Ngân hàng Việt mang CNTT vươn tới xứ người
Nếu như nhiều ngân hàng Việt Nam còn đang nghiên cứu để áp dụng các hệ thống Công nghệ thông tin (CNTT) mới thì Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã có bước tiến vượt trội và được đánh giá là Ngân hàng đứng đầu Việt Nam và hàng đầu của Đông Nam Á về mức độ ứng dụng CNTT cũng như mức độ sẵn sàng trong hoạt động ngân hàng. Không chỉ xây dựng thương hiệu tại Việt Nam, BIDV còn mang chuông đi đánh xứ người!
Đại diện LaoVietbank nhận giải thưởng danh giá quốc tế.
LaoVietBank sáng kiến hiệu quả trên nền Corebanking tốt nhất
Vào năm cuối cùng của thế kỷ 20, CNTT còn rất mới mẻ với nước bạn Lào. Nhưng với ngân hàng, Corebanking là sản phẩm công nghệ hiện hữu, là “trái tim” của ngân hàng. Xác định được điều đó, ngay từ những ngày đầu thành lập Ngân hàng Liên doanh Lào Việt - LaoVietBank (ngày 22/6/1999, trên cơ sở góp vốn của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL)), BIDV tập trung đầu tư hệ thống Corebanking hiện đại và phù hợp nhất với mỗi ngân hàng tại thời điểm bấy giờ. Năm 1999, LaoVietBank được trang bị ứng dụng SmartBank, một sản phẩm đã góp phần tạo dựng nên thương hiệu của tập đoàn FPT. Đến năm 2011, BIDV tiếp tục đầu tư dự án chuyển đổi Corebanking cho LaoVietBank. Với sự hỗ trợ to lớn của BIDV về nguồn lực triển khai (tài chính, con người), hệ thống Corebanking mới - giải pháp Flexcube của Oracle đã được hoàn thành triển khai thành công và đưa vào hoạt động ngày 2/7/2012.
Vai trò của CNTT trong hoạt động ngân hàng ngày càng thay đổi và ngày nay CNTT đã được công nhận là yếu tố then chốt dẫn tới thành công của ngân hàng. Cũng vì thế, mô hình tổ chức và nguồn nhân sự CNTT LaoVietBank không ngừng tăng trưởng. Ngày 15/1/2012, phòng CNTT chính thức được thành lập trên cơ sở hoạt động của Tổ điện toán thuộc phòng Kế toán – Điện toán. Đến nay, đội ngũ nhân sự CNTT LaoVietBank lên tới gần 50 người, vận hành hệ thống CNTT cho mạng lưới 17 đơn vị chi nhánh,phòng giao dịch trên toàn lãnh thổ Lào. Các hiện diện thương mại của BIDV tại nước ngoài luôn có cán bộ CNTT của BIDV, họ vừa là người lãnh đạo, vừa là người làm việc, đào tạo cho cán bộ bản xứ. Qua năm tháng, dấu ấn của BIDV ngày càng trở nên đậm nét ở hải ngoại.
Năm 2011, cùng với dự án chuyển đổi hệ thống Corebanking, LaoVietBank đã triển khai hiện đại hóa đồng bộ hệ thống hạ tầng. Một phòng máy chủ theo chuẩn mực quốc tế đã được trang bị đảm bảo hoạt động của ngân hàng liên tục 24/7,phục vụ khách hàng tốt nhất. Hạ tầng LaoVietBank đã không ngừng tăng trưởng, đến nay đạt số lượng hàng chục máy chủ Server tiên tiến, Router Cisco, Firewall, Switch Cisco, hàng trăm máy tính...
Với sự ưu việt của nền tảng CoreBanking mới, LaoVietBank đã liên tục tung ra thị trường các sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao và đặc thù của ngân hàng. Tại LaoVietBank có thể kể đến hệ thống thanh toán song phương, chương trình tiết kiệm dự thưởng, kết nối thanh toán với hệ thống BanknetVN. Tại Việt Nam, tất cả các kênh thanh toán đều được kết nối tự động như CITAD, đa phương, thanh toán hóa đơn điện, nước, viễn thông….
Ngoài ra, các sản phẩm truyền thống của ngân hàng dựa trên Corebanking cũng được triển khai sớm, bao gồm bộ các sản phẩm về tiền gửi, tiền vay…
Với 126 sản phẩm dịch vụ mang hàm lượng CNTT lớn, trong đó có 11 sản phẩm tiền gửi, 53 sản phẩm tín dụng, 24 sản phẩm dịch vụ thanh toán quốc tế, 6 sản phẩm thanh toán trong nước..., đã làm bàn đạp vững chắc cho sự phát triển của LaoVietBank trong những năm vừa qua. Thành công của LaoVietBank đã được ghi nhận xứng đáng. Hai năm liên tiếp, LaoVietBank được tạp chí Asian Banking & Finance trao các giải thưởng: Sáng kiến hiệu quả trên nền Corebanking tốt nhất năm 2013 và ngân hàng vận hành và hỗ trợ tốt nhất năm 2014.
BIDC nối thêm bước tiếp dài
Ngày 14/8/2009, BIDV tiếp tục đặt dấu ấn tại vương quốc Campuchia khi BIDV mua lại và tái cấu trúc Ngân hàng Đầu tư Thịnh Vượng (PIB Bank). Đây là ngân hàng nhỏ tại Campuchia và đổi tên là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC). Tháng 7/2009, BIDC khai trương chi nhánh đầu tiên tại Thủ đô PhnomPenh.
Sau hơn 6 năm hiện diện tại thị trường Campuchia, BIDC đã nhanh chóng trưởng thành với nhiều thành công đáng được ghi nhận và tự hào có những đóng góp cho chiến lược của BIDV tại các thị trường hải ngoại. Hiện, BIDC có 6 chi nhánh tại các địa bàn trọng điểm của Campuchia, 2 chi nhánh tại Việt Nam phục vụ tốt cho nhu cầu giao thương và hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh tại Campuchia cũng như các doanh nghiệp tại bản địa. BIDC là một trong những ngân hàng tốt nhất đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động giao thương tại Campuchia.
Ngay từ khi mới thành lập, dưới sự định hướng chiến lược rõ ràng, Ban Lãnh đạo BIDV, BIDC đã tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan lựa chọn giải pháp Corebanking hiện đại, phù hợp mục tiêu phát triển lâu dài, tạo nền tảng cho công nghệ ngân hàng sau này, đó là Hệ thống Corebanking T24. Đây được xem là một mẫu điển hình trong quá trình triển khai dự án lớn và quan trọng của BIDV, khi hoàn thành cả 2 site (Campuchia và Việt Nam) chỉ trong 10 tháng kể từ khi bắt đầu. Cũng trong quá trình đó, đội ngũ nhân sự chủ chốt về Corebanking và hầu hết cán bộ của BIDC (bao gồm cả Việt Nam, Campuchia) đều có thể nắm bắt và sử dụng Corebanking hiệu quả.
Cùng với quá trình triển khai dự án Corebanking của BIDC, dưới sự hỗ trợ mạnh mẽ của Trung tâm CNTT BIDV, BIDC nhanh chóng định hình được kế hoạch và chiến lược về CNTT, hoạch định và đầu tư các hạng mục liên quan như hạ tầng công nghệ, đảm bảo xây dựng được Data Center tương đối hoàn chỉnh và đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật đặt ra đối với một trung tâm dữ liệu của ngân hàng. Vì vậy, dù BIDC sinh sau nhưng lại được tích lũy kinh nghiệm từ LaoVietBank cũng như những ứng dụng công nghệ mới. Do đó, ngay từ ngày đầu chuẩn bị thành lập phòng CNTT, BIDC đã trang bị một phòng máy chủ chuẩn, tách biệt với phòng làm việc của các CBNV CNTT cùng nhiều thiết bị hiện đại...
Năm 2015, BIDC tự hào là một trong những ngân hàng đầu tiên tại Campuchia triển khai thành công trung tâm dự phòng thảm họa. Điều này khẳng định sự trưởng thành về mặt hạ tầng và kế hoạch công nghệ, thể hiện quyết tâm hiện đại hóa và đảm bảo an toàn vững chắc cho hoạt động của BIDC tại Campuchia.
Với sự ưu việt của nền tảng CoreBanking mới, BIDC liên tục đưa ra thị trường các sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao và đặc thù của ngân hàng. Tại BIDC, các sản phẩm trọng điểm cho ngân hàng điện tử được ưu tiên triển khai, chẳng hạn như SMS Banking, Mobile Banking, Internet Banking, TopUp, BillPayment, InPay (thanh toán trực tiếp Việt Nam – Campuchia), Swift, … các dịch vụ thẻ và liên kết thẻ được phát triển mạnh như Easy Cash, Visa. Tại Việt Nam, tất cả các kênh thanh toán đều được kết nối tự động… Ngoài ra, các sản phẩm truyền thống của ngân hàng dựa trên Corebanking cũng được triển khai sớm bao gồm bộ các sản phẩm về tiền gửi, tiền vay…
126 sản phẩm dịch vụ mang hàm lượng CNTT lớn, trong đó có 11 sản phẩm tiền gửi, 53 sản phẩm tín dụng, 24 sản phẩm dịch vụ thanh toán quốc tế, 6 sản phẩm thanh toán trong nước..., đã làm bàn đạp vững chắc cho sự phát triển của BIDC. Hiện tại, BIDC được đánh giá là một trong 4 ngân hàng có ứng dụng CNTT hiệu quả nhất tại Campuchia. Thời gian tới, khi một số dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào sử dụng, BIDC sẽ tiếp tục khẳng định mình và nằm trong nhóm những ngân hàng có nền tảng CNTT và ứng dụng CNTT hiệu quả nhất tại Campuchia.