LHQ, Mỹ đau đầu với bài toán phục hồi Iraq hậu IS

Khánh Duy 13/04/2016 08:05

Trong bối cảnh các chiến dịch chống khủng bố của liên minh mà Mỹ dẫn đầu đã đẩy lùi phiến quân IS ở Iraq, giới chức Washington và Liên Hợp Quốc (LHQ) lại tiếp tục phải đau đầu vì các nỗ lực ổn định các khu vực tái chiếm đang bị tụt hậu, tạo điều kiện tổ chức phiến quân này tồn tại trong một mạng lưới ngầm.

LHQ, Mỹ đau đầu với bài toán phục hồi Iraq hậu IS

Một trong số các cửa hàng hiếm hoi ở thành phố Ramadi, Iraq (Nguồn: Reuters).

Nỗi quan ngại thứ nhất rất rõ ràng, đó là thiếu các khoản tiền mà các bên cam kết để tái xây dựng lại thủ phủ của tỉnh Ramadi hay các thị trấn khác, đó là chưa kể tới Mosul, nơi mà IS đang chiếm đóng - mục tiêu cuối cùng trong chiến dịch chống khủng bố mà Mỹ dẫn đầu ở Iraq.

Reuters dẫn lời bà Lise Grande, một quan chức LHQ tại Iraq, cho hay LHQ hiện đang cấp tốc tìm kiếm một khoản tiền 400 triệu USD từ Washington và các đồng minh của họ để thành lập một quỹ mới nhằm xây dựng lại các thành phố như Ramadi, vốn chịu tổn thất to lớn sau khi lực lượng chính phủ Iraq và liên minh Mỹ tái chiếm lại hồi tháng 12 năm ngoái.

Thêm vào đó là sự khó khăn trong việc tái ổn định các khu vực mới được giải phóng ở Iraq, chủ yếu do đấu đá nội bộ, tham nhũng, khủng hoảng tài chính đang hoành hành trong chính phủ nước này.

Tổ chức phiến quân IS trong khi đó chưa thể bị đánh bại hoàn toàn. IS hiện vẫn đang kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ, nắm giữ 8 chi nhánh trên toàn cầu và có đủ khả năng để phát động các cuộc tấn công khủng bố chết chóc, như vụ khủng bố ở Brussels hôm 22/3 vừa qua. Còn ở Iraq và Syria, IS dường như đang rút lui dần dần. Hãng phân tích quốc phòng HIS Janes ước tính rằng, IS đã để mất 22% lãnh thổ mà chúng kiểm soát trong vòng 15 tháng qua.

Nhưng vấn đề ở chỗ, Mỹ luôn chi mạnh tay vào cuộc chiến của họ hơn là vào công cuộc tái xây dựng. Chiến dịch chống IS của họ ở Iraq đã tiêu tốn 6,5 tỷ USD, tính từ năm 2014 đến 29/2 vừa qua, theo Lầu Năm Góc. Trong khi đó họ chỉ đóng góp 15 triệu USD cho công cuộc tái ổn định, thêm 5 triệu USD để giúp gỡ bỏ bom mìn ở Ramadi.

Hậu quả chồng chất

Hiện nay, bệnh viện chính, trạm tàu hỏa, gần 2.000 hộ dân, 64 cây cầu và phần lớn mạng lưới điện của thành phố Ramadi đã bị hủy diệt trong chiến sự, một báo cáo mà LHQ công bố tháng trước cho hay.

Theo báo cáo này, khoảng 3.000 hộ gia đình gần đây mới trở về các khu vực được gỡ bỏ bom mìn của thành phố này. Điện năng cung cấp cho cuộc sống hàng ngày của họ đến từ các máy phát, nước được bơm lên từ con sông Euphrates. Chỉ một vài cửa hàng lẻ tẻ mở cửa, nhưng chỉ trong vài giờ một ngày.

Giới chức thuộc chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nói rằng họ đang nỗ lực làm việc để giúp bình ổn cho Iraq cả về mặt chính trị lẫn kinh tế kể từ sau khi chiến dịch quân sự chống IS bắt đầu vào năm 2014.

Họ cũng cho rằng Washington hiện đang thúc giục Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiến tới một dàn xếp mà có thể sẽ giải ngân 15 tỷ USD để tái bình ổn Iraq. Được biết Baghdad hiện đang bị thâm hụt ngân sách nặng nề, tới 20 tỷ USD, do giá dầu giảm.

Ngoài ra, một vấn đề gây quan ngại khác là, dù cho Washington đã giúp Iraq đào tạo 15.000 chiến binh người Sunni, nhưng tiến trình cải cách chính trị nhằm tái hòa giải với cộng đồng người Hồi giáo thiểu số dòng Sunni lại rất chậm chạp. Điều này mang lại rủi ro về một cuộc xung đột sắc tộc bùng phát.

Tái xây dựng gặp khó

Theo bà Grande, các quỹ quốc tế nhằm tái xây dựng các thị trấn và thành phố bị IS hủy hoại luôn luôn hoạt động rất chặt chẽ. Điều này có nghĩa rằng, cộng đồng quốc tế cần phải xây dựng một mô hình quỹ khác có khả năng giải ngân nhanh chóng và có chi phí thấp.

Hiện các nhà tài trợ quốc tế đã đóng góp được một khoản tiền trị giá 100 triệu USD để thành lập quỹ khởi động lại nền kinh tế địa phương ở Iraq, tái khởi động mạng lưới cung cấp điện năng, nước sạch, mở cửa lại trường học và các cửa hàng bán lẻ. Mô hình này đã tỏ ra hữu hiệu đối với Tikrit, thành phố lớn đầu tiên được giải phóng từ tay IS hồi tháng 3/2015. Sau một khoảng thời gian chậm trễ, hầu hết người dân từng sống tại thành phố này đã quay trở lại.

Tuy nhiên, với Ramadi, một thành phố có khoảng 500.000 dân ở thời điểm trước chiến sự, thì đây lại là một thách thức lớn. Đó là còn chưa kể tới việc phục hồi lại Mosul, thành phố gồm 2 triệu dân trở lại trạng thái như trước khi nó bị rơi vào tay IS.

Khánh Duy