Ngày hội STEM 2016: Thắp lên khát vọng khoa học
Ngày 20/4, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, Bộ KH&CN tổ chức hội nghị giới thiệu về Ngày hội Khoa học và Công nghệ (STEM). Diễn ra vào ngày 14, 15/5 tại Hà Nội, ngày hội STEM năm 2016 sẽ có 7 lớp học chia thành các thời kì lịch sử loài người. Đi một vòng từ phòng 1 đến phòng 7, các em học sinh sẽ được trải nghiệm hết lịch sử khoa học của nhân loại.
Ngày hội STEM năm 2016 diễn ra tại TP HCM.
Học thông qua thực hành và sáng tạo
Theo TS Lê Xuân Định- Cục trưởng Cục thông tin KH&CN quốc gia, Trưởng Ban tổ chức, ngày hội STEM được tổ chức ở Hà Nội lần thứ 2 năm nay có chủ đề “Cỗ máy thời gian”. Sẽ có 7 phòng học với các thí nghiệm, các phần thực hành đưa các em học sinh vào hành trình từ quá khứ đến tương lai, tương ứng với các sự kiện khoa học lớn xảy ra vào mỗi thời kỳ lịch sử của nhân loại.
Các bài học trong lớp học đều được thiết kế ở dạng thực hành và vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống theo tiêu chuẩn giáo dục STEM - mô hình giáo dục tiên tiến chú trọng sự tích hợp liên môn, trong đó STEM là viết tắt của Khoa học (Sience), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Mathematics).
Theo TS Đặng Văn Sơn - Phó trưởng Ban tổ chức, trong 2 ngày diễn ra chương trình sẽ có 4 ca học. Mỗi ca sẽ có 7 lớp học diễn ra trong 1 tiếng, sau đó là 1 tiếng dành cho biểu diễn khoa học và sau đó các em học sinh lại quay trở về lớp học.
Tham gia các lớp học này, các em học sinh sẽ được thực hành các thí nghiệm kỳ bí từ lửa: tạo ra những thứ không ngờ tới như nước hay khí Cacbonic vẫn duy trì sự cháy. Với khoa học hiện đại là hàng không, khoa học thời cận đại Khám phá thế giới vi sinh, cùng tìm hiểu Khoa học trong nông nghiệp, thực hành Xây cầu gỗ với những kiến thức về Toán học và Kiến trúc…
Bà Trần Lưu Hồng Hạnh- Giám đốc của Vườn ươm tài năng Talinpa, đơn vị chủ trì lớp học Xây cầu gỗ cho biết, hiện nay nhiều bạn nhỏ đang gặp khó khăn khi hàng ngày phải vượt sông đi học. Vì vậy, chương trình muốn hướng các em nhỏ đến việc cùng chung sức xây cầu cho các bạn với việc tính toán sức chịu tải cây cầu phụ thuộc vào yếu tố nào, Cầu nặng – cầu nhẹ cây cầu nào có sức chịu tải lớn hơn…
Sự kết hợp của Toán học và Kiến trúc sẽ không chỉ đem đến cho các em những trải nghiệm thú vị về môn học gần gũi trong nhà trường – Toán học mà còn nuôi dưỡng ước mơ dùng khoa học, kỹ thuật và hiểu biết của mình để giúp ích cho đất nước trong các em học sinh ngay từ hôm nay.
Lan toả ngày hội STEM ở nhiều địa phương
Theo Ban tổ chức, đối tượng học sinh mà Ngày hội hướng đến là từ 6-12 tuổi. Dự kiến sẽ có khoảng 800 lượt học sinh tham gia trong 2 ngày với mỗi ca là 200 học sinh, trong đó mỗi học sinh được tham gia 2 lớp học.
Song song với đó là các buổi nói chuyện dành cho bố mẹ và những người quan tâm với sự tham gia của các diễn giả TS Giáp Văn Dương, TS Đặng Văn Sơn, TS Sử Thanh Long, TS Chu Cẩm Thơ...
Ngày hội STEM tổ chức tại Hà Nội, một trong những sự kiện chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 được kỳ vọng sẽ tạo sự hưởng ứng để chuỗi Ngày hội STEM tới đây không chỉ được tổ chức ở Hà Nội và các thành phố lớn mà sẽ trở thành một mô hình được triển khai rộng khắp trên nhiều địa phương. Qua đó góp phần từng bước lan toả giáo dục STEM và thắp sáng ngọn lửa đam mê dành cho khoa học ở các em nhỏ trên mọi vùng miền.
Trả lời câu hỏi của PV báo Đại Đoàn Kết về việc liệu có xảy ra quá tải nếu số lượng học sinh và phụ huynh đến đông hơn dự kiến, đại diện Ban tổ chức cho biết, vì hạn chế về mặt không gian nên bắt buộc phải dừng lại ở con số khoảng 800 học sinh. Tuy nhiên sẽ ưu tiên cho các trường ở ngoại thành Hà Nội vì cơ hội để các em tiếp cận với mô hình giáo dục STEM có phần hạn chế hơn so với học sinh ở nội thành.
“Giá như có thể tổ chức ở quy mô 8.000 học sinh thì chúng tôi rất sẵn lòng. Cách đây 1 tháng, dưới sảnh tầng 1 của Cục thông tin là rất nhiều các phòng. Để tổ chức sự kiện Ngày hội STEM, chúng tôi đã giải phóng toàn bộ. Đây là nỗ lực cao nhất của chúng tôi trong phạm vi có thể được. Và tôi tin rằng sức lan toả của chương trình diễn ra trong 800m2 này sẽ không kém gì một sân vận động 80.000 chỗ ngồi. Quan trọng là phương pháp và cách truyền đạt thông điệp” - TS Lê Xuân Định cho biết.