Minh bạch và minh bạch hơn nữa
Sáng 12/4, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã công bố chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Với nhiều người PAPI chả có gì mới vì nó đã hiện diện ở Việt Nam chí ít là 5 năm nay.
Lễ công bố chỉ số PAPi 2015 (ảnh minh họa).
Nhưng, sau khi nghe công bố kết quả PAPI nhiều người không khỏi giật mình thon thót vì, vấn đề nổi cộm nhất là tham nhũng, trong đó có nạn tham nhũng vặt dù đã được cảnh báo trong mỗi lần công bố chỉ số PAPI; lạ là tại sao nó lại không giảm, còn có nguy cơ tăng ở một số lĩnh vực.
Hãy xem kết quả được công bố thì thấy, nhận xét ấy có lẽ không phải là quá xa sự thật. 14 ngàn người được chọn mẫu và phỏng vấn trực tiếp. Thống kê từ 14 ngàn mẫu ấy cho thấy tham nhũng đúng là đã trở thành “quốc nạn” và rất có thể nó sẽ “hạ đo ván” quốc sách- như ĐBQH Lê Như Tiến đã từng nói- vào một ngày nào đó, đương nhiên, nếu chúng ta không kiên quyết đấu tranh với nó. Ví dụ có thể tìm thấy ngay trong chính kết quả PAPI được công bố sáng qua với hơn 9% dân đô thị- những người phải chịu gánh nặng của tham nhũng- đã cho rằng tham nhũng là một trong những vấn đề đáng quan ngại ở Việt Nam.
Theo khảo sát được công bố bởi UNDP, năm 2015, có tới 51,29% người dân phải đưa “lót tay” để xin được việc trong cơ quan nhà nước (tăng so với năm 2011 là 45,78%) … Tham nhũng cũng có xu hướng gia tăng ở các dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục, giấy phép xây dựng, cán bộ dùng tiền công quỹ chi cho mục đích riêng.
Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2015, người dân phải chi “lót tay” để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng tăng đột biến khi có khoảng 44% số người đã làm thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2015 phải đưa hối lộ mới làm xong được thủ tục, tăng gần gấp đôi so với tỉ lệ ước tính năm 2014. Số người lót tay để sử dụng dịch vụ y tế vẫn “ổn định” ở tỉ lệ 12% qua hai năm 2014 và 2015.
Những chỉ số ấy cho thấy một thực tế, sự suy giảm về hiệu quả quản trị hành chính công là có thể nhìn thấy được một cách rõ ràng và có sự suy giảm ấy là bởi điểm trung bình trong “kiểm soát tham nhũng tại khu vực công” và công khai minh bạch” giảm mạnh, lần lượt là 3% và 7% so với năm 2014. Mà đã không công khai, minh bạch thì làm sao để dân giám sát. Đã không giám sát được; không biết đâu mà lần thì làm sao tin được hoạt động của khu vực công có nhiều “duyên nợ” với người dân.
Cần phải nói thêm rằng 5/6 nội dung của chỉ số PAPI có xu hướng suy giảm- đây có lẽ là căn cứ để UNDP đưa ra nhận định, người dân có vẻ bi quan hơn về hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương, trong cung ứng dịch vụ công, trong tuyển dụng cán bộ, công chức viên chức và cả trong việc minh bạch hóa về kế hoạch sử dụng đất và khung giá đất ở địa phương- điều mà trong từng ấy năm tiến hành đánh giá theo chỉ số PAPI không có dấu hiệu bứt phá. Nó là một trong những nguyên nhân khiến niềm tin vào sự minh bạch của người dân tiếp tục giảm sút.
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên LHQ tại Việt Nam có nói một ý, trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp trên toàn quốc, Báo cáo PAPI năm 2015 như một nguồn dữ liệu, thông tin; như một tấm gương phản chiếu để bộ máy chính quyền các cấp nhiệm kỳ mới nhìn lại hiệu quả cải cách quản trị và hành chính công của đất nước trong 5 năm qua, đồng thời làm cơ sở so sánh tiến bộ trong thời gian tới.
Nhưng nhìn từ kết quả công bố PAPI cho thấy một số vấn đề; thứ nhất, vì sao phải chờ đến khi buộc phải chi ra khoảng gần 25 triệu đồng (cụ thể theo khảo sát là 24,6 triệu) người dân mới sẵn sàng tố cáo tham nhũng. Liệu có phải do dân ngày càng giàu hơn và không coi trọng những số tiền dưới mức 25 triệu đồng? Hay do chế tài, hình phạt đối với tội phạm tham nhũng dưới mức này chỉ như phủi bụi?
Lý do cụ thể thì có thể còn bàn cãi nhưng rõ ràng, đây là một trong những cách khiến tham nhũng trở nên khó kiểm soát hơn. Một khi không bị tố cáo, không bị luật pháp trừng trị người thực thi pháp luật sẽ chóng nhờn luật hơn các đối tượng khác và cũng tìm cách lách luật ráo riết hơn.
Và tâm lý “đấu tranh, tránh đâu” lại trở lại nặng nề hơn một khi tâm lý vị thân còn ngự trị nơi hệ thống các cơ quan công quyền. Nó cũng cho quyết tâm chống tham nhũng của cán bộ và nhân dân chùng xuống. Vậy làm thế nào để chống tham nhũng hiệu quả; trước tiên từ việc để người dân chịu tố cáo tham nhũng.
Ngay tại kỳ họp thứ 11 QH khóa XIII, QH đã thông qua Luật Tiếp cận thông tin trong đó nói nhiều đến sự công khai, minh bạch; đến quyền tiếp cận thông tin của người dân. Vậy thì, giờ đây hãy công khai ngay từ những thông tin nhỏ nhất; hay cho dân biết họ được quyền tiếp cận những gì; những gì không.
Đương nhiên là nên theo hướng mở rộng những gì được tiếp cận thay vì có quá nhiều thứ không được tiếp cận. Bởi, nếu không sẽ vẫn đi vòng luẩn quẩn khi người ta tự ban phát cho mình đặc quyền. Minh bạch trong tiếp cận thông tin chính là cách để chống tham nhũng, để PAPI mỗi khi được công bố thực sự trở thành thước đo chuẩn mực người cán bộ.