Từ 'chú bé cứu tàu' đến Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Dạ Yến 20/04/2016 16:35

“Chú bé cứu tàu” là hình ảnh quả cảm mà nhiều thế hệ học sinh thuộc nằm lòng trong một bài giảng về đạo đức từ những năm 79-80 của thế kỷ trước. Đó không chỉ là hình tượng được vẽ lên trong sách giáo khoa mà được lấy từ chính những tấm gương có thật trong đời sống. 1 trong 3 “chú bé cứu tàu” ngày ấy giờ đã là Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Quảng Trị- Hoàng Đức Thắng. 

Từ 'chú bé cứu tàu' đến Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Ông Hoàng Đức Thắng.

Năm 1977, sau giải phóng, Quảng Trị khi ấy còn là tỉnh Bình Trị Thiên hợp nhất. Ngày khai giảng năm đó đến muộn, cậu bé Hoàng Đức Thắng cùng hai người bạn ở lớp 7b, trường THCS Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Linh là Cao Tất Hiến và Phan Ngọc Thiết háo hức đến trường, phấp phới trên vai là chiếc khăn quàng đỏ còn thơm mùi vải mới. Con đường đến trường của ba cậu bé Thắng, Hiến và Thiết phải băng ngang qua đường tàu. Những đoàn tàu nối nhau xuôi ngược Bắc- Nam đã trở thành một phần trong cuộc sống của những cậu bé này. Tuy nhiên, ngày hôm ấy, biến cố xảy ra, khi một chiếc máy cày đi qua đường tàu, lưỡi máy cày kéo đường ray lệch với đường tàu 1m, kéo một đoạn dài khoảng hơn 50m. Thắng và hai cậu bạn thực sự lo lắng, linh tính mách bảo chắc chắn sẽ xảy ra chuyện lớn nếu có tàu đến.

Cũng vì rất thông thuộc đoạn đường này nên Thắng biết rõ chỉ khoảng 1 giờ nữa, đoàn tàu TL3 từ ga Đồng Hới, Quảng Bình đến Huế sẽ đi qua đây. 3 cậu bé càng lo lắng hơn khi những người xung quanh dù biết chuyện nhưng không một ai dừng lại, không một ai bàn chuyện làm gì để đoàn tàu khỏi bị tai nạn. Mỗi giây phút vô tình trôi đi trong sự thờ ơ của những người xung quanh là sự trăn trở không thể vô cảm của 3 cậu bé: ở lại cứu tàu hay tiếp tục đến trường.

“Hồi đó, với chúng tôi, ngày khai giảng là sự kiện trọng đại. Nhưng khi phải đứng trước sự lựa chọn sinh tử thì mọi sự lại trở nên rất đơn giản: phải cứu tàu, rồi sau đó đến lớp chấp nhận kỷ luật” ông Thắng bắt đầu hồi tưởng lại ngày khai giảng đặc biệt ấy.

Quyết định như thế, 3 cậu bé vội vàng đi ngược ra phía Bắc gần 1km, đang loay hoay chưa biết làm thế nào thì tiếng còi tàu TL3 đã hú vang, đoàn tàu như một con rắn khổng lồ sầm sập từ trên dốc lao xuống.

Chẳng kịp nghĩ thêm, 3 cậu bé bèn nhảy ra giữa đường tàu, cởi khăn quàng đỏ gào thét, vẫy liên tục, người lái tàu đã phải dừng tàu trước sự lì lợm của 3 cậu bé. Chỉ đến khi chứng kiến sự việc, hàng trăm hành khách trên đoàn tàu TL3 mới thực sự hoảng hốt và cảm ơn 3 cậu bé dũng cảm.

3 cậu bé được tôn vinh vì lòng dũng cảm kỳ thực lại vô cùng lo sợ khi phải đối mặt với “án phạt” của nhà trường vì “can tội” bỏ ngày khai giảng.

“Đó là ngày khai giảng đáng nhớ nhất. Chúng tôi lẳng lặng cúi đầu nhận lỗi. Chỉ đến sáng hôm sau khi bên đường sắt đến nhà trường báo cáo sự việc thì “tội” của chúng tôi mới được minh oan và biểu dương vì đã có hành động dũng cảm cứu tàu, cứu người” - ông Thắng nhớ lại.

Sau chuyện này, năm 1978, cậu bé Hoàng Đức Thắng vinh dự là học sinh tiêu biểu được đi dự trại hè thiếu nhi quốc tế và tham dự Festival lần thứ XI tại Cuba. Trên các trang báo Thiếu niên Tiền phong hồi ấy đầy ắp bài viết về những chú bé cứu tàu. Cũng nhân sự việc này, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Em yêu đường sắt quê em” và hình ảnh những chú bé cứu tàu được đưa vào sách dạy đạo đức. Sự kiện này cũng đã được ghi lại trong lịch sử của Đội Thiếu niên tiền phong, lịch sử ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị, ngoài ra là bằng khen, giấy khen của Trung ương Đoàn, ngành giáo dục, Tổng cục đường sắt, UBND tỉnh Bình Trị Thiên...dành cho 3 cậu bé dũng cảm.

3 cậu bé dũng cảm bây giờ mỗi người một việc, hoàn cảnh khác nhau nhưng họ vẫn thường xuyên gặp nhau mỗi khi có điều kiện. Khi ấy, ký ức “Chú bé cứu tàu” như một kỷ niệm đẹp để gợi lại một thời “tuổi thơ dữ dội”.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Quảng Trị ông Thắng ví như là định mệnh vì từ lúc sinh ra đã phải học cách sống để tồn tại với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Mùa mưa chìm trong bão lụt. Mùa đông chịu ảnh hưởng trực tiếp gió mùa đông bắc đem theo những cơn giá rét. Mùa hè lại phải chống chọi với chảo lửa hạn hán từ những cơn gió tây nam ( gió Lào ) thổi về trong nóng nực khô khan. Và hơn nữa, trong nhiều giai đoạn lịch sử, dẻo đất nằm trên dãy đồng bằng duyên hải ấy, còn là nơi “nồi da xáo thịt” khi trở thành giới tuyến tạm thời chia cắt Bắc- Nam, chứng kiến và chịu đựng bao đau thương khốc liệt của chiến tranh.

Nhưng câu chuyện của 39 năm về trước chưa khi nào bị lãng quên, cũng bởi tinh thần dũng cảm của cậu bé Hoàng Đức Thắng ngày nào như được truyền lại cho cô con gái nhỏ Hoàng Lê Phương Thanh của ông. Đó lại là một câu chuyện bất ngờ thú vị khác.

Năm 2000, khi ấy cô bé Phương Thanh mới tròn 6 tuổi, trong một lần đi chơi với bạn, do mải đuổi theo bóng bay, cô bạn của Thanh rơi tuột xuống một cái giếng của nhà hàng xóm đang làm dở, trong giếng có khoảng 5m nước. Thấy bạn chới với, bé Thanh ào tới không kịp suy nghĩ một tay bám vào cành cây ổi, một tay giữ chặt bạn, kêu gào người tới cứu kịp thời. Huy chương Tuổi trẻ dũng cảm đã được trao cho con gái của người bố đã từng cứu tàu năm xưa.

“Bố cứu tàu, con cứu bạn” quả là một câu chuyện đẹp càng nên nhắc lại trong thời điểm khi mà sự sợ hãi, vô cảm đang len lỏi ngự trị. Bởi ai trong mỗi chúng ta, ít nhiều cũng đều có nỗi sợ hãi khi phải đối diện với những hiểm nguy. Cho nên không phải ai cũng có thể chiến thắng nỗi sợ hãi nhất là với một cậu bé 13 tuổi hay một cô bé mới tròn 6 tuổi.

Tôi cũng như nhiều người khi biết chuyện đều “phàn nàn” với Chủ tịch Mặt trận tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng tại sao không chia sẻ câu chuyện này. Ông cười xoà phân trần, chỉ là những việc mà lương tâm mình không cho phép từ bỏ. Dũng cảm đôi khi là vượt qua được nỗi sợ hãi của chính mình.

“Con gái tôi giờ đã học năm thứ 4 của một trường đại học, nhưng có lẽ cháu cũng chưa thể hiểu hết ý nghĩa về hành động của mình, cũng như tôi ngày ấy. Sau này, khi trải qua nhiều năm tháng khó khăn trong cuộc sống, tôi mới ngộ ra một điều, cứu một người phúc đẳng hà sa. Bây giờ hơn 50 tuổi rồi, cứu tàu chính là việc tử tế nhất mà tôi đã làm được” - ông Hoàng Đức Thắng khẳng định.

Lời chia sẻ của ông Chủ tịch Mặt trận tỉnh Quảng Trị khiến tôi chợt nhận ra, cứ mỗi lần đến Quảng Trị, ở trong mỗi chúng ta bỗng nảy ra những điều mà chúng ta cũng không thể dự đoán trước được. Chính ở nơi đây, khi đối diện với những câu chuyện có thật, ta tự trang bị cho mình những hiểu biết rất nhiều so với cái ta đã biết về quá khứ, giúp ta nhận ra giá trị của hiện tại và hình dung một cách rõ ràng về tương lai.

Là vì con người Quảng Trị dù ở vào hoàn cảnh lịch sử nào, thời điểm nào vẫn giữ được cốt cách trung dũng, kiên cường, không lùi bước trước gian nan thử thách. Là vì mảnh đất này đã trở thành một cõi thiêng trong tâm khảm bao người.

Khi ấy là một buổi chiều, hoàng hôn phủ vàng trên Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Trong hương khói trầm mặc, trước anh linh của hàng ngàn anh hùng liệt sĩ, mọi tham vọng trong cuộc đời bỗng chốc trở nên hư vô, buông bỏ. Ông Chủ tịch Mặt trận Quảng Trị Hoàng Đức Thắng lặng lẽ vuốt từng cánh hoa trên mỗi ngôi mộ mà ông có thể đến được. Ông bảo, lọ hoa bằng nhựa này là công sức vận động của Mặt trận, các tổ chức thành viên và Đài Phát thanh truyền hình Quảng Trị như một cách để người dân Quảng Trị tri ân với các anh hùng liệt sĩ.

Quảng Trị là hình ảnh thu nhỏ của cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Bởi chỉ tính riêng số liệt sĩ đã hy sinh và đang yên nghỉ tại 72 nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh đã lên tới con số gần 60 nghìn người. Trong đó chỉ riêng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn có hơn 10 nghìn liệt sĩ.

“Một năm không biết bao lần đặt chân đến nơi này nhưng mỗi lần đến là một lần tôi lại cảm thấy “món nợ” của mình sâu nặng hơn”, ông Hoàng Đức Thắng chia sẻ. Nợ máu xương của các anh, nợ những người đã nằm xuống chưa được tìm thấy, cả nỗi đau thời hậu chiến mà biết bao gia đình vẫn đang đi tìm chân lý để gột rửa những nỗi oan khiên.

Chính vì vậy, Mặt trận Quảng Trị đã gắng làm hết sức mình để góp phần vào thành công chung của cuộc Tổng rà soát chính sách cho người có công với cách mạng trong hai năm 2014- 2015 do UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện.

Nhưng thành công của cuộc Tổng rà soát mới là bước khởi đầu phần còn lại rất nhiều việc phải làm. Những công việc quan trọng khác như giám sát, phản biện đang cần lắm không chỉ những tấm lòng, những nỗ lực vượt khó vươn lên mà còn đòi hỏi tinh thần dũng cảm để vượt qua nỗi sợ hãi của chính người Mặt trận.

Dạ Yến