Gia vị 'ngậm' hóa chất
Thông tin về việc tỏi Trung Quốc độc hại, có thể gây ảnh hưởng sức khỏe vì được “ngậm” rất nhiều hóa chất để giữ được lâu khiến người tiêu dùng Việt Nam giật mình. Bởi, thị trường gia vị gừng, tỏi, hành khô... tràn ngập hàng có xuất xứ từ Trung Quốc.
Các chợ lớn tại Hà Nội như Ngã Tư Sở, Nghĩa Tân, hay Phùng Khoang các quầy hàng bán đồ gia vị nhan nhản hàng Việt, hàng Trung Quốc lẫn lộn. Chị Nguyễn Thu Hiền (quê Hưng Yên) tiểu thương kinh doanh gia vị hành, tỏi, gừng...chợ Nghĩa Tân cho biết: người bán hàng nhỏ lẻ hơn cũng lấy hàng từ đầu mối lớn là chợ Long Biên. Chợ Dịch Vọng vẫn được gọi là chợ buôn cấp 2 bán cho khu vực lân cận như Cầu Giấy, Nhổn, Trôi, Phùng. Theo tìm hiểu, hành, tỏi khô được bán ở chợ được nói rất rõ về xuất xứ và giá bán để khách hàng lựa chọn. Tuy nhiên, so sánh về số lượng, tỏi và hành Trung Quốc có tỷ lệ áp đảo.
Trong khi đó, ngược lên chợ Long Biên, theo quan sát mỗi ngày có hàng chục xe tải chở các loại nông sản khô từ biên giới về tiêu thụ. Đây cũng là thủ phủ tập kết hàng Trung Quốc, tỏa đi các chợ dân sinh ở Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh... Phần lớn ý kiến người bán hàng tại đây đều cho rằng: Hành, tỏi Trung Quốc to, đều, dễ bóc bán nhanh hơn hành tỏi Việt Nam.
Mới đây, báo chí đã đăng tải thông tin tỏi Trung Quốc đã bị tẩy trắng và phun thuốc để ngưng mọc mầm. Tỏi Trung Quốc có thể được khử trùng bằng methyl bromide trước khi xuất khẩu. Đây là chất diệt sâu bọ rất độc hại đối với con người, có thể hủy hoại hệ hô hấp và cơ quan thần kinh trung ương, thậm chí gây tử vong. Tiếp cận được thông tin này, nhiều bà nội trợ cảm thấy lo lắng, hoang mang. Methyl Bromide thuộc nhóm thuốc có tính độc tố cao thường sử dụng trong công tác kiểm dịch thực vật, dùng để xông hơi khử trùng ở các kho lưu trữ nông sản sau thu hoạch. Tại Việt Nam Chính phủ đã phê chuẩn chương trình giảm sử dụng và đi đến loại bỏ hoàn toàn Methyl Bromide trên lĩnh vực kiểm dịch.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính mới đây, khi phóng viên hỏi về quy trình thủ tục hải quan với hoa quả nông sản nhập khẩu, Đại diện Bộ này cho biết, phải có quản lý chuyên ngành. Riêng với mặt hàng hoa quả, tùy từng mã hàng, từng loại theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT doanh nghiệp phải xuất trình giấy chứng nhận kiểm định chất lượng. Tuy nhiên bây giờ cũng có câu chuyện, kiểm dịch xong hoa quả héo hết, cũng như ăn vào bụng rồi rồi mới có kết quả kiểm dịch. Vì vậy cơ chế 1 cửa quốc gia với các nước ASEAN sẽ khắc phục được những điểm này để đảm bảo sức khỏe của người dân...
Tuy nhiên, điều thắc mắc là từ trước tới nay, trong khi nông sản nội từ rau, củ đến trái cây luôn trong tình trạng giá rẻ, tiêu thụ khó thì nông sản Trung Quốc, Thái Lan vẫn đều đều nhập khẩu vào Việt Nam. Thậm chí, số lượng nhập khẩu gia tăng mạnh và bày bán ngang nhiên tại các chợ. Đáng nói là vấn đề kiểm dịch tại các chợ cũng chẳng mấy được ngành chức năng quan tâm.