Cư Kuin- Đắc Lắc: Sớm giải quyết khúc mắc ở Công ty cà phê
Mấy năm gần đây ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk có một số hộ nhận khoán và công nhân ở Công ty cà phê (Cty) đã cố tình không nộp sản phẩm. Họ cho rằng, số đất đai họ đang sản xuất là do tự khai hoang, phục hóa và họ đầu tư 100% vườn cây, nên không nộp sản phẩm, dẫn đến việc khiếu kiện đông người và kéo dài.
Cty cà phê Ea Ktur.
Kết luận thanh tra số 221/KL-TTr ngày 25 4 2015 của Bộ NN&PTNT đã nêu rõ: Diện tích cà phê, hồ tiêu do người nhận khoán tự trồng là diện tích đất của Cty cà phê. Trước đây, công ty đã khai hoang, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và trồng cà phê. Từ năm 1993 đến năm 2003, một số diện tích vườn cây của Cty phải thanh lý để trồng mới do cà phê già cỗi. Thời gian này, Cty gặp khó khăn về vốn, nên không có điều kiện để đầu tư trồng mới. Từ năm 2002, Cty đã đồng ý cho một số hộ dân tự bỏ vốn đầu tư trồng cà phê, hồ tiêu trên đất của Cty theo quy hoạch và tham gia góp vốn đầu tư theo Thông báo số 12b/TB/Cty – 2003. Đến năm 2008, Cty thực hiện giao khoán theo chỉ đạo của Tổng Cty cà phê Việt Nam và đã được Tổng Cty phê duyệt, cũng như thông qua hội nghị công nhân viên chức toàn đơn vị và một phần hộ gia đình nhận khoán. Sau đó Cty đã tiến hành ký hợp đồng giao nhận khoán mới theo Nghị định 135/CP. Toàn đơn vị có 1563 hộ đã ký hợp đồng, đạt 93,3%.
Trao đổi với chúng tôi về khiếu kiện của một số hộ dân, cũng như việc không chịu nộp sản phẩm, ông Trần Minh Tâm – Giám đốc Cty cà phê Ea Ktur cho biết: Cty cà phê Ea Ktur là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Tổng Cty cà phê Việt Nam, đóng trên địa bàn Tây Nguyên. Với vai trò công ích của doanh nghiệp Nhà nước có chức năng sản xuất chế biến và kinh doanh cà phê và nông sản, trong những năm qua Cty luôn thực hiện chỉ đạo của Tổng Cty cà phê Việt Nam, kể cả xây dựng phương án giao khoán và được Tổng Cty phê duyệt định mức khoán. Ngay sau khi có kết luận của Bộ NN&PTNT, cũng như thực hiện ý kiến chỉ đạo của huyện Cư Kuin về việc tổ chức họp dân để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng hộ liên quan đến việc khiếu nại tố cáo về việc giao khoán đất của đơn vị. Một số người lao động nhận khoán cho rằng tự khai hoang, trồng và chăm sóc thu hoạch là không đúng. Đây là đất của Nhà nước giao cho đơn vị quản lý, sử dụng, do đó việc thu chi phí quản lý mà Cty thu của người nhận khoán là phù hợp. Đối với cà phê giao khoán theo phương án ký kết là 1560 kg cà phê quả tươi/ha/năm, nhưng thực tế Cty chỉ thu 1200 kg cà phê tươi/ha/năm. Đối với hồ tiêu Cty xây dựng phương án thu 264 kg/ha/năm nhưng thực tế Cty thu 220 kg/ha/năm. Đây là diện tích mà người lao động nhận khoán trực tiếp từ khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch, nên Cty chỉ có thu 2 khoản chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định phục vụ sản xuất.
Không chỉ chống đối không nộp sản phẩm mà một số hộ dân còn vận động lôi kéo các gia đình nếu ai có ý định nộp sản phẩm thì họ lại cử một số đối tượng đến để ngăn cản. Ngay việc Cty cử cán bộ xuống tận nhà thu sản phẩm thì số đối tượng đó đã không nộp lại còn gây mất đoàn kết, mất trật tự công cộng. Nghiêm trọng hơn, trong mấy năm gần đây một số cán bộ tích cực thu hồi công nợ cho đơn vị thì lại bị một số đối tượng thường lợi dụng đêm tối vào vườn chặt trộm hàng trăm ha hồ tiêu, cà phê. Hiện nay, công an vẫn đang điều tra làm rõ.
Xung quanh vụ việc, thiết nghĩ các cấp chính quyền, Tổng Cty cà phê Việt Nam cần có biện pháp xử lý nghiêm những kẻ cố tình chiếm tài sản công, giữ an toàn trật tự khu vực.