Thủy sản, 'se duyên' để phát triển
Khó về nguồn vốn đầu tư cũng như thị trường xuất khẩu buộc các doanh nghiệp thủy sản lên kế hoạch liên kết với các nhà đầu tư ngoại. Năm 2015 tình hình xuất khẩu của ngành thủy sản giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2014. Tới thời điểm này, xuất khẩu thủy sản vẫn gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt là với mặt hàng cá tra, tôm sú, cá ngừ…
Thống kê từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2015 chỉ đạt gần 3 tỷ USD (giảm 25% so với cùng kỳ), cá tra cũng không khả quan hơn khi chỉ đạt gần 1,6 tỉ USD (giảm 10% so với cùng kỳ). Dự báo của VASEP, thời gian tới thủy sản xuất khẩu sẽ khó khăn hơn khi Hoa Kỳ siết chặt và áp dụng mạnh thuế chống bán phá giá đối với các tra nhập khẩu. Song song đó từ tháng 3-2016, cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ còn chịu thêm tác động từ đạo luật Farm Bill (đạo luật Nông trại). Đối với mặt hàng tôm xuất khẩu cũng không lạc quan hơn vì nhiều thị trường liên tục đưa ra các rào cản thương mại liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, rồi giới hạn rõ ràng dư lượng kháng sinh…
Nhận thức rõ tình hình sản xuất kinh doanh trong ngành, một số doanh nghiệp thủy sản chủ động liên kết với doanh nghiệp ngoại nhằm tăng sức mạnh cạnh tranh về mọi mặt. Đơn cử, năm 2014 Công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương sau khi thực hiện thâu tóm hàng loạt công ty thủy sản trong nước nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp. Tuy nhiên, mong muốn công ty ngày càng lớn mạnh và phát triển tốt thị trường xuất khẩu thủy sản Hùng Vương thực hiện chuyển sang phát hành 20 triệu cổ phiếu cho 2 đối tác ngoại. Với động thái trên, Thủy sản Hùng Vương thu về 650 tỷ đồng. Phát triển chiến lược kinh doanh theo hướng liên kết mở rộng, năm 2015 thủy sản Hùng Vương tiếp tục thực hiện phương án kinh doanh chiến lược bằng cách phát hành thêm 30 triệu cổ phiếu cho đối tác Singapore. Chưa dừng lại ở đó, Công ty này còn lên kế hoạch phát triển thị trường thông qua việc thành lập công ty chuyên kinh doanh, phân phối, bán lẻ thủy sản ở Nga. Song song với hình thức liên kết sản xuất, Công ty thủy sản Hùng Vương còn chi khoảng 15 triệu USD để mua 51% cổ phần của Công ty Thủy sản Russia Fish - một DN phân phối cá tại Nga để đưa thủy sản Việt thâm nhập thị trường Nga dễ dàng hơn.
Từ thực tế hoạt động mua - bán của DN thủy sản nội địa nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, thiếu vốn cộng với khó khăn khi thị trường xuất khẩu có phần thu hẹp cùng các rào cản thương mại,… vô hình trung đặt ngành này vào cuộc cạnh tranh gay gắt. DN thủy sản “tự cứu” mình bằng hình thức tự “se duyên” với các nhà đầu tư ngoại là việc nên làm. DN thủy sản trong nước liên kết với DN ngoại đảm bảo sẽ không khó khăn về vốn và thị trường. Hơn nữa DN thủy sản trong nước đang muốn lấy doanh nghiệp nước ngoài làm “bàn đạp” để chiếm lĩnh thị trường các nước. Nhìn nhận hướng đi mới của doanh nghiệp thủy sản, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP cho rằng, bài toán về vốn cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường được giải quyết khi DN thủy sản trong nước liên kết với các nhà đầu tư ngoại cùng ngành hàng.