Thi THPT Quốc gia 2016: Lưu ý với điểm cộng ưu tiên
Từ năm 2015, Bộ GD&ĐT đã quy định các trường ĐH, CĐ chỉ tiến hành kiểm tra, đối chiếu hồ sơ gốc của thí sinh sau khi các em vào nhập học. Công tác hậu kiểm này đã khiến hàng loạt thí sinh từ đỗ thành… trượt chỉ vì phần xác định điểm cộng ưu tiên các em khai trên hồ sơ không đúng với thực tế.
Thông tin từ trường ĐH Huế cho biết, trong mùa tuyển sinh 2014-2015, nhà trường đã phải “bất đắc dĩ” ra thông báo trượt ĐH với 55 sinh viên sau khi các em này nhập học. Tương tự, nhiều trường thành viên của ĐH Đà Nẵng cũng gặp phải tình trạng này khi tiến hành hậu kiểm hồ sơ của sinh viên.
Cụ thể, khi đối chiếu giữa thông tin khai hồ sơ và thực tế cho thấy nhiều thí sinh đã nhầm lẫn về đối tượng con thương binh khi tưởng rằng cha/mẹ nhận giấy chứng nhận tai nạn lao động, kể cả tai nạn lao động trong thời gian quân ngũ thì con sẽ được hưởng chính sách của con thương binh. Với các quyết định trợ cấp một lần do Quân khu cấp mà không phải là của Sở LĐ-TB&XH cấp thì học sinh cũng không được hưởng theo chế độ ưu tiên 06. Ngoài ra, công tác hậu kiểm cũng phát hiện nhiều trường hợp khai là con em người dân tộc thiểu số nhưng khi rà soát lại các giấy tờ gốc thì không phải dẫn đến việc sai lệch điểm ưu tiên.
Kết quả là tổng số điểm thi thực tế thí sinh đạt được và cả điểm ưu tiên chuẩn cộng lại vẫn chưa đủ điểm xét tuyển vào ngành thí sinh đăng ký. Nhìn nhận tình trạng này, PGS.TS Đoàn Quang Vinh (Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng) cho rằng, từ năm 2014 trở về trước, khi thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp vào các trường ĐH, CĐ thì bộ phận tiếp nhận hồ sơ rà soát kỹ và hướng dẫn lại nên ít xảy ra trường hợp sai sót về đối tượng, chính sách ưu tiên. Kể từ năm 2015 các trường thực hiện theo quy chế mới mới nên dẫn đến một số nhầm lẫn đáng tiếc như vậy. Trách nhiệm đầu tiên là thuộc về thí sinh – người trực tiếp chịu trách nhiệm về việc khai hồ sơ của mình. Tuy nhiên nếu như các trường THPT, cụ thể là giáo viên chủ nhiệm dành thời gian để hướng dẫn, tư vấn kỹ càng cho các em học sinh thì sẽ hạn chế được tối đa việc ghi sai đối tượng ưu tiên. Ngoài ra, bộ phận tiếp nhận hồ sơ của các trường THPT nếu có thể cũng nên tiến hành rà soát lại để tránh việc khai nhầm hồ sơ, dẫn đến sự việc đáng tiếc là học sinh của mình đang từ đỗ thành trượt.
Trong trường hợp thí sinh vẫn ghi nhầm đối tượng ưu tiên dẫn đến tổng điểm xét tuyển ĐH, CĐ bị nhầm lẫn sau đó kiểm tra ra, hiện các trường vẫn chưa ra quyết định sẽ giải quyết ra sao. Tuy nhiên, theo một chuyên gia giáo dục nhận định, thí sinh không nên cố tình khai nhầm để rồi trông chờ vào việc các trường “linh động” như năm ngoái. Thậm chí, ngay cả khi các trường đồng ý cho thí sinh đăng ký lại nguyện vọng, chuyển ngành học phù hợp với số điểm thực tế của thí sinh để đảm bảo công bằng trong thi cử thì cuối cùng, người chịu thiết là thí sinh khi không được học ĐH đúng ngành yêu thích.