50 tập đoàn lớn nhất của Mỹ 'giấu' 1,4 nghìn tỷ USD ở nước ngoài

Linh Chi 15/04/2016 09:30

Các công ty và tập đoàn quốc tế lớn luôn có những chiêu trò giấu nhẹm khối tài sản khổng lồ của họ để trốn thuế, chủ yếu nhờ vào dự trữ tiền ở các ngân hàng hay thông qua công ty nước ngoài… Và mới đây, tổ chức Oxfam đã ra một báo cáo vạch trần khối tài sản bí mật này.

Bermuda được xem là thiên đường trốn thuế nổi tiếng nhất với các tập đoàn của Mỹ (Nguồn: Guardian).

Những tập đoàn khổng lồ của Mỹ như Apple, Walmart và General Electric hiện đang giấu khối tải sản lên tới 1,4 nghìn tỷ USD ở các thiên đường trốn thuế nước ngoài, trong khi lại nhận được hàng nghìn tỷ USD tiền trợ thuế, theo một báo cáo mà Oxfam mới công bố. Theo báo cáo, Apple có 181 tỷ USD ở nước ngoài, trong khi General Electric có 119 tỷ USD và Microsoft là 108 tỷ USD.

Số tiền trên, thậm chí còn lớn hơn sản lượng kinh tế của nước Nga, Hàn Quốc và Tây Ban Nha và đang được lưu giữ trong một “mạng lưới bí mật và tăm tối” gồm 1.608 chi nhánh ở nước ngoài, theo Oxfam. Phân tích của Oxfam về bí mật tài chính của 50 tập đoàn lớn nhất nước Mỹ xuất hiện trong bối cảnh vụ bê bối Panama Papers vẫn chưa qua đi.

Oxfam nói rằng báo cáo đã cho người ta thấy được bức tranh toàn cảnh về việc các tập đoàn lớn “lạm dụng có hệ thống” hệ thống thuế toàn cầu. “Người khổng lồ” ngành công nghệ Apple, công ty lớn thứ hai thế giới, đứng đầu danh sách mà Oxfam công bố, trong đó sở hữu khối tài sản 181 tỷ USD trong 3 chi nhánh nước ngoài.

Trong khi đó, General Electric, tập đoàn mà Oxfam nói rằng đã nhận được 28 tỷ USD tiền trợ thuế, đứng thứ hai với 119 tỷ USD nằm trong 118 chi nhánh nước ngoài. Tập đoàn máy tính Microsoft đứng thứ ba với 108 tỷ USD, trong top 10 cùng với tập đoàn dược phẩm Pfizer, công ty mẹ của Google Alphabet và Exxon Mobil, tập đoàn dầu khí lớn nhất của Mỹ.

Oxfam còn so sánh tổng số tiền mà các tập đoàn này dự trữ ở nước ngoài - 1,4 nghìn tỷ USD - với khoản tiền thuế 1 nghìn tỷ USD mà 50 công ty lớn nhất nước Mỹ đã phải chi trả trong khoảng 2008-2014. Oxfam chỉ ra rằng, trong khi đó các công ty trên vẫn chia sẻ nhau khoản tiền vay liên bang trị giá lên tới 11,2 nghìn tỷ USD trong cùng khoảng thời gian.

Xét tổng thể, việc sử dụng các “thiên đường trốn thuế” đã cho phép các công ty Mỹ giảm được đến 4 nghìn tỷ USD tiền thuế đánh trên thu nhập của họ, tức giảm tỷ lệ thuế suất từ 35% xuống còn 26,5% trong khoảng 2008-2014.

Và khoản tiền dôi ra từ việc trốn thuế này đã giúp các công ty trên đổ vào công tác vận động hành lang, nhằm kêu gọi sự ủng hộ lớn hơn từ phía chính phủ Mỹ. Trong khoảng 2008-2014, 50 công ty hàng đầu nước Mỹ đã chi khoảng 2,6 tỷ USD cho vận động hành lang trong chính phủ Mỹ, theo Oxfam.

“Cứ mỗi 1 USD mà các công ty trên chi cho vận động hành lang, 50 công ty này thu được khoản tiền tổng là 130 USD nhờ trốn thuế, và hơn 4.000 USD từ các khoản vay liên bang” - Oxfam cho hay.

Robbie Silverman, cố vấn thuế kỳ cựu của Oxfam, nói rằng: “Một lần nữa, chúng ta đã có chứng cứ về một hoạt động lạm dụng hệ thống thuế toàn cầu. Chúng ta không thể tiếp tục để giới siêu giàu và giới chức quyền trốn thuế, khiến chúng ta chịu thêm gánh nặng thuế. Chính phủ trên khắp thế giới cần phải chung tay chấm dứt kỷ nguyên của thiên đường trốn thuế”.

Oxfam ước tính rằng, hoạt động trốn thuế của các tập đoàn Mỹ đã khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới này thất thu khoảng 11 tỷ USD mỗi năm, trong khi cũng khiến sự giàu có của thế giới bị chia rẽ do rút đi khoảng 100 tỷ USD từ các nước nghèo nhất.

“Việc các tập đoàn lớn trốn thuế, do được giới chính trị gia hậu thuẫn, đã khiến thế giới thêm bất bình đẳng, ảnh hưởng đến xã hội và làm chậm đà tăng trưởng” - Oxfam cho hay.

Oxfam cũng chỉ ra rằng, các vùng lãnh thổ bên ngoài của nước Anh như Bermuda, là những nơi mà các công ty Mỹ hay tìm đến để lách thuế nhất. Trong năm 2012, các công ty Mỹ được cho là đã thu được khoản lợi nhuận lên tới 80 tỷ USD từ Bermuda, hơn cả tổng mức lợi nhuận ở Nhật Bản, Trung Quốc và Pháp - 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới - gộp lại.

Linh Chi