Hướng thí sinh chọn được đúng nghề
Để hạn chế được tình trạng thất nghiệp, làm việc trái ngành trái nghề luôn cần có những hoạt động thiết thực về tư vấn định hướng nghề nghiệp, theo các chuyên gia giáo dục. Tuy nhiên, nếu “tấn công” các em quá dồn dập vào những ngày cuối năm lớp 12 thì các em sẽ bị quá tải. Vì thế, hoạt động tư vấn cần được triển khai sớm ngay từ lớp 10 và 11.
Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, cần có những hoạt động thực tế bổ sung liên quan đến ngành nghề trong tương lai của các em.
Chỉ quan tâm bằng cấp là sai lầm
Tại buổi tư vấn hướng nghiệp “Chọn nghề đúng - chìa khoá của thành công” vừa diễn ra, TS Nguyễn Lê Minh - nguyên Phó Vụ trưởng, Phó ban chương trình quốc gia về việc làm khẳng định: Việc hầu hết cả xã hội Việt Nam đang đều quan trọng bằng cấp, là một quan niệm sai lầm.
Ông chia sẻ: “Tôi đã có 10 năm làm việc ở Đức, ở đó họ quan tâm và ý thức rất sâu về nghề nghiệp: 50% học sinh cấp 2 lên cấp 3 và 50% đi học nghề; khi lên cấp 3, cũng chỉ có 50% đi học ĐH và 50% còn lại sẽ đi học nghề.
Theo TS Phạm Mạnh Hà, Học viện Thanh thiếu niên VN: Việc tuyên truyền giáo dục định hướng nghề nghiệp càng đến được với các em học sinh càng sớm càng tốt. Ngay từ năm lớp 10, 11, các em học sinh đã cần được cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường lao động, các cơ hội nghề nghiệp việc làm, đánh giá và khám phá những năng lực tiềm ẩn của bản thân, định vị được sở thích và tính cách. Đây là những điều kiện quan trọng để quá trình chọn nghề, chọn nghiệp của các em học sinh thêm chính xác và phù hợp. |
Thực tế mô hình giáo dục ở Đức đang là tiêu chuẩn giáo dục cho nhiều nước trong khu vực ASEAN. Sự phân biệt giữa trường công lập và tư thục cũng là vấn đề đáng nói. Ở Mỹ, những trường ĐH hàng đầu của quốc gia này đều là trường tư thục như Harvard, Mississippi… Hiện nay ở Việt Nam cũng có nhiều trường tư thục nhưng có chất lượng vượt trội so với trường công. Ví dụ như Đại học FPT với kết quả 98% sinh viên ra trường có việc làm với mức thu nhập trung bình là 8,3 triệu/tháng. Quan trọng không phải là trường công hay tư, mà là sản phẩm họ đào tạo ra là ai, sẽ trở thành người như thế nào...
Chung quan điểm, TS Phạm Mạnh Hà, Học viện Thanh thiếu niên VN khẳng định thêm rằng: “Nếu chọn sai ngành nghề theo mong muốn của bố mẹ, phó mặc cho may rủi, không quan tâm đam mê, năng lực của bản thân, yêu cầu của công việc… bạn có thể phải trả giá không phải cho hiện tại mà là 15 năm tới. Thậm chí cả cuộc đời”.
Chọn nghề theo đam mê
Tiếp tục tư vấn cho học sinh, TS Nguyễn Lê Minh đưa một vài dẫn chứng: Ở huyện Thường Tín – Hà Nội, có ông Nguyễn Quang Thiều. Ông Thiều chỉ học đên cấp 2, không lên cấp 3 và ĐH. Từ hồi bé, ông đã rất ghét chuột, vì thế liền đem chuột về nuôi và nghiên cứu về cách đặt bẫy. Để làm được điều đó, ông tìm những người bạn làm kỹ sư vật lý, kỹ sư hóa học. Với chiếc bẫy không cần mồi người nông dân đã tiêu diệt hàng triệu con chuột đáng ghét, từ chuột nhà đến chuột đồng, chuột cống… Ông được biết đến không chỉ ở trong nước mà cả bạn bè thế giới.
Ông đưa ra dẫn chứng như vậy để nói rằng, các em hãy đi theo sự đam mê của mình. Phụ huynh hãy tôn trọng đam mê của con cái. Nếu các em muốn trở thành đầu bếp, thành người làm bánh, thành kỹ sư, hay bất cứ nghề nào, chỉ cần chân chính, hãy ủng hộ. Một sự rất khổ tâm của con người là hàng ngày phải đến công ty không phải là một ngày vui mà là một ngày chán nản, gò bó, buồn rầu. Tuy nhiên đam mê cũng phải đi liền với khả năng thực hiện đam mê đó. Bởi người chọn nghề nhưng nghề cũng chọn người.
Bên cạnh đó, cũng nên quan tâm xã hội có đang cần nghề đó không. Hiện tại chúng ta đã tham gia nhiều hiệp định song phương và đa phương. Theo quy ước cộng đồng kinh tế ASEAN, có nhiều nghề được tự do di chuyển làm việc trong khối, đó là Y tá, Kế toán, Bác sĩ nha khoa, Kiến trúc sư, Công tác du lịch vận chuyển... Nếu các em học Kế toán và giỏi tiếng Anh, các em có thể sang Băng Cốc làm việc và ngược lại. Nếu các em không giỏi, các em sẽ thua và mất việc ngay trên sân nhà.
Cơ hội trải nghiệm nghề
Để cho các em hiểu rõ hơn về những ngành nghề phù hợp, nhiều trường cũng tổ chức những buổi trải nghiệm nghề. Ví dụ như ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG HN vừa thực hiện chương trình “Ngày Sinh viên” – HUS Open Day 2016. Học sinh từ nhiều trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội đã được trải nghiệm những hoạt động thú vị về các ngành khoa học dù chưa bước chân vào ĐH.
Trong ngày lễ này, học sinh có thể tìm thấy những thí nghiệm trực quan để hiểu rõ hơn nghành nghề mình theo đuổi. Đồng thời được về các trường phổ thông thực hành tại chỗ, trải nghiệm làm việc nhóm, cảm nhận không khí trong một trường ĐH. “Bằng cách cảm nhận được thông tin một cách trực tiếp, các em sẽ không thấy ĐH quá xa vời, và nhận biết được ngành nghề đó có phù hợp với mình không” – Bí thư đoàn trường ĐH Khoa học Tự nhiên chia sẻ.