Tín dụng tăng chậm nhưng chắc
Tín dụng tăng 1,54% trong quý I ngang với mức tăng tín dụng của cùng kỳ năm ngoái. Nhưng tại sao các chuyên gia lại cho rằng đây là mức tăng khá chậm? Cùng với đó, cũng đến lúc các ngân hàng phải báo cáo nợ xấu về cơ quan quản lý trước ngày 28/4 này.
Ảnh minh họa.
Tại sao lại chậm?
Mùa đại hội cổ đông ngân hàng vẫn đang diễn tiến. Các ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận cao trong năm kinh doanh 2016. Dù chỉ mới là kết thúc quý I, quãng thời gian còn lại khá dài, nhưng không thể phủ nhận rằng tín dụng tăng chậm cũng khiến cho ngân hàng phải lo. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, tín dụng quý I/2016 chỉ tăng 1,54% so với thời điểm cuối năm 2015.
Lần giở lại số liệu của năm 2015 cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến 31/3/2015 so với cuối năm 2014 đạt khoảng 1,25%. Nhưng không phải tự nhiên mà thị trường lại ấn tượng với con số 1,54% (2016) và đánh giá tín dụng đang tăng trưởng chậm lại.
Tại sao lại như vậy? Không quá khó để thấy rằng, trong suốt quãng thời giai đoạn 2011-2014, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong quý I luôn nằm ở trạng thái âm. Vì vậy, khi tín dụng năm 2015 bật tăng ở mức 1,5% khiến cho thị trường bất ngờ.
Cũng từ năm 2015, nhiều kỳ vọng về kinh tế được đưa ra, nền kinh tế bắt đầu thoát đáy, lấy lại đà tăng trưởng. Trọn vẹn năm 2015, tăng trưởng tín dụng đã vượt qua 18%. Từ đây, tạo lực đẩy tăng trưởng mới nhanh hơn, mạnh hơn cho năm 2016. Vì vậy, khi mà số liệu được Tổng cục Thống kê đưa ra, tín dụng quý I chỉ tăng 1,54% cho thấy cầu tín dụng không tăng mạnh như kỳ vọng. Tính về tốc độ, tín dụng đang có dấu hiệu chậm lại.
Ông Lê Quang Trung- Phó Tổng giám đốc Ngân hàng VIB lý giải, nền kinh tế phục hồi chưa vững chắc, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn nên tín dụng khó có thể bật tăng mạnh.
Trong khi đó ông Nguyễn Đình Tùng- Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chia sẻ: “Kết quả kinh doanh quý I đều đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, trong đó huy động đạt 106% và dư nợ tín dụng trên 100%. Mới đây, Ngân hàng Nhà Nước đã quyết định cấp hạng mức tín dụng ở mức 25% cho OCB. Với việc được nâng lên hạng mức cao nhất, chúng tôi kỳ vọng các hoạt động tín dụng năm 2016 của OCB sẽ có nhiều chuyển biến tích cực”. Dự kiến năm 2016, OCB đặt mục tiêu tăng tốc và phát triển quy mô với kế hoạch tổng tài sản tăng 31%, tổng dư nợ tín dụng tăng 44%, tổng huy động thị trường 1 tăng 46%, tổng lượng khách hàng tăng 43%...”.
Yêu cầu báo cáo nợ xấu trước 28/4
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành bình luận với Đại Đoàn Kết, tăng chậm để tương lai ổn định là điều có thể chấp nhận được. Cần tránh tình trạng cho vay ào ạt, vay thả phanh khiến nợ xấu quay trở lại. “Tỷ lệ nợ xấu được các ngân hàng thương mại công bố, cộng với nợ xấu đang nằm trong kho công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng VAMC nhiều”- ông Thành nhấn mạnh.
Cũng theo kế hoạch xử lý nợ xấu, NHNN vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, NHNN yêu cầu các đơn vị này tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đảm bảo nợ xấu ở mức an toàn dưới 3% tổng dư nợ. Kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2016 của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải gửi NHNN trước ngày 28/4/2016.
Ngoài việc cẩn trọng, lập chốt chặn nợ xấu, giới chuyên gia cũng cho rằng, điểm tích cực của việc tín dụng chậm lại là thanh khoản của hệ thống tiếp tục được giữ vững. Các ngân hàng thương mại dường như đã hoàn thành giai đoạn một của quá trình tái cơ cấu, bước vào thời kỳ mới, tự các ngân hàng sẽ phải mạnh tay hơn trong xử lý nợ xấu và xác định kinh doanh ngày càng khó hơn. Lợi nhuận ngân hàng không thể dựa mãi vào tăng trưởng tín dụng.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, trong quý I-2016, tăng trưởng tín dụng đạt 1,54% so với 1,25% cùng kỳ 2015, huy động vốn của các ngân hàng thương mại cũng tăng 2,26% so với 0,95% của quý I-2015. PGS.TS Đặng Ngọc Đức- Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nói, trong quý I, tăng trưởng tín dụng không đồng đều giữa các ngân hàng thương mại ở các địa phương khác nhau, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu khác thường và vẫn theo xu hướng lạc quan với lãi suất cho vay ổn định. |