trở lại với vùng đất mà họ từng đặt chân đến ở Việt Nam rất thấp. Điều này được quy kết bằng thông điệp mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi gắm tại Lễ khai mạc NDLQG 2016 là “sạch sẽ và thái độ”.

Có thể nói, kể từ năm 1990 – khi du lịch Việt Nam bắt đầu được ghi nhận là “nền công nghiệp không khói” - cho đến nay, chúng ta đã gần như bỏ qua 2 điều sơ đẳng nhất trong khai thác du lịch là “sạch sẽ và thái độ”. Thời điểm mà du lịch Việt Nam còn manh nha thì một số thành phố, điểm du lịch ở các quốc gia Châu Á đã đề cao sự sạch sẽ trong ẩm thực, lưu trú, đặc biệt là thái độ để du khách ở lại thêm 1 ngày hoặc sẽ quay lại trong thời gian ngắn.

Không vơ đũa cả nắm nhưng chúng ta đang có không ít những khu nghỉ dưỡng, khu du lịch, khách sạn, nhà hàng không đáp ứng các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến ẩm thực phục vụ du khách. Việc chế biến ẩm thực trong khách sạn, nhà hàng, quán ăn ở các khu vực du lịch trên thực tế đang nằm ngoài tầm kiểm soát của ngành chức năng, khiến du khách bất bình mà không biết kêu ai, đành ngậm ngùi “một đi không trở lại!”.

Cùng với chế biến, bắt khách ăn những món ăn không sạch sẽ; sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu hẳn nụ cười thân thiện, cử chỉ ân cần trong giao tiếp cũng là nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng một cách chậm chạp trong gần 3 thập kỷ qua. Phục vụ du lịch, đầu tiên phải bằng nụ cười nhưng ở nhiều địa phương phía Bắc, nhân viên các khách sạn, nhà hàng vẫn mang vẻ mặt “khó đăm đăm” của người “bị phục vụ” do ảnh hưởng của tư duy bao cấp trì trệ.

Lãng quên 2 điều sơ đẳng nhất, đơn giản nhất trong hoạt động du lịch – dịch vụ là “sạch sẽ và thái độ” đã khiến du lịch Việt Nam phải trả giá đắt trong gần 3 thập kỷ qua, tụt hậu về thứ hạng quá xa so với các quốc gia láng giềng. “Mọi nơi mọi thứ từ to tới nhỏ đều phải sạch sẽ, thật sạch sẽ. Mọi lời nói, cử chỉ, ánh mắt nụ cười đều thể hiện, đều khởi phát từ tấm lòng tôn trọng khách”. Thông điệp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hy vọng sẽ đem đến sự khởi sắc cho du lịch Việt Nam, cải thiện hình ảnh, thứ hạng của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.

Dương Thanh Tùng