Du lịch Việt đi tìm thương hiệu
Ngành công nghiệp không khói đang phải đối diện với những thách thức không nhỏ khi cánh cửa hội nhập ngày càng rộng mở. Giới chuyên gia cho rằng, nếu du lịch Việt Nam không khẳng định được dấu ấn, thương hiệu thì sẽ rất khó bứt phá.
Sa Pa- điểm du lịch nhiều tiềm năng.
Cư xử không đẹp
Thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong năm 2015, ngành du lịch Việt Nam đón 7,9 triệu lượt khách quốc tế và 30 triệu lượt khách nội địa, tổng thu 337 ngàn tỷ đồng và đóng góp khoảng 6% GDP. Theo ông Nguyễn Ngọc Thiện- Bộ trưởng Bộ VHTTDL, nếu so với sự phong phú, hấp dẫn về văn hóa sinh thái và lòng hiếu khách của người dân Việt Nam… thì con số đó khá khiêm tốn và chưa xứng với tiềm năng du lịch Việt Nam. “Thương hiệu và sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế chưa được khẳng định rõ nét. Chúng ta chưa khai thác có hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên và nhân văn to lớn của đất nước” - ông Nguyễn Ngọc Thiện nhận định.
Quả thực, nếu nhìn vào những điều kiện tự nhiên, địa lý mà tạo hóa ban cho cũng như những nét văn hóa truyền thống mà Việt Nam đang có, ngành công nghiệp không khói đáng lẽ phải có những kết quả lớn hơn nhiều lần so với con số thống kê nói trên của Bộ VHTTDL. Nêu lên một trong những nguyên nhân khiến cho du lịch Việt Nam chưa khẳng định được thương hiệu, phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng, nhiều ý kiến cho rằng, ngành du lịch vẫn đang phát triển một cách manh mún, tự phát, một số địa phương “mạnh ai nấy làm”... khiến cho ngành “công nghiệp không khói” chưa bứt phá.
Nhiều địa phương vẫn tồn tại tình trạng “9 tháng mài dao 3 tháng chém”… khiến cho nhiều du khách “một đi không trở lại”. Điều này cũng được ông Vũ Thế Bình- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam thẳng thắn cho rằng: “Trong thời gian qua, một số du khách Việt đã có hành vi không đẹp, thiếu văn minh khi đi du lịch tại nước ngoài. Trong thời đại bùng nổ thông tin, những hình ảnh đó sẽ dễ dàng lan truyền nhanh chóng, tác động tiêu cực của những hành động đó không chỉ ảnh hưởng xấu đến hoạt động du lịch mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia và quá trình hội nhập của việt Nam”.
Bên cạnh đó, theo ông Bình, ngày càng phổ biến những hành vi thiếu văn hóa của một bộ phận không nhỏ những người kinh doanh và khách du lịch như việc xả rác bừa bãi, chặt chém… khiến cho hình ảnh của người Việt Nam nói chung và khách du lịch Việt ngày càng xấu đi trong con mắt bạn bè quốc tế.
Tạo dấu ấn để bứt phá
Việt Nam có những lợi thế lớn về du lịch và một số điểm đến của nước ta đã để lại được dấu ấn, thương hiệu trong mắt du khách quốc tế. Các điểm Sa Pa, Hạ Long, Hội An, Nha Trang… bước đầu phát huy hiệu quả trong thu hút khách. Tuy nhiên, vẫn cần phải thừa nhận rằng, do việc quản trị còn hạn chế đã gây ảnh hưởng đến giá trị cốt lõi (di sản thế giới, di sản văn hóa dân tộc) và hình ảnh (điểm đến thân thiện, an toàn) của những điểm đến này. Không ít điểm đến đã gặp phải những vấn đề tương tự.
Tại Hội thảo Xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2016 vừa được tổ chức tuần qua, các ý kiến tham gia hội thảo đều nêu lên nhận định: Thương hiệu có tính chất quyết định đối với ngành công nghiệp không khói của nước nhà trong thời kỳ hội nhập hiện nay.
Nói như Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu: Thương hiệu là vấn đề vô cùng quan trọng đối với du lịch Việt Nam khi hội nhập và trong cạnh tranh. Theo ông Siêu, thương hiệu phải là vấn đề đi đầu, định hướng cho tất cả các chương trình hành động về sản phẩm, quảng bá; định vị ta ở đâu, là ai, đi đến đâu, có giá thế nào; thể hiện tính thương mại, tên tuổi của du lịch Việt Nam chỗ nào trong bối cảnh canh tranh toàn cầu…
Vậy nhưng, giới chuyên gia du lịch vẫn cho rằng hầu hết các DN ngành du lịch Việt vẫn chưa biết xây dựng thương hiệu, hình ảnh của chính mình, cách quảng bá dàn trải, mờ nhạt, không tạo được dấu ấn. Theo ông Lê Quốc Vinh- Tổng Giám đốc truyền thông Tập đoàn Truyền thông Lê, để xây dựng thương hiệu, du lịch Việt Nam cần tập trung được vào 2 yếu tố đó là: sự nổi trội, và cảm xúc của thương hiệu.
Người Thái Lan họ có những video clip quảng bá du lịch lấy cảm xúc làm điểm nhấn, dễ lay động người xem nhưng Việt Nam lại đang quảng bá một cách dàn trải, chưa để lại được ấn tượng. “Xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam nên theo hướng tác động đến cảm xúc của du khách, từ đó để lại ấn tượng sâu sắc”- ông Vinh chia sẻ.
Đối với mỗi quốc gia, mỗi vùng, mỗi địa phương muốn xây dựng được thương hiệu du lịch cần phải tạo được thương hiệu điểm đến với sự độc đáo, mang tính khác biệt, để lại được dấu ấn riêng cho du khách, khiến cho bất kỳ ai đến một lần lại muốn quay trở lại. Đặc biệt, để xây dựng được thương hiệu du lịch Việt Nam mang tầm cỡ khu vực và quốc tế đòi hỏi phải có thời gian và sự đầu tư thỏa đáng. Hiện nay, tình trạng đeo bám khách du lịch tại các khu, điểm tham quan du lịch khá phổ biến. Nếu không khắc phục được tình trạng “chặt chém” khách du lịch- đã và đang trở thành vấn nạn tại nhiều địa phương- thì mục tiêu xây dựng hình ảnh và thương hiệu của du lịch Việt Nam sẽ khó có thể đạt được.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: “Du lịch Việt Nam sẽ chuyển mình, phát triển lên đẳng cấp chuyên nghiệp” “Du lịch Việt Nam đang bước vào giai đoạn 5 năm tiếp theo thực hiện chiến lược phát triển với định hướng tập trung phát triển du lịch theo chiều sâu, có chất lượng, tính chuyên nghiệp, bền vững, thương hiệu và sức cạnh tranh. Phát triển du lịch hướng tới du khách và cộng đồng địa phương, lấy hiệu quả làm động lực, mục tiêu. Để hướng tới mục tiêu đó, chúng ta phải chú trọng kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ với tiêu chuẩn cao, đầu tư phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh Du lịch Việt Nam “Chất lượng - An toàn - Thân thiện”. Mặc dù còn không ít khó khăn nhưng không thể không vượt qua, du lịch Việt Nam sẽ thực sự chuyển mình phát triển lên đẳng cấp chuyên nghiệp, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020”- ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định. |