Cộng đồng xây dựng các công trình văn hóa ở Yên Tử

Nhị Hà 20/04/2016 10:30

Sau gần 4 năm thực hiện QĐ 1742/QĐND của UBND tỉnh Quảng Ninh, giao cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh (GHPG) làm chủ đầu tư các hạng mục công trình văn hóa tại Danh thắng Yên Tử, khu di tích nhà Trần Đông Triều, Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng… bằng nguồn vốn xã hội hóa đến nay các công trình đã phát huy giá trị văn hóa, trở thành điểm du lịch tâm linh, thắng cảnh thu hút hàng triệu lượt khách du lịch, tạo nguồn thu ngân sách.

Cộng đồng xây dựng các công trình văn hóa ở Yên Tử

Hệ thống am tháp ở Yên Tử.

Từ chủ trương nói trên, BQL tôn tạo Yên Tử (Ban Trị sự GHPG tỉnh Quảng Ninh) được giao làm chủ đầu tư các hạng mục lớn như chùa Ngọa Vân, chùa Quỳnh Lâm, chùa Trung Tiết, chùa Một Mái, chùa Hoa Yên, các công trình am tháp, mắt Rồng... Tổng tiền đầu tư các hạng mục công trình nói trên lên đến hàng trăm tỉ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Trong đó, chùa Ngọa Vân vừa khánh thành giai đoạn 1 với số vốn trên 90 tỉ đồng; chùa Một Mái trung tu tôn tạo trên 25 tỉ đồng... Sau khi hoàn thành, các công trình đã thu hút lượng khách du lịch hàng triệu lượt người/năm.

Ông Lê Tiến Dũng- Trưởng BQL Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử cho biết, nhờ phát huy được nguồn vốn xã hội hóa mà BQL tôn tạo Yên Tử đã làm nhiều công trình có giá trị về mặt văn hóa tâm linh, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Kinh nghiệm của Yên Tử trong việc huy động xã hội hóa là công khai, minh bạch và sử dụng đồng tiền của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm quyên góp đúng mục đích; xây dựng các công trình đảm bảo về chất lượng và cảnh quan. Điều đáng nói, đối với các công trình mang tính tâm linh, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh làm chủ đầu tư mới phát huy được nguồn lực xã hội hóa có hiệu quả. Theo đó, cùng với các hạng mục đã được triển khai, trước lễ Phật đản năm nay tại Danh thắng Yên Tử, Ban Trị sự GHPG tỉnh tiếp tục làm chủ đầu tư các công trình như Trung tâm khai hội, cung Trúc Lâm, vườn Thiền từ nguồn vốn xã hội hóa. GHPG tỉnh Quảng Ninh dự kiến những hạng mục nói trên sẽ hoàn thành đúng vào kỷ niệm 710 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.

Những nỗ lực chung tay bảo tồn và phát huy giá trị danh thắng từ cộng đồng cũng chính là tiền đề để Yên Tử tự tin hơn trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, chờ UNESSCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Nhị Hà