Khai quật Thành nhà Hồ: Làm sáng tỏ diện mạo một vương triều
Bộ VHTT&DL vừa ký quyết định cho phép Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa, phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành thực hiện việc khai quật khảo cổ khu vực Hào thành phía Bắc tại Di tích Thành nhà Hồ thuộc xã Vĩnh Tiến và xã Vĩnh Long. Đợt khai quật này kéo dài từ giữa tháng 4 đến hết ngày 15/8.
Một góc cổng Thành nhà Hồ.
Tìm kiếm nguồn sử liệu
Theo đó, chủ trì khai quật là Viện Khảo cổ học. Diện tích khai quật trong phạm vi 2.000m2. Sau nhiều lần tổ chức các cuộc khảo sát và tiến hành khai quật trước đó, nhiều hiện vật có giá trị đã được tìm thấy trong khu vực Thành nhà Hồ. Tuy nhiên những dấu tích tại đây cho thấy vẫn còn rất nhiều hiện vật đang nằm dưới lòng đất. Đợt khai quật này đang được kỳ vọng sẽ tìm thấy những hiện vật liên quan đến một giai đoạn lịch sử, qua đó sẽ cung cấp thêm tư liệu cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới Thành nhà Hồ, góp phần làm phong phú thêm giá trị của di sản thế giới đã được UNESCO vinh danh.
Nhằm giúp khách tham quan hiểu thêm về di sản thế giới này, từ năm 2012 Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ đã khai trương phòng trưng bày các di vật, hiện vật liên quan đến vương triều Hồ tại quần thể di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ. Những hiện vật được trưng bày tại đây từng được phát hiện qua các lần khai quật khảo cổ học và sưu tầm quanh khu vực Thành nhà Hồ, đàn tế Nam Giao, đường Hoàng Gia, công trường khai thác đá cổ ở núi An Tôn. Trong số này có nhiều hiện vật quý, được sưu tầm trong nhân dân quanh khu vực di sản như đầu rồng, gạch nung triều Hồ, đá xây Thành nhà Hồ…
Gần đây nhất, đợt khảo cổ năm 2015 đã phát lộ hiện vật niên đại hàng ngàn năm ở Thành nhà Hồ. Một số lượng lớn các hiện vật quý, trong đó có các di vật rất hiếm gặp trong các di tích khảo cổ học ở Việt Nam. Cụ thể, sau hơn 2 tháng khai quật diện tích 2.040m2, các nhà khoa học phát hiện nhiều hiện vật tại khu vực Hộ thành (từ chân thành ra mép hào) và các cụm vật liệu kiến trúc, cụm đá nguyên khối có dấu vết chế tác, cụm dăm đá...Ngoài ra, trong quá trình khai quật còn phát lộ thêm 89 viên đá vôi nguyên khối và đá phiến có kích thước 1,7 x 1,1m, hình hộp chữ nhật, nhiều hiện vật bằng đất nung như ngói mũi sen, gạch bìa (nhiều viên có in, khắc tên địa danh sản xuất, niên đại thời Trần - Hồ) và nhiều đạn, bia đá, mũi tên, mũi đục bằng sắt. Các nhà khoa học đánh giá hộ thành ngoài nhiệm vụ phòng thủ còn là nơi tập kết và tu chỉnh các phiến đá thô trước khi được vận chuyển vào vị trí xây tường thành. Trong khu vực Hào thành hiện còn lại dấu vết của những phiến đá kè bờ hào. Căn cứ vào vị trí đá kè phía bắc và phía nam, lòng hào được xác định có chiều rộng khoảng 52m. Phía dưới lòng hào, ở độ sâu từ khoảng hơn 3 - 6,3m, ngoài lớp đất sét bùn màu xám mịn lẫn nâu đỏ, các nhà khoa học còn phát hiện một số mảnh gốm men, sành, gạch vỡ thời Trần - Hồ và thời Lê Sơ. Trong số các hiện vật được tìm thấy, các nhà khoa học đặc biệt chú ý tới nhóm hiện vật đục, kiếm sắt. Đây được coi là các di vật rất hiếm gặp trong các di tích khảo cổ học ở Việt Nam.
Không nhất thiết phải phục dựng
Theo kế hoạch dài hơi, việc khai quật khảo cổ tổng thể thành nhà Hồ sẽ kéo dài trong 7 năm (từ 2013- 2020), với nguồn kinh phí thực hiện trên 90 tỉ đồng. Quá trình khai quật trên tổng diện tích 56.000m2 sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình khai quật khảo cổ trong lòng di sản với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và các chuyên gia khảo cổ hàng đầu của Việt Nam. Mục đích của các đợt khai quật nhằm từng bước tìm hiểu các dấu tích văn hóa, vật thể của thành nhà Hồ qua các thời kỳ bị vùi lấp dưới lòng đất, góp phần nâng cao giá trị của di sản. Bên cạnh đó, việc khai quật khảo cổ cũng hi vọng sẽ cung cấp thêm nhiều tư liệu lịch sử phục vụ công tác giáo dục, quảng bá di sản thành nhà Hồ và đặc biệt giúp các chuyên gia có thêm tư liệu khi nghiên cứu về Hồ Quý Ly và giai đoạn cuối triều Trần, triều Hồ trong lịch sử đất nước.
Sở VHTT&DL Thanh Hóa đã từng đề xuất 13 đề án trong đó có nhiều đề án đề nghị phục dựng lại khuôn viên đền đài, thành quách trong khu vực di tích Thành nhà Hồ như: phục dựng kiến trúc Chính điện khu vực thành Nội, phục dựng Môn Lâu… Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng, việc cần thiết là khai quật khảo cổ để làm rõ giá trị, diện mạo lịch sử, văn hóa của vương triều Hồ hơn là việc phục dựng, bởi trên thực tế, không có một tài liệu khoa học nào còn tồn tại về các đền đài, kiến trúc trong khu vực Thành nhà Hồ để làm căn cứ phục dựng. Nếu cứ phục dựng thì có thể làm sai lệch lịch sử. GS Tống Trung Tín- nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng: Phục dựng là việc không nên, vì chúng ta không có tài liệu khoa học nào để căn cứ. Việc cần thiết là khảo cổ, tìm hiểu những tầng di sản còn vùi dưới lòng đất để làm rõ diện mạo văn hóa, lịch sử của triều Hồ. GS Tín cũng cho rằng, với đặc thù là di tích bằng đá, tồn tại bền vững qua 6 thế kỷ, Thành nhà Hồ không phải là di sản khó bảo tồn. Cái khó là việc phục hồi những đoạn thành sụt lún, chống xuống cấp.