Đừng để vết thương rỉ máu

Hải Phong 13/04/2016 10:21

Việc đưa các vụ án ra xét xử lưu động là nhằm tăng tính răn đe, giáo dục không chỉ đối với người phạm tội mà còn có tác dụng cảnh tỉnh những người đã, đang và sẽ có ý định phạm tội.

Song, với những vụ án có liên quan đến người chưa thành niên, nhất là việc xâm hại tình dục thì cần có sự cân nhắc kỹ, bởi đôi khi việc công khai...sẽ là phản tác dụng giáo dục, khiến các em thêm một lần nữa bị tổn thương tâm lý, tự ti, mặc cảm, ảnh hưởng không tốt tới tương lai sau này.

Liên quan đến việc bảo vệ Trường Tiểu học La Pan Tẩn (huyện Mường Khương, Lào Cai) Đỗ Văn Nam xâm hại tình dục hàng loạt trẻ em, các cơ quan chức năng của tỉnh này đang có ý định đưa ra xét xử lưu động để tăng tính giáo dục, phòng ngừa loại tội phạm này. Không thể phủ nhận mặt tích cực của việc xét xử lưu động đối với các loại tội phạm, đặc biệt là loại tội phạm xâm hại trẻ em sẽ có tác dụng răn đe, giáo dục pháp luật cao. Song, chúng ta cũng cần hết sức tỉnh táo để cân nhắc cái được và mất trong việc đem ra xét xử lưu động vụ án mà có tới 23 em nhỏ học lớp 4 là nạn nhân.

Theo các chuyên gia tâm lý, việc các em nhỏ bị bảo vệ Đỗ Văn Nam xâm hại đã là một tổn thương sâu sắc không biết đến bao giờ mới lành vết thương. Nếu tới đây cơ quan chức năng lại mang vụ án ra xét xử lưu động công khai chẳng khác gì lấy dao khoáy sâu vào vết thương chưa lành đó.

Đương nhiên khi xét xử thì HĐXX phải hỏi cả bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và bị hại để làm rõ sự thật khách quan của vụ án là có hay không hành vi phạm tội của bị cáo. Và đã hỏi thì đương nhiên là phải công khai danh tính, độ tuổi, nơi ở... của các nạn nhân. Trong trường hợp này sẽ làm các em thêm xấu hổ, mặc cảm, ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển hoàn thiện nhân cách sau này.

Chưa nói đến việc các em là các bị hại, ngay cả trong các vụ án hình sự mà bị cáo là người chưa thành niên cũng được quan tâm trong chính sách pháp luật hình sự của Nhà nước. Chẳng hạn như Khoản 4, Điều 423, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Đối với việc xét xử người chưa thành niên, phòng xử án phải được bố trí thân thiện, phù hợp với lừa tuổi này.Ngay cả người chưa thành niên phạm tội còn được quan tâm khi tiến hành tố tụng, vậy thì không có lý do gì người chưa thành niên là nạn nhân lại phải chịu thêm tổn thương lần nữa.

Còn nữa, trong Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH giữa Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ LĐ-TB&XH cũng khẳng định: Người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm thần, là những đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là khi họ tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án, do đó tùy theo lứa tuổi, mức độ trưởng thành và nhu cầu cá nhân mà họ cần được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật khi tham gia tố tụng hình sự. Hy vọng các cơ quan tố tụng của tỉnh Lào Cai biết cân nhắc để không tạo ra thêm sai lầm phải hối tiếc.

Hải Phong