Lễ hội Trường Yên (Ninh Bình): Sắc màu tín ngưỡng thiêng liêng

15/04/2016 10:26

Tối 15/4, tại cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã khai mạc lễ hội truyền thống Trường Yên, kỷ niệm 1048 năm ngày Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế (968-2016).

Lễ hội Trường Yên (Ninh Bình): Sắc màu tín ngưỡng thiêng liêng

Ảnh minh họa.

Tại lễ hội đã diễn ra nhiều hoạt động với nội dung phong phú, đượm sắc màu văn hoá, tín ngưỡng linh thiêng. Cũng trong lễ hội, nhiều hoạt động nghệ thuật, các trò chơi dân gian được tổ chức. Tỉnh Ninh Bình đang từng bước đưa lễ hội Trường Yên lên tầm cấp quốc gia nhằm bảo tồn, tôn vinh giá trị văn hoá, lịch sử của các bậc tiền nhân để lại và quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch.

Hàng năm lễ hội truyền thống Trường Yên diễn ra trong thời gian từ 8 đến 10-3 âm lịch. Kể từ năm 2016, với vị thế là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, lễ hội Trường Yên sẽ được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh, không kể năm lẻ hay chẵn. Trong đó, những năm gần đây có việc tái hiện lễ rước nước, mộc dục, tiến phẩm, tế cửu khúc; các hoạt động văn hoá như chọi gà, cờ người, thi chèo thuyền khéo, đi guốc 6 chân...

Ông Phạm Ngọc Văn - Trưởng phòng Gia đình và xây dựng nếp sống văn hoá (Sở VHTT&DL Ninh Bình) cho biết: Lễ rước nước diễn ra từ 6-8 giờ sáng ngày 9-3 âm lịch hàng năm. Từ chiều 8-3, lễ hội sẽ cử người trồng ở giữa sông Hoàng Long một cây tre lớn, cành lá xanh tốt; một vòng bóng nhựa sơn màu xanh quây quanh cây tre, trên ngọn treo dải phướn màu vàng…

Sau khi đoàn rước nước về tới đền vua Đinh, nước thần được đưa vào trong nội cung, đặt trang trọng trên án trước tượng vua để bao sái tượng thờ (tắm gội tượng) và lau thần vị. Riêng lễ tế cửu khúc là nghi thức tế vua với 9 khúc ca/hát. Nghi thức vô cùng thành kính, trang trọng được tiến hành tại đền thờ vua Đinh. Những người tham gia lễ tế phải có học thức, đạo đức tốt, am hiểu việc tế tự, trong nhà không có tang. Theo tài liệu cổ thì lễ tế cửu khúc xưa được hành tế vào ban đêm, trên sân Rồng đền vua Đinh 7 đêm liền, mỗi đêm kéo dài 7-10 giờ với 79 lễ tiết tế cổ. Nhưng nay, tế cửu khúc được lược bỏ, rút ngắn thời gian xuống còn khoảng 80-90 phút với 50 lễ tiết đảm bảo linh thiêng, tồn cổ và trang trọng…

Ở phần hội, tổ chức thi chèo thuyền khéo với ý nghĩa tưởng nhớ thuở xưa vua Đinh lấy núi làm thành, lấy sông làm hào, sử dụng thuyền trong việc dẹp loạn nạn cát cứ. Ngày nay, người dân sẽ tham gia thi chèo thuyền khéo, luồn lách qua hệ thống hang động. Phần thi đi guốc 6 chân là để khơi dậy tinh thần đoàn kết.

Hoa Lư được ghi nhận là nơi giao lưu của nền văn hóa sông Mã, sông Hồng, vùng Tây Bắc. Nơi đây còn gìn giữ được những di sản quý báo, quy tụ nhiều lễ hội truyền thống. Và lễ hội Trường Yên là điểm nhấn thôi thúc đông đảo du khách trong nước, quốc tế đến tham quan kinh thành cổ xưa với sự chào đón của người dân vùng đất cố đô giàu lòng mến khách.

Anh Tuấn