Môi trường kinh doanh minh bạch: Nâng sức cạnh tranh
Trong năm 2015, có tới hơn 71.000 DN ngừng hoạt động. Đây là con số được đưa ra tại buổi công bố báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2015 do UB Kinh tế của Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng phát triển Châu Á công bố sáng 13/4.
Với con số hơn 71.000 DN ngừng hoạt động trong năm 2015, theo VCCI, con này đã tăng 22,4% so với năm 2014. Trong đó, có 15.649 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 55.742 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký. Trong khi đó, số doanh nghiệp tái hoạt động chỉ đạt khoảng 21.506, tăng 39,5% so với năm 2014.
Còn tính riêng trong quý I-2016, số liệu từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có tới 22.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, chiếm hơn 84% số doanh nghiệp mới thành lập trong cùng thời gian này. Theo TS. Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký VCCI, tỷ lệ DN phải ngừng hoạt động vẫn tăng cao cho thấy các DN vẫn đang gặp nhiều khó khăn và rất cần các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Nhận định về con số DN gặp khó, phải ngưng sản xuất, đóng cửa trong năm 2015, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: Đây là điều hết sức bình thường đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế lại không cho rằng đó là điều bình thường.
Nhận định về con số hơn 22.000 DN phải đóng cửa, báo lỗ, phá sản chỉ trong quý I – 2016, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế độc lập, cho rằng, đây là một con số cao bất thường, nó minh chứng một thực tế rằng, các DN vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. “Hiện nay, cộng đồng DN vẫn đang phải chịu mức lãi suất cao, tới 8-9%, như vậy, họ phải bỏ chi phí vốn rất cao” –TS. Lê Đăng Doanh đánh giá: Với chi phí vốn cao, cộng thêm hàng loạt các chi phí ngoài pháp luật (phí bôi trơn, phí không chính thức) như báo cáo về PCI (Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) mà VCCI vừa công bố, thì việc các DN không thể chịu nổi áp lực, buộc phải rời bỏ thương trường cũng là điều dễ hiểu.
Cộng đồng DN vừa và nhỏ là động lực phát triển của nền kinh tế, là chủ thể tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội. Thế nhưng, với những gì đang diễn ra, cho thấy, khu vực DN này vẫn đang phải chịu vô vàn áp lực. Một môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, vẫn còn tồn tại nhiều bất công đương nhiên, DN khó có thể phát triển mạnh và bền vững.
“Con số DN giải thể, ngừng hoạt động được công bố cho thấy môi trường kinh doanh của ta vẫn tồn tại nhiều rủi ro. Điều này đòi hỏi bức thiết hơn yêu cầu về cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế. Nếu Chính phủ quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh chắc chắn, DN sẽ không còn phải chịu nhiều những chi phí ngoài pháp luật. Một môi trường kinh doanh minh bạch, không có sự nhũng nhiễu sẽ là động lực thúc đẩy cộng đồng DN mở rộng quy mô, tăng sức cạnh tranh. Ngược lại, nếu nền kinh tế vẫn tồn tại những nhũng nhiễu, sẽ là rào cản đối với DN” – TS. Doanh nhận định.