Đã thay đổi nhận thức về sức khoẻ

Trần Ngọc Kha 14/04/2016 09:05

Chương trình mục tiêu quốc gia ngành y tế (CTMTQGYT) giai đoạn 2011-2015 đã kết thúc với những kết quả đạt được rất khả quan. Tuy nhiên, hiện còn rất nhiều vấn đề đang đặt ra cần giải quyết trong khi một chương trình tương tự như vậy đã không được mở tiếp nữa. 

Trong giai đoạn 2016-2015 tới đây, Bộ Y tế đang đề nghị được thực hiện 2 chương trình mục tiêu “không quốc gia” mang tên: Chương trình Y tế - Dân số và Chương trình Phát triển hệ thống y tế địa phương.

Đã thay đổi nhận thức về sức khoẻ

Nhiều bệnh mãn tính được kiểm soát

Theo báo cáo được nêu tại cuộc họp tổng kết CTMTQGYT diễn ra ngày 13-4, hơn 17.000 tỷ đồng đã được huy động trên cả nước cho chương trình. Đổi lại, chúng ta có một bức tranh toàn cảnh mới mà ở đó, ý thức nhận thức của người dân về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe được nâng lên rất nhiều. Số người tử vong tại nhiều dịch bệnh nguy hiểm giảm đáng kể. Các nguy cơ dịch bệnh lớn đều được kiểm soát và khống chế… Điều này có được nhờ trong giai đoạn này, 4 chương trình được ngành y tế đồng thời triển khai trên diện rộng. Trong đó, hàng loạt những bệnh mãn tính được quan tâm. Kết quả, 100% các tỉnh, thành phố đạt 4 tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong, trên 50% số huyện, thị xã trên cả nước không còn bệnh nhân phong mới trong 5 năm qua, 90% bệnh nhân phong bị tàn tật được phẫu thuật, phục hồi chức năng. Trong công tác chống lao cũng vậy, 100% địa phương quận, huyện cũng như xã, phường đều được tiếp cận và bảo vệ bởi chương trình. Trong 5 năm qua, ngành y tế đã giảm được 50% số bệnh nhân mắc lao/100.000 dân (từ 375 xuống 187). Hàng loạt bệnh mãn tính khác như sốt xuất huyết, bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường… cũng được quan tâm, kiểm soát, quản lý… Chất lượng dân số nước ta trong giai đoạn vừa qua được nâng lên một bước với những tỷ lệ rất ấn tượng về tốc độ tăng mức sinh thay thế và đặc biệt là tỷ lệ sàng lọc trước khi sinh và sàng lọc sơ sinh tăng. Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng được duy trì dưới 0,3% dân số, trong đó, đạt cả 3 tiêu chí: Giảm số nhiễm mới, số chuyển sang AIDS và số tử vong vì AIDS. Một mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS trên toàn quốc được hình thành và tiếp tục ổn định, kiện toàn…

Mới chỉ tăng thêm gần 5% bệnh nhân ung thư được phát hiện sớm

Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của chương trình như: Chưa chăm sóc được 100% bệnh nhân phong tàn tật, tỷ lệ lây truyền lao kháng thuốc cũng như mức tăng tỷ lệ tiếp cận với điều trị bệnh lao đa kháng thuốc mới chỉ đạt 30% so với kế hoạch đề ra là 55%, tăng được dưới 5% trên kế hoạch đề ra là 10% số bệnh nhân ung thư được phát hiện sớm… Ngay tại những chỉ tiêu y tế tuy đạt và vượt kế hoạch nhưng kết quả cụ thể vẫn còn sự chênh lệch không nhỏ giữa các vùng, miền, đặc biệt giảm tại các vùng núi, khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2011, dân số Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số”. Đây là thành tựu do y học và các ngành khác cũng như toàn xã hội đem lại trong việc kéo dài tuổi thọ con người nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn đang đặt ra cho mỗi chúng ta trong việc chăm sóc người cao tuổi.

Đã thay đổi nhận thức về sức khoẻ - 1

Đưa trẻ đi tiêm chủng. (Ảnh: Dương Ngọc).

Y tế không thể mãi “xin tiền” ngân sách

Trước tình hình đó, trong bối cảnh không còn chương trình mục tiêu quốc gia nào cho ngành y tế nữa, phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Ngành vẫn đề nghị được triển khai hai Chương trình mục tiêu “không quốc gia” mà vẫn “rất quan trọng” phải hướng tới trong giai đoạn 2016-2020. Đó là các Chương trình: Y tế - Dân số và Phát triển hệ thống y tế địa phương, với tổng số vốn được huy động theo kế hoạch hơn 30.000 tỷ đồng, Việc huy động số vốn lớn hơn rất nhiều so với số thực hiện tại Chương trình mục tiêu quốc gia vừa qua, theo Bộ trưởng, nhằm giải quyết hàng loạt những vấn đề về phòng chống dịch bệnh cũng như phát hiện sớm, kịp thời khống chế không để dịch bệnh xảy ra, giảm tiếp số mắc và tử vong do một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các bệnh không lây nhiễm phổ biến, nâng cao kiểm soát an toàn thực phẩm, khống chế và giảm tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS, duy trì mức sinh hợp lý, cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số…

Một trong những giải pháp để thực hiện thành công 2 chương trình nói trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, là phải làm sao để động viên được các nguồn lực từ địa phương cũng như quốc tế cùng phối hợp với trung ương. Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên cho rằng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải có chỉ đạo bằng văn bản kế hoạch chi ngân sách, trong đó có khoản chi cho y tế như thế nào để các địa phương thực hiện. “Về lâu dài, ngành y tế cần xây dựng cho mình những gói dịch vụ y tế cơ bản được chi trả từ quỹ BHYT chứ không thể cứ mãi xin tiền ngân sách nữa. Được như thế, chúng ta mới có thể chủ động phát triển thực sự” - Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Tiên nhấn mạnh.

Trần Ngọc Kha