Nguy cơ lạm phát cao trở lại
Đó là ý kiến đánh giá của Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - TS Nguyễn Đức Thành tại buổi công bố báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý I-2016 do Viện VEPR thực hiện vừa diễn ra chiều nay (12/4) tại Hà Nội.
VEPR cảnh báo, lạm phát có xu hướng tăng cao trở lại.
Báo cáo báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý I-2016 do nhóm tác giả VEPR thực hiện nêu rõ, nền kinh tế trong quý I chứng kiến mức suy giảm tăng trưởng đáng kể từ năm 2012 đến nay. Lần đầu tiên trong vòng 5 năm, tăng trưởng quý I thấp hơn so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước. GDP chỉ tăng 5,46% trong quý I, mức tăng này thấp hơn mức 6,12% của quý I năm 2015.
Trong khi khu vực dịch vụ vẫn diễn biến tích cực, đóng góp của công nghiệp vào tăng trưởng không đạt được như kỳ vọng. Tăng trưởng dịch vụ ổn định ở mức 6,13% và đóng góp 2,48 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP quý I.
Trái lại, khu vực công nghiệp chỉ tăng 6,72%, mức thấp nhất trong nhiều quý trở lại đây.
Bên cạnh đó, khu vực nông lâm ngư nghiệp đã suy giảm 1,23%, chủ yếu do giảm sản lượng lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và trồng cây vụ đông tại miền Bắc vì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn mặn xâm nhập, hạn hán kéo dài…
Theo chia sẻ của TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, trong năm 2016 này, nguy cơ lạm phát sẽ tăng cao trở lại tiếp đà tăng của quý I năm 2016.
“Điều này hoàn toàn có cơ sở vì giá năng lượng đã xuống đáy, và sẽ tiếp tục ở đáy do những xung đột hiện nay giữa Nga và Mỹ. Thứ hai, giá lượng thực có nguy cơ tăng vì hạn hán kéo dài ở Việt Nam, Trung Quốc đang tích cực thu mua gạo… giá các dịch vụ công cũng có thể sẽ điều chỉnh tăng” - TS Thành phân tích và khẳng định, lạm phát toàn phần đã vượt mức 1% trong tháng 2 và đạt 1,69% vào cuối quý.
Theo TS Thành, áp lực lạm phát trong năm 2016 sẽ đến từ nhiều nhóm các mặt hàng do Nhà nước quản lý.
Trước những nguy cơ về lạm phát có thể tăng cao trở lại, VEPR đưa ra khuyến nghị, Chính phủ khi hoạch định chính sách cần nhìn trước những rủi ro bùng phát lạm phát nhằm kiểm soát cung tiền ở mức phù hợp.
Kế hoạch tăng trưởng tín dụng từ 18 - 20% trong năm 2016 có thể tạo nguy cơ mất kiểm soát lạm phát như trong mấy năm gần đây.