Tham nhũng phải xử nghiêm minh

Kiên Long 20/04/2016 10:30

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm- chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) đang được dư luận đặc biệt quan tâm, đồng tình, hoan nghênh. Trước đó, cùng với việc Quốc hội kiện toàn bộ máy lãnh đạo, sự tuyên thệ quyết tâm của các lãnh đạo cấp cao, cùng nhiều vấn đề khác cho thấy Đảng ta đang quyết tâm thực sự đổi mới, đưa Nghị quyết Đảng lần thứ X

Tham nhũng phải xử nghiêm minh

Tranh minh họa.

Liên tục nhiều năm qua, Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng, điểm số của Việt Nam vẫn giữ nguyên (31/100), nằm trong số hai phần ba các nước trong bảng chỉ số có điểm số dưới 50. Mới đây, kết quả khảo sát PAPI 2015, tiếp tục cho thấy, một số nội dung kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tiếp tục giảm (giảm 3% điểm so với năm 2014). Các chỉ tiêu đo mức độ hối lộ trong các trường tiểu học công lập và khu vực hành chính công, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thấy tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, chung chi, đòi bồi dưỡng thêm để nhận dịch vụ tốt hơn có xu hướng gia tăng... Từ thực tế, sự phức tạp, nan giải của công tác PCTN, Đảng ta đã coi PCTN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm quan trọng. Nghị quyết Đại hội Đảng XII đã chỉ ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhiệm vụ PCTN được xếp vào nhiệm vụ trọng tâm thứ hai: “Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu” xếp ngay sau nhiệm vụ: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Sau ĐH Đảng XII, tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã bầu, phê chuẩn, kiện toàn nhân sự lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội… những lời tuyên thệ, những thông điệp mới đều thể hiện cam kết “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”, cải cách thể chế, minh bạch, kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2016-2021) đang đến rất gần. Đảng, Nhà nước và nhân dân đang tập trung lựa chọn, giới thiệu những đại biểu ưu tú nhất để cử tri bầu làm đại biểu đại diện cho mình trong cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước cũng như cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Bên cạnh những tiêu chuẩn về năng lực, phẩm chất, yêu cầu về minh bạch tài sản, kê khai tài sản của các ứng viên cũng được đặc biệt nhấn mạnh.

PCTN là một cuộc chiến cam go, phức tạp. Để chống tham nhũng cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội, nhất là vai trò của những người đứng đầu. Chống tham nhũng phải quyết liệt, khẩn trương. Năm 2013, 2014 được coi là những năm công tác PCTN được đẩy mạnh với nhiều đại án tham nhũng được phát hiện, phanh phui, xét xử. Nhiều án tù chung thân, án tử hình đã được tuyên. Trước Đại hội XII, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã tiếp tục thống nhất đưa 8 vụ án trọng điểm ra xét xử. Đó là các vụ án Lâm Ngọc Khuân; Phạm Văn Cử; Trần Quốc Đông; Dương Thanh Cường; Vũ Quốc Hảo; Phạm Thị Bích Lương; Lê Hùng Sơn; Nguyễn Thế Dũng cùng các đồng phạm...Tuy nhiên đến nay một số vụ chậm tiến độ. Tại kỳ họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN ngày 18-4 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các cơ quan phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ. Tổng Bí thư đã nhấn mạnh yêu cầu quyết liệt, khẩn trương: “Ví như Bộ Công an cần củng cố lại cơ quan điều tra, nếu ai có vấn đề thì thay ngay”; và “không chờ điều tra đầy đủ rồi đưa ra xử một lúc, mà làm từng bước chắc chắn, điều tra kết luận đến đâu, xử lý đến đó...”. Không chỉ người lãnh đạo cao nhất thể hiện sự quyết tâm, các ban ngành cũng quyết tâm vào cuộc. Nguyên Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình (hiện là Phó Thủ tướng Chính phủ) đã khẳng định, năm 2016 ngành Tòa án quyết tâm “tập trung đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án, nhất là những vụ án lớn, trọng điểm và các vụ án tham nhũng”, không để tồn đọng án tham nhũng.

Để PCTN, vấn đề minh bạch, kê khai tài sản là rất quan trọng. Đây cũng là cơ sở để thu hồi tài sản, xét xử cán bộ tham nhũng. Thực tế lâu nay, việc kê khai tài sản vẫn còn mang tính hình thức. Như ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Thanh tra Chính phủ nêu tại buổi họp báo Quý I vừa qua: “Kê là phải quản, kê là phải công khai và có kiểm định xác minh. Kê khai mà để đấy thì chả giải quyết vấn đề gì, không quản lý được”. Rằng: “Công chức từ cấp chức vụ cao nhất đến thấp nhất trong diện phải kê khai tài sản đều phải kê khai, phải công khai. Phải có một cơ quan chịu trách nhiệm xác minh tính trung thực của người kê khai đó, có thế mới quản lý được tài sản. Nếu là quan chức phải chấp nhận điều đó. Nếu không thì đừng làm quan chức nữa”. Rõ ràng như ông Đạt nêu, “quan chức phải chịu sự giám sát chặt chẽ như vậy thì công tác PCTN mới đạt hiệu quả”.

Nghị quyết kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm quy định của Luật PCTN, nhất là việc kê khai trung thực, chính xác đầy đủ của người kê khai và cơ quan có trách nhiệm kiểm soát kê khai tài sản. Tiến tới kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức, nêu cao trách nhiệm giải trình. Kiên quyết trong từng việc làm, phải làm, làm mạnh, và phải có hiệu quả. Làm để rồi như Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN Nguyễn Phú Trọng nêu “làm cho người ta không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng”.

Kiên Long