Không vì lợi ích chung thì đừng ứng cử

Nguyên Khánh (thực hiện) 19/04/2016 10:27

Đóng góp của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là doanh nhân cho cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất chưa tương xứng với mong đợi của cử tri. Vì vậy, ông Phùng Văn Hùng, Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cơ quan dân cử không nhất thiết phải có nhiều đại biểu là doanh nhân. Nếu là ĐBQH, doanh nhân ấy phải toàn tâm toàn ý dốc sức cho các công việc chung của đất nước.

Không vì lợi ích chung thì đừng ứng cử

Ông Phùng Văn Hùng.

PV:Phải chăng có nhiều vụ lùm xùm liên quan đến các ĐBQH là doanh nhân cho nên ông mới có quan điểm như vậy?

Ông Phùng Văn Hùng: Quốc hội nhiệm kỳ XIII có số đại biểu là doanh nhân đạt số lượng kỷ lục nhưng dường như sự đóng góp của những đại biểu này ít hơn so với các đại biểu khác. Điều đáng buồn là cả 2 đại biểu bị QH hội bãi nhiệm cũng đều thuộc khối doanh nghiệp. Có lẽ vì thế nhiệm kỳ QH khóa XIV sẽ giảm số lượng đại biểu là doanh nhân.

Tôi cho rằng, đã tham gia vào cơ quan dân cử thì phải toàn tâm, toàn ý, còn nếu tham gia kiêm nhiệm thì thời gian để thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan dân cử không nhiều. Đặc biệt đại biểu là doanh nghiệp họ phải vật lộn với thương trường nên đúng là không còn nhiều thời gian, tâm trí để thực nhiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình là đại diện cho cử tri ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Vì thế, nhiệm kỳ XIV giảm số lượng đại biểu là doanh nghiệp là hợp lý.

Nhưng doanh nghiệp cho rằng họ đang là “đội quân xung kích” trên mặt trận kinh tế, vì thế họ phải có tiếng nói trong việc xây dựng luật pháp?

- Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan soạn thảo khi xây dựng luật, pháp lệnh, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, ít nhất là tổ chức đại diện cho họ. Điều này đã được quy định trong Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi.

Như vậy, dù không trực tiếp tham gia vào Quốc hội, nhưng khối doanh nghiệp vẫn được đóng góp ý kiến, trực tiếp hoặc gián tiếp xây dựng hệ thống văn bản pháp luật cũng như các vấn đề của đất nước. Quốc hội khi đưa ra quyết định phải cân nhắc lợi ích tổng thể của quốc gia, trong đó có lợi ích của doanh nghiệp. Làm sao ban hành luật phải hài hoà giữa lợi ích của quốc gia và doanh nghiệp để luật đi vào cuộc sống.

Theo tôi, nên để cho doanh nghiệp tập trung vào sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đem lại sản phẩm cho xã hội, tạo thêm công ăn việc làm thì đó cũng là cách đóng góp của doanh nghiệp cho đất nước chứ không nhất thiết phải có nhiều doanh nhân vào Quốc hội. Ý kiến của họ được ghi nhận, lắng nghe, tôn trọng thông qua đại biểu, thông qua các hiệp hội nghề nghiệp hoặc đóng góp trực tiếp khi cơ quan nhà nước lấy ý kiến mỗi khi xây dựng, ban hành chính sách điều này cũng góp phần quan trọng trong xây dựng luật.

Vậy việc giảm số lượng đại biểu là doanh nhân, tăng đại biểu chuyên trách của Quốc hội khóa XIV, ông có cho rằng, Quốc hội sẽ đáp ứng kỳ vọng là cơ quan quyền lực cao nhất của dân, do dân, vì dân?

- Xã hội ngày càng cởi mở nhưng sức ép của xã hội, của nền kinh tế trong tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng thì Quốc hội buộc phải đổi mới để phù hợp. Chính những thay đổi này là nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mới nên hiệu quả hoạt động, chất lượng hoạt động chắc chắn sẽ tốt hơn. Đòi hỏi của cử tri, của dư luận với Quốc hội và đại biểu ngày càng lớn là sức ép buộc Quốc hội phải nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động. Tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách là một trong những giải pháp giúp nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội khóa tới.

Nhiều người dân cho rằng, chất lượng đại biểu khoá này có vẻ “đuối” hơn so với khóa trước, đặc biệt đại biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ý kiến của ông về vấn đề này?

- Tôi cho rằng nhận định này hơi chủ quan. Nói đúng ra, trình độ dân trí, đặc biệt là thông tin về kinh tế - xã hội nói chung, thông tin về hoạt động nghị trường nói riêng trong 5 năm vừa qua cao hơn của năm trước dẫn đến đòi hỏi cao hơn, đặc biệt nhờ sự phát triển của CNTT, nên đòi hỏi trách nhiệm của đại biểu cao hơn, nặng nề hơn mà thôi.

Cá nhân ông đánh giá thế nào về chất lượng ĐBQH khóa XIII?

- Quốc hội Khoá XIII làm được rất nhiều việc. Một trong những nhiệm vụ chính của Quốc hội là xây dựng luật pháp. Trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội đã xây dựng được khối lượng luật khổng lồ, nhiều hơn bất kỳ nhiệm kỳ nào, đặc biệt là thông qua được Hiến pháp sửa đổi, Luật Đất đai, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tiếp cận thông tin...

Bên cạnh đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn thực hiện hàng loạt cuộc giám sát chuyên đề rất có chất lượng. Điều này đặt cơ sở pháp lý để Chính phủ đàm phán ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định TPP. Chưa kể hoạt động của Quốc hội qua từng phiên họp đều có sự đổi mới. Tất nhiên có thể nói chưa làm hài lòng toàn bộ cử tri, nhưng tôi cho rằng phải từng bước.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyên Khánh (thực hiện)