Kỳ thi THPT Quốc gia 2016: Nhiều trường 'trắng' môn Sử
Kết quả đăng ký môn thi tự chọn trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 của học sinh lớp 12 tại nhiều THPT trong cả nước tới thời điểm này cho thấy, ngoài 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, hai môn Vật lý và Địa lý được học sinh lựa chọn nhiều nhất. Môn Lịch sử vẫn không thoát khỏi cảnh lẻ loi, hiếm học sinh chọn thi, thậm chí có trường không có học sinh nào chọn thi Lịch sử.
(Ảnh minh hoạ).
Ít khối thi, ít cơ hội khi chọn Sử
Với tâm lý học để thi, thi để lấy điểm xét tốt nghiệp, vào ĐH, CĐ nên không bất ngờ khi thống kê tại nhiều trường THPT trên cả nước, năm nay thí sinh vẫn không mặn mà với môn Sử.
Tại Hà Nội, trong tổng số hơn 66.000 học sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2016, chỉ có khoảng 10% lựa chọn thi môn Lịch sử để xét tốt nghiệp hoặc xét tuyển CĐ, ĐH. Có những trường như THPT Lương Thế Vinh, THPT Sóc Sơn, THPT Tây Đô, THPT Anhxtanh, THPT Wellspring Hà Nội… hiện đang không có học sinh nào chọn thi môn Lịch sử để xét tốt nghiệp. Theo PGS Văn Như Chương – Chủ tịch Hội đồng Quản trị THPT Lương Thế Vinh cho biết, trường chỉ có 1 em chọn thi Lịch sử để xét tuyển ĐH, CĐ. Tình trạng này cũng tương tự như kỳ thi THPT Quốc gia 2015, nhiều trường không có học sinh chọn môn Sử.
Hoàn toàn tôn trọng quyền lựa chọn của học sinh, NGƯT Đặng Đình Đại- Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring Hà Nội cho rằng, với việc đổi mới trong phương pháp dạy và học lịch sử trong nhà trường, nhiều em đã bày tỏ niềm yêu thích với môn học này. Tuy nhiên, với khối lượng kiến thức lớn, nhiều sự kiện cần ghi nhớ nên các em với tâm lý an toàn vẫn “né” Sử để chọn Địa lý vì vừa dễ đạt điểm cao, lại ôn tập dễ dàng hơn là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Một lý do khác khiến Lịch sử ít được xem xét lựa chọn là vì nhìn vào tổ hợp các môn thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ của các trường cho thấy, cơ hội cho các thí sinh chọn Lịch sử là rất hiếm hoi. Mặc định học Sử là học khối C, là có ít cơ hội để xét tuyển trong khi nỗi lo thất nghiệp, nỗi lo ra trường làm trái ngành trái nghề và lương không đủ đảm bảo cuộc sống với cử nhân các ngành khoa học xã hội là một thực tế lâu nay vẫn chưa có lời giải đáp. Trong khi đó, cũng chung số phận môn xã hội nhưng môn Địa nằm nằm trong tổ hợp môn xét tuyển khá nhiều ngành của nhiều trường ĐH, CĐ nên càng thu hút học sinh.
Không riêng thí sinh ở các thành phố lớn mới “né” sử mà đây là tình trạng chung của nhiều địa phương khác trên cả nước. Như Hoà Bình, địa phương có tỷ lệ chọn thi môn lịch sử khá cao năm 2015 thì năm nay, con số này chỉ là 14% trong tổng số hơn 8 nghìn học sinh lớp 12 của toàn tỉnh. Môn tự chọn “áp đảo” nhất là Địa lý, chiếm 80%. Thấp nhất là môn Sinh học với 9,5%.
Tương tự, theo đại diện Sở GD-ĐT Bình Định, thống kê sơ bộ tại nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ chọn thi Địa lý và Vật lý là phổ biến nhất trong số 5 môn tự chọn. Nguyên nhân là vì Địa lý được mang Atlat vào phòng thi nên học sinh yên tâm hơn khi lựa chọn. Còn Vật lý, cùng với 3 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh sẽ giúp thí sinh có được hai tổ hợp môn để xét tuyển vào ĐH, gồm: Toán - Vật lý -Tiếng Anh và Toán - Ngữ văn - Tiếng Anh khiến cho cơ hội vào ĐH, CĐ rộng mở hơn với các thí sinh.
Đăng ký tối đa 5 môn
Để tránh tình trạng ôn tập dàn trải, ngay từ đầu năm học nhiều trường đã tổ chức các buổi định hướng, sinh hoạt cho học sinh hiểu về việc nên lực chọn các môn thi là thế mạnh của mình, phù hợp với nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ hoặc dễ đạt điểm cao hơn khi xét tốt nghiệp.
Theo phân tích của các chuyên gia giáo dục, nhiều trường ĐH, CĐ năm nay mở rộng thêm nhiều tổ hợp môn mới bên cạnh các tổ hợp môn truyền thống để xét tuyển vào các ngành đã có hoặc mới mở, thí sinh cần theo dõi sát thông tin để tránh việc tự mình bó hẹp mình. Chính vì thế ngoài 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, thí sinh chỉ cần đăng ký thêm 1-2 môn nữa là có thêm cơ hội xét tuyển vào các ngành học yêu thích.
Chẳng hạn, vào ngành Sư phạm Toán Trường ĐH Quy Nhơn năm nay, bên cạnh tổ hợp truyền thống Toán-Vật lý-Hóa học, nhà trường sẽ xét thêm tổ hợp mới là Toán-Vật lý-Tiếng Anh để tạo điều kiện cho các thí sinh. Thông tin này đã được phổ biến tới nhiều trường THPT trên địa bàn các khu vực lân cận để thí sinh nắm bắt và chủ động ôn tập sát với kế hoạch dự thi.
Đến 30-4 mới là thời hạn chốt môn đăng ký dự thi THPT Quốc gia 2016 nhưng theo nhiều chuyên gia nhận định, đa số thời điểm này học sinh đã xác định được môn thi và tập trung ôn tập. Có thể một số em muốn thay đổi môn thi tự chọn cho phù hợp với tổ hợp môn xét tuyển ĐH, CĐ nhưng con số này được dự đoán sẽ không nhiều.