Ứng xử văn minh
Chiến dịch ứng xử văn minh của du khách Việt Nam (cả khi đi du lịch trong nước và ra nước ngoài) do Tổng cục Du lịch phát động, sẽ chính thức khởi động từ ngày 16/4. “Hành vi ứng xử của du khách Việt đang có rất nhiều vấn đề. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì sẽ làm xấu đi hình ảnh của đất nước, tác động tiêu cực đến ngành du lịch”. Đây là nhận định của ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam tại cuộc họp báo ngày 12/4 do Tổng cục Du lịch tổ chức.
Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng (Ảnh: Thanh Tùng).
Rõ ràng không nên và không thể vì điều gì đó mà không dám nhìn thẳng vào một sự thật đã và đang làm tổn thương sâu sắc đến hình ảnh du khách Việt Nam khi đi du lịch nước ngoài và cả trong nước. Đó chính là những ứng xử kém văn minh, thiếu tôn trọng chính mình và tôn trọng môi trường du lịch ở nơi mà họ đặt chân đến.
Bán đảo Sơn Trà của Đà Nẵng là nơi duy nhất trên thế giới, con người có thể đi bộ, ngắm nhìn, chụp ảnh loài Voọc chà vá chân nâu đặc biệt quý hiếm cũng như các loài chim thú đặc hữu khác. Tuy nhiên chính du khách (cả người bản địa và khách nơi khác đến) đã và đang làm tổn thương đến thiên nhiên hoang dã Sơn Trà bằng thái độ, hành vi ứng xử kém văn minh. Các nhiếp ảnh gia say mê thiên nhiên hoang dã ở Sơn Trà lấy làm khó hiểu khi so sánh ứng xử của khách châu Âu, khách Nhật với du khách Việt Nam. Khách châu Âu khi gặp ai đó đang giương ống kính chụp ảnh trong rừng, đều tắt xe máy từ xa, nhẹ nhàng dắt xe đi qua cùng với lời xin lỗi đã làm phiền! Trong khi đó du khách là người bản địa thì phóng xe máy ào ào, hò hét, rút điện thoại di động quơ loạn xạ khiến chim thú giật mình chạy táo tác. Tương tự, chùa Linh Ứng ở sườn Đông Nam bán đảo này ngày cũng phải đón tiếp những du khách Việt ăn mặc phản cảm (quần đùi, váy ngắn) đến khói hương, cầu bái. Nhà chùa quy định mỗi người chỉ thắp 1 cây hương thì không ít du khách đốt cả bó hương to, nói cười vô ý thức nơi cửa Phật.
Ở thời điểm này, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm của TP Đà Nẵng đang rốt ráo chuẩn bị đón du khách đến nghỉ ngơi, thăm thú dịp lễ 30/4 và 1/5. Việc khách các nơi đến thăm thú Đà Nẵng – tăng đột biến vào dịp lễ, Tết là hoàn toàn tự nhiên. Tuy nhiên, đằng sau chuyện thăm thú, vui chơi của du khách là câu chuyện rất không bình thường từ ứng xử thiếu văn minh. Nhắc lại chuyện dọn rác sau ngày đại lễ 30/4 và 1/5 năm 2015, nhiều bạn trẻ ở Đà Nẵng vẫn không khỏi…rùng mình. Rác ngập ngụa, dồn ứ trên nhiều con đường trong nội đô, đường ven biển và trên các cây cầu bắc qua dòng sông Hàn đã buộc TP phải huy động nhiều lực lượng cùng tham gia thu dọn nhưng cứ dọn được chỗ này thì khách lại xả ngay chỗ khác. Có du khách khi được nhắc nhở đi thêm vài bước sẽ có thùng rác, đã phản ứng: “Tôi vứt rác trên cầu, có vứt vào nhà ông đâu”!
Có thể nói ứng xử kém văn minh dễ nhận thấy nhất của du khách Việt là xả rác. Không chỉ “vô tư” xả rác ở trong nước, du khách Việt ra nước ngoài cũng xả rác… tưng bừng, khiến nhà chức trách sở tại phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn.
Cùng với xả rác, du khách Việt khi ra nước ngoài đều có những “tật xấu” - không chỉ làm xấu xí hình ảnh của chính mình mà còn khiến cộng đồng dân cư nước sở tại bất bình. Một lãnh đạo doanh nghiệp lữ hành có tên tuổi tổng kết, có đến 8 hành vi không văn minh của người Việt khi ra nước ngoài, là: “Mặc đồ ngủ ra đường; mất trật tự nơi công cộng; sai giờ hẹn; ăn uống xô bồ, bỏ thừa thức ăn; xả rác lung tung; trốn vé tàu điện, vé tham quan; táy máy, ăn cắp vặt; lợi dụng chính sách du lịch thông thoáng để cư ngụ bất hợp pháp”. Chia sẻ điều này với báo chí, ông Vũ Thế Bình cho rằng, chuyện làm xấu đi hình ảnh của chính mình và qua đó, là hình ảnh của đất nước, dân tộc của không ít du khách Việt có nguyên nhân từ thói quen tùy tiện được dung dưỡng ở trong nước. Lãnh đạo một hãng lữ hành tên tuổi cũng cho rằng, sự hạn chế hiểu biết về quy tắc ứng xử của du khách Việt khi ra nước ngoài luôn đặt họ vào các tình huống bất lợi, bị coi thường, chẳng hạn như chuyện hút thuốc nơi công cộng, vứt rác bừa bãi, nói cười ồn ã. Cùng với đó là những hành vi rất không đẹp khác như “lấy nhầm” vật dụng trên máy bay và ở khách sạn…
Nguyên nhân ứng xử kém văn minh của du khách Việt – được chuyên gia trong lĩnh vực du lịch nhìn nhận là do Việt Nam chưa có bất cứ khuyến cáo hay chế tài nào buộc họ (du khách) phải cư xử văn minh, tuân thủ pháp luật ở nơi đến. Cũng theo các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, du khách Việt – dù tiêu tiền rất mạnh tay nhưng lại không hề được tôn trọng. Việc này có nguyên nhân từ cách tiêu tiền mang dáng dấp “trọc phú” của số đông du khách – ngay cả khi họ đi du lịch trong nước. Ở các điểm đến, những du khách “trọc phú” ngoài chuyện mặc đồ ngủ ra đường, mặc váy ngắn lên chùa còn được ví như những ông trời con chuyên hò hét gọi đồ ăn thức uống thừa mứa, phá giá khiến ngay cả chủ nhà hàng cũng bất bình.
Không chỉ du khách, hoạt động du lịch, dịch vụ không chuyên nghiệp ở các điểm đến, khách sạn, nhà hàng trong nước cũng đang có vấn đề về tính chuyên nghiệp. Không thể nói chúng ta đã có môi trường du lịch văn minh khi tồn tại cung cách phục vụ du lịch – dịch vụ thiếu chuyên nghiệp, “chặt chém”, hay cao đạo kiểu ban ơn do ảnh hưởng của tư duy bao cấp.
Xin nhắc lại lời ông Vũ Thế Bình: “Tại một số nước, đã có những biển cảnh báo bằng tiếng Việt, như không được lấy thừa thức ăn trong tiệc buffet, giữ gìn vệ sinh công cộng… Những chuyện đó tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ, nếu không ngăn chặn kịp thời thì không những làm xấu hình ảnh đất nước mà còn tác động tiêu cực đến ngành du lịch”.
Chỉ khi dám nhìn thẳng vào thực tế này, đưa ra các liều thuốc không ngọt ngào như việc phát động chiến dịch ứng xử văn minh của du khách Việt, chúng ta mới có cơ hội cải thiện tình hình.