Lời ca trên đầu ngọn sóng
Trong trái tim người Việt Nam, những ca khúc về biển đảo luôn đồng hành và ngân vang. Những lời ca trên đầu ngọn sóng như tiếng lòng của triệu triệu con dân luôn hướng về biển khơi, ở đó có dấu chân cha ông mở cõi, có máu xương những thế hệ người Việt hòa tan trong sóng biển khơi, có niềm tự hào về một “quốc gia biển” với chiều dài bờ biển hơn 3.260km…
1. Tháng tư về, đứng trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) dõi mắt nhìn ra biển xanh, trong tôi chợt vang lên lời bài hát “Vòng tròn bất tử” gần đây được nhiều bạn trẻ yêu thích: “Mỗi ngày hướng về đảo xa/ Thiết tha bạc đầu con sóng/ Mỗi ngày ta nhủ lòng ta/ Chớ quên tiếng gọi Hoàng Sa!/ Tay trong lòng tay, ta đi cùng nhau/ Gọi sóng Bạch Đằng réo vang Trường Sa/ Nghe hồn nước trên đầu ngọn sóng/ Nghe trái tim đập vọng Trường Sa…”.
Đứng ở hòn đảo tiền tiêu này cảm xúc âm nhạc về biển đảo cứ ùa về. Tôi lại nhớ đến ca khúc “Nơi đảo xa”. Đây là một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Thế Song, gần đây được rất nhiều ca sĩ biểu diễn. Khởi viết từ năm 1979, khi chưa một lần đặt chân ra Trường Sa, nhưng nhạc sĩ Thế Song đã khiến triệu triệu con tim lay động mỗi khi bài hát vang lên.
Nhiều người đã coi “Nơi đảo xa” như bài hát nằm lòng, có thể hát bất cứ lúc nào khi ta nghĩ về biển, về những người lính: “Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa/ Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà/ Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa/ Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua…”.
Vượt thời gian, bài hát trữ tình này đã như sợi dây kỳ diệu, nối những trái tim gần lại nhau trong nhịp rung của âm nhạc: “Lướt sóng con tầu mang tín hiệu trong đất liền/ Mắt em nhìn theo con tầu đi xa mãi/ Giữa nơi biển khơi đang nở rộ ngàn bông hoa san hô/ Cánh hoa đỏ thắm bao hy vọng anh gửi về tặng em/ Ơi ánh mắt em yêu như biển xanh như trời xanh trong nắng mới…”.
Đề tài biển đảo quê hương là một trong những đề tài được các nhạc sĩ quan tâm lâu dài và xuyên suốt. Đặc biệt, Trường Sa, Hoàng Sa luôn có mặt trong sáng tác của nhiều nhạc sĩ. Bên cạnh “đây Hoàng Sa - kia Trường Sa - Ngàn bão tố phong ba ta vượt qua vượt qua…” trong “Nơi đảo xa” còn có “Gần lắm Trường Sa” của Hình Phước Liên: “Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi/ Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh/ Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…”.
Ca sĩ Tùng Dương, Trọng Tấn song ca "Nơi đảo xa".
Bên cạnh đó, theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, ông rất phục nhạc sĩ Hoàng Vân, nhạc sĩ đã “cảm thấu được cái đau đến tận cùng với Hoàng Sa”.
Sau giải phóng vài năm trong số các nhạc sĩ về sáng tác ca khúc cho thành phố Đà Nẵng, Hoàng Vân là người duy nhất viết một ca khúc về Hoàng Sa: “Trong cánh én mùa xuân/ Trong gió nồm mùa hạ/ Trên mỗi cánh san hô trên cát biển quê nhà/ Nhớ Hoàng Sa không chỉ là nỗi nhớ/ Một khoảng trời Tổ quốc/ Một vùng biển quê hương/ Nhớ Hoàng Sa như một vết đau nhức nhói/ Một vết thương chảy máu chưa cầm/ Càng nhớ Hoàng Sa khi ta ở Đồng Đăng/ Ở Mũi Cà Mau hay giữa lòng Hà Nội/ Nghe tim mình ứ nghẹn ở trong tim…” (Nhớ Hoàng Sa).
Và Hoàng Vân tin tưởng ở đoạn kết bài: “Như đứa con xa sẽ trở về với mẹ/ Bãi san hô và ghềnh đá Hoàng Sa/ Sẽ trở về đất tổ quê cha/ Tôi sẽ về Hoàng Sa cho ngày vui trọn vẹn/ Tôi sẽ về Hoàng Sa như tình yêu đã hẹn…”.
2. Song hành với những ca khúc về Trường Sa - Hoàng Sa, chúng ta còn tự hào với rất nhiều tác phẩm âm nhạc của các thế hệ nhạc sĩ bậc tiền bối. Đó là những người đã gieo xuống cánh đồng âm nhạc về biển đảo những hạt ngọc ca khúc, mà đến hôm nay vẫn lấp lánh. Đó là Văn Cao với “Hải quân Việt Nam hành khúc”, Huy Du với “Bạch Long Vĩ đảo quê hương”, Hoàng Vân với “Tâm tình người thủy thủ”, Thế Dương với “Lướt sóng ra khơi”, Lương Ngọc Trác với “Bài ca gửi đất liền”, Trần Chung với “Trên biển trời Đông Bắc”... Có người đã ví, những ca khúc thời kỳ này như cơm gạo, nuôi dưỡng tâm hồn con người, giữ vững ý chí nhân dân để kiên cường đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Càng về sau, như những lớp phù sa tích tụ, các ca khúc về biển đảo lại tiếp tục được nối dài. Mỗi thế hệ nhạc sĩ lại làm phong phú thêm dòng ca khúc về biển đảo. Để bây giờ, người ta vẫn còn hát “Biển hát chiều nay” của Hồng Đăng, “Ơi Nha Trang mùa thu lại về” của Văn Ký, “Biển nhớ” của Trịnh Công Sơn “Hò biển” của Nguyễn Cường, “Biển khát” của Trương Ngọc Ninh, “Sao biển” của Phạm Minh Tuấn, “Thuyền và biển” của Phan Huỳnh Điểu…
Mấy năm nay, khi bão giông đang nổi lên phía biển, những sáng tác mới về biển đảo liên tục xuất hiện, nhiều bài trong số đó đã vang lên trên sóng quốc gia, nhiều bài hát vang lên trong những hội trại tuổi trẻ. Những “Vòng tròn bất tử”, “Lớp 10 Gạc Ma”, “Đêm Trường Sa”, “Tổ quốc nhìn từ biển” hay “Mộ sóng”… ra đời, đã nối dài dòng ca khúc viết về biển đảo, làm phong phú thêm một đề tài đồng thời nhắc nhớ chúng ta không quên nghĩ về những người lính đã, đang từng ngày bám trụ trên những hòn đảo tiền tiêu gìn giữ từng tấc đất tiền nhân đã khai mở…
Thật khó để kể hết, viết hết và cùng lúc thấu cảm trọn vẹn những giai điệu mà các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đã viết về biển đảo quê hương. Bởi ở đó, chất chứa bao nỗi niềm vừa đau đớn vừa tự hào, bao tin yêu và hi vọng… Đó là những giai điệu Tổ quốc gắn liền với máu thịt của dân tộc hàng ngày, hàng giờ đối mặt với biển. Như nhạc sĩ Hồng Đăng đã viết: “Ơi biển Việt Nam! Ơi sóng Việt Nam!/ Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng/ Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương/ Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương…”.