Lặng lẽ những 'mặt người'

Thư Hoàng (thực hiện) 20/04/2016 14:10

Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam 2016, sáng nay (20/4) tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội), NXB Phụ nữ tổ chức buổi giao lưu và ra mắt tập tản văn “Năm tháng mặt người”. Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với tác giả cuốn sách: nhà thơ - nhà báo Nguyễn Quang Hưng.

PV: Đọc 35 tản văn trong cuốn sách này, người ta dễ dàng thấy dấu vết của một nhà thơ, nhà báo?

Lặng lẽ những 'mặt người'

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng: Có thông tin tôi thu nhận được, có những cuộc đời tôi gặp gỡ, những nỗi niềm tôi lắng nghe. Hình như cứ đi thì tôi nhận được nhiều hơn, những con đường, núi đồi, đồng ruộng, một nét hoa văn, đôi câu hát và những vòm trời rộng… Cho nên nhiều khi những bài thơ, bài báo, tản văn tôi viết có chung mạch cảm xúc hay những ấn tượng. Khi nhặt ra những câu thơ, khổ thơ để làm đề từ cho tản văn của mình, tôi thấy khá hợp khi chúng khái quát hay gợi được một điểm nhấn mà mình muốn nói trong tản văn. Có điều mình là người làm nghề, làm cả văn, cả báo, phải tỉnh để có sự tách bạch. Đây là đòi hỏi đương nhiên cả về kết cấu, tác phẩm lẫn ngôn ngữ, văn phong…

Thường thì sau những chuyến đi như thế, anh sẽ viết tản văn khi nào?

- Tôi viết khi cảm xúc còn dồi dào, cảm xúc được trở lại, hay khi trong lòng thôi thúc phải kể thêm nữa quanh những người, những chuyện đã gặp cùng những liên tưởng được bay lên từ đó. Và đúng, còn bởi những bài báo không thể nói hết được những điều ấy. Những câu chuyện NSƯT Vũ Tự Lẫm “kể lể” khi ông tỉ mẩn ngồi cả buổi để têm trầu từ một đề xuất rất ngẫu hứng của tôi, tôi phải kể bằng tản văn. Hay những liên tưởng từ con rối cũ và bạc màu với cuộc đời nơi làng quê xa khuất của các nghệ nhân. Rồi một bữa thụ lộc thánh rất đỗi tình cờ ngay trong đình làng khi vào chơi đúng buổi trưa ngày hội làng… Những điều không nên để trôi đi ấy, tôi cần kể lại bằng tản văn.

Trong khi nhiều người viết tản văn bằng sự bàng bạc nhớ nhung, những tản văn của Nguyễn Quang Hưng cho thấy một sự vừa tỉnh táo vừa dấn thân?

- Đúng vậy. Nhìn và ngẫm lại khi tập hợp bản thảo cho cuốn sách, tôi thấy mình đã “bay” với những điều có thật, là những tên người, địa danh, những câu chuyện rất thực và sống động. Đôi khi chỉ nói ra, kể về chúng thôi đã thấy bồi hồi… Dấn thân thì phải rồi, vì mình có hào hứng đi, nhìn thấy, lắng nghe và cảm nhận mình mới vỡ vạc ra điều này điều nọ và tâm hồn mình thêm được nuôi dưỡng. Sự dấn thân mà anh cảm nhận ấy, còn chính từ những dấn thân, những đam mê mà những người mình gặp họ truyền sang cho mình.

Lặng lẽ những 'mặt người' - 1

Bìa tập tản văn “Năm tháng mặt người”. (Ảnh: Thư Hoàng).

“Năm tháng mặt người” cũng là một cuốn tản văn mà đọc nó, người ta thấy tác giả rất nặng lòng với văn hóa dân gian, với những nghệ nhân nghệ sĩ nhiều khi bị chìm bị khuất?

- Công việc báo chí cho tôi có những chuyến đi, để viết. Có điều mình cần nói lên ngay, có những chuyện cần lắng lại để dần cảm nhận. Nhưng có lẽ thơ, tản văn chúng đã được chuẩn bị dần về “tư thế” để lúc nào đó xuất hiện khi tôi bắt tay vào viết những bài báo. Vì với những bài báo tôi muốn đẩy vào đó suy ngẫm, tiếng nói gợi mở hơn là đưa tin, phản ánh thông thường. Thật sung sướng khi những bước chân đi, những con đường, những phố phường, làng mạc và những gia đình đã giúp tôi được sống, trải nghiệm và rung động. Tất cả những điều đó khiến tôi muốn làm người kể chuyện nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn.

Xin cảm ơn anh!

Thư Hoàng (thực hiện)