Bảo vệ môi trường, nhìn từ Trà Vinh
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Trà Vinh đã triển khai xây dựng mô hình điểm “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” tại ấp Ô Kà Đa, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành và khóm 5, phường 9, thành phố Trà Vinh.
Mô hình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”
góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng
Qua hơn 8 năm thực hiện các mô hình đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cũng như thay đổi hành vi, thói quen của người dân trong khu dân cư.
Phước Hảo (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) là xã đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo rất cao. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư cũng là vấn đề dai dẳng do tập quán sản xuất, sinh hoạt lạc hậu của đồng bào. Sau khi được Uỷ ban MTTQ tỉnh Trà Vinh chọn thực hiện mô hình điểm lồng ghép nhiệm vụ “Bảo vệ môi trường” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” Ban chỉ đạo xã, Ban vận động ấp ÔKà Đa được thành lập dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, UBND, UBMTTQ xã.
Chủ tịch MTTQ xã Phước Hảo Phùng Duy Truyền cho biết để triển khai thực hiện mô hình điểm, Mặt trận xã tổ chức điều tra họp dân để triển khai đến từng hộ gia đình, xây dựng bổ sung các quy ước của ấp lồng ghép với nhiệm vụ bảo vệ môi trường gắn với việc xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa.
Phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, Ban vận động các ấp tổ chức họp để dân biết, dân bàn, dân làm và kiểm tra những vấn đề trong bản “quy ước” bảo vệ môi trường đến 100% các hộ trong ấp Ô Kà Đa. Theo đó để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, Ban Công tác Mặt trận, Trưởng ấp đến tận nhà của đồng bào để vận động thay đổi tập quán thả gia súc, gia cầm tại khu dân cư, xây dựng khu tắm rửa và nhà tiêu hợp vệ sinh, không ăn sống và uống nước sông suối, không ăn uống kéo dài trong việc cưới, việc tang…
Ban đầu, nhiều người còn ỷ lại lí do khó khăn kinh tế, song qua tuyên truyền các hộ dân đã chấp hành nghiêm túc, bằng những việc làm cụ thể như thường xuyên phát quang bụi rậm hai bên đường vào khu dân cư, tạo mỹ quan thông thoáng, không vứt rác bừa bãi, từ đó làm giảm hẳn tình trạng ô nhiễm môi trường ở cộng đồng dân cư, góp phần làm xanh, sạch đẹp thôn xóm. Đến nay gần 50% số hộ đã xây nhà tiêu hợp vệ sinh; 97% số hộ sử dụng nước máy, 98% số hộ đăng ký thực hiện các nội dung, tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới.
Còn tại khóm 5, phường 9, thành phố Trà Vinh qua 8 năm triển khai mô hình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” đã thành lập 06 tổ tự quản để vận động, nhắc nhở các hộ dân thực hiện các tiêu chí về môi trường theo bảng cam kết, quy ước của khu dân cư. Ban Công tác Mặt trận với các thành viên như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên đến từng ngõ, gõ từng nhà vận động người dân gìn giữ môi trường sống bằng việc làm cụ thể. Tại mỗi con đường, ngõ xóm đều có thùng chứa rác, phân loại rác và đổ rác đúng nơi qui định.
Bằng sự vào cuộc tích cực của Ban Công tác Mặt trận, sự hưởng ứng của người dân, môi trường sống của người dân trong khu dân cư được gìn giữ. Hiện toàn khóm 5 có hơn 70% hộ sử dụng nước máy; 88% hộ có vật dụng chứa rác thải, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh…
Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Trà Vinh, thông qua việc xây dựng các mô hình điểm công tác tuyên truyền, vận động đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường. Hiện UB MTTQ tỉnh đã tổ chức sơ kết và chỉ đạo nhân rộng thêm 8 mô hình điểm “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” tại các ấp Đa Hòa, Đại Thôn, Hào Hảo (xã Phước Hảo); ấp Đa Hòa Nam (xã Hòa Lợi) thuộc huyện Châu Thành; khóm 6 (phường 9), khóm 5 (phường 5), xã Long Đức thuộc thành phố Trà Vinh; ấp Tân Qui (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè).
Việc thực hiện các mô hình điểm sẽ được lồng ghép với việc thực hiện chương trình nông thôn mới, đô thị văn minh qua đó góp phần từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ môi trường.