Rút ngắn thời gian thi công cầu Ghềnh

Quốc Định - Đại Dương 20/04/2016 09:15

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa vừa dẫn đầu đoàn công tác của Bộ trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra công tác vận tải, tiến độ xây dựng cầu Ghềnh và làm việc với lãnh đạo các cục, ban, ngành, đơn vị liên quan và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai.

Báo cáo về công tác đảm bảo vận tải đường sắt, ông Trần Ngọc Thành- Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: “Sau sự cố sập cầu Ghềnh, ga Trảng Bom trở thành nơi tập kết hàng hóa quan trọng. Trước kia, ga Trảng Bom chỉ có 3 đường ray và không có bãi hàng. Sau sự cố xảy ra, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tiến hành cho lắp thêm 2 đường ray và mở rộng bãi hàng”. “Việc khắc phục này trước mắt là để giải quyết sự cố sập cầu, nhưng về lâu dài cần tiếp tục đầu tư để sau này ga Trảng Bom sẽ sang tải cho ga Sóng Thần, tránh xảy ra ùn ứ hàng hóa. Hiện hai đường ray mở rộng đã hoàn tất và đã tiến hành cho tàu vào xếp hàng. Ngày 15/4 sẽ xong toàn bộ các hạng mục như lắp đường, bãi sang tải để thi công”- ông Thành cho biết thêm.

Ông Trịnh Tuấn Liêm- Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết: Thời gian qua Sở GTVT đã phối hợp với các đơn vị liên quan trong đảm bảo ATGT, an ninh trật tự và trung chuyển hành khách tại các ga. Đến nay 7 hộ phía bờ Hiệp Hòa (TP Biên Hòa) đã tháo dỡ nhà cửa, bàn giao măt bằng thi công hạng mục cầu vượt và hầm chui Hiệp Hòa.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu, hiện tại các ga đang khẩn trương thi công, các đơn vị liên quan phải bám sát tiến độ chi tiết từng ngày, đặc biệt chú trọng đến công tác đảm bảo ATGT, bởi nếu xảy ra một sự cố thì hậu quả thật khó lường. Về cơ bản tiến độ đang được kiểm soát, Cienco 1 cần sớm chốt lại phương án lao dầm, trụ cầu.

Ông Cấn Hồng Lai- Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) khẳng định: Thời gian thi công chỉ có 100 ngày, đến nay việc thi công vẫn đang diễn ra theo đúng kế hoạch. Cienco 1 kiến nghị cần có cơ chế đặc biệt xem xét tạm ứng 50% tiền vốn phục vụ thi công.

Trước kiến nghị của Cienco 1, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa yêu cầu các Vụ, Cục, Tổng công ty đường sắt giải quyết ngay thủ tục ứng vốn cho các đơn vị thi công.

Ông Hoàng Hồng Giang- Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) cho biết: “Trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng hạn chế giao thông đường thủy tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn thi công cầu Ghềnh mới. Đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực III có phương án linh hoạt phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tổ chức giao thông thủy cho hợp lý. Đối với các cầu yếu cần sớm có biện pháp nâng cấp, xây mới”.

Tuyến đường thủy nội địa qua cầu Ghềnh thuộc tuyến cấp 3, nên lượng phương tiện thủy lưu thông rất lớn, hàng năm khoảng 20.000 lượt phương tiện qua lại. Nhiều năm nay theo quy hoạch được phê duyệt cũng đã tính đến phương án nâng tĩnh không cầu nhưng do chưa bố trí được nguồn vốn. Sau sự cố sập cầu Ghềnh, tĩnh không được nâng lên 6,5 mét giúp cho các phương tiện vận tải đường thủy khu vực TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai qua lại thông thoáng, giảm tải cho đường bộ rất lớn.

Ông Trần Văn Vĩnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị, các đơn vị thi công tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương. Đối với các bãi đá ngầm dưới sông Đồng Nai cần sớm có biện pháp nạo vét đá để tạo thông thoáng cho giao thông đường thủy. Các đơn vị ban ngành sớm bố trí tạo điều kiện tái định cư cho các hộ dân ở ga Trảng Bom.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh: “Bộ GTVT đánh giá cao những kết quả đã đạt được sau sự cố sập cầu Ghềnh và đề nghị lãnh đạo ga Biên Hòa phải đáp ứng nhu cầu thiết yếu của hành khách như: Vệ sinh, an ninh trật tự, giảm thiểu thời gian chờ đợi cho hành khách một cách tối đa. Tỉnh Đồng Nai cần quan tâm đảm bảo dịch vụ vận tải trước ga Biên Hòa, tiến độ thi công cầu Ghềnh phải hoàn thành đúng tiến độ. Các cơ quan chức năng cần tập trung cao độ và có sự phối hợp chặt chẽ”.

Đặc biệt, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa yêu cầu các đơn vị cần rút ngắn thời gian thi công cầu Ghềnh, vì đây là dự án hết sức cấp bách, rút ngắn được ngày nào sẽ lợi ngân sách nhà nước ngày đó. Nếu hoàn thành sớm nối thông tuyến đường sắt Bắc - Nam ngành đường sắt sẽ tiết kiệm được 6 - 10 tỷ đồng/ngày.

Quốc Định - Đại Dương