Bước đi chập chững trong thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris
Bước tiến lớn đầu tiên trong việc thực thi thỏa thuận về biến đổi khí hậu Paris dự kiến sẽ diễn ra trong ngày hôm nay (22/4), trong đó 155 quốc gia sẽ chính thức tham dự lễ ký kết tại trụ sở của Liên Hợp Quốc tại Washington.
Các lãnh đạo thế giới tỏ ra vui mừng sau khi
đạt thỏa thuận chung trong Hội nghị COP 21 cuối năm ngoái (Nguồn: IndianExpress).
Liên Hợp Quốc cho biết, cơ quan này hy vọng rằng lễ ký kết sẽ thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, từ đó thu hút sự ủng hộ trong công cuộc ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu. Tuy nhiên, một số chuyên gia nghiên cứu môi trường lại cho rằng nó chỉ mang tác dụng ngược lại.
Dù thiếu vắng sự góp mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama, khoảng 60 lãnh đạo thế giới dự kiến sẽ tới trụ sở Liên Hợp Quốc để tham gia sự kiện này, trong đó có cả Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Nhưng chỉ có chữ ký của họ thì vẫn chưa đủ để thỏa thuận này đi vào hiệu lực. Tiến trình pháp lý này đòi hỏi mỗi quốc gia phải trải qua một quá trình phê chuẩn. Đối với một số nước, điều này có nghĩa rằng nó cần có sự chấp thuận của các chính trị gia, ví dụ như ở nước Mỹ.
Các nước khác, như Nhật Bản và Ấn Độ, sẽ cần phải trình thỏa thuận này lên Quốc hội, trong khi một số nước cần phải đưa ra các điều luật mới. Liên minh châu Âu được dự đoán là sẽ chậm hơn trong tiến trình này bởi đến nay 28 thành viên của khối vẫn chưa đạt đồng thuận về việc chia sẻ gánh nặng cắt giảm khí thải, trong khi mỗi nước cũng phải tự thông qua thỏa thuận này.
Một số quốc gia, trong đó gồm đảo Marshall, Palau, Fiji và Thụy Sỹ, đã hoàn thiện tiến trình này và sẽ chính thức tham gia vào thỏa thuận này trong ngày 22/4. Để thỏa thuận được đi vào hoạt động, nó cần ít nhất 55 quốc gia - đại diện cho ít nhất 55% lượng xả thải của toàn thế giới - hoàn thiện tất cả các tiến tình nói trên.
Nhưng trong khi tiến trình phê chuẩn tại từng quốc gia là một cản trở đối với thỏa thuận Paris, thì một liên minh lợi ích cũng đang nỗ lực thúc đẩy nó. Đầu tiên, Tổng thống Obama đang tìm cách đảm bảo thỏa thuận này trước khi người kế nhiệm ông sẽ vào văn phòng Tổng thống vào tháng 1/2017. Nếu như Tổng thống tiếp theo muốn bác bỏ thỏa thuận này, sẽ phải đợi thêm 4 năm nữa.
Rất nhiều các quốc gia đang phát triển hiện cũng đang thúc đẩy tiến trình trên bởi thỏa thuận Paris sẽ đi vào hiện thực sớm hơn năm 2020 nếu đạt được ngưỡng 55 quốc gia thông qua. Các nước nghèo hơn thì lo sợ rằng, nếu ngưỡng này đạt được, họ có thể bị phân biệt vì chưa thông qua được đồng nghĩa với việc họ sẽ không có tầm ảnh hưởng đối với các điều luật và việc tổ chức thực thi thỏa thuận Paris.
Các nhà khoa học và giới phân tích hiện cũng đang nỗ lực tìm cách thúc đẩy việc thực thi thỏa thuận Paris vì những lý do khác nhau. Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế của Anh (Chatham House), nếu như mức cắt giảm lượng khí thải carbon mà các nước từng cam kết được giảm trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2025, thế giới cũng sẽ không thể giữ nhiệt độ toàn cầu ở mức tăng dưới 2 độ C, chứ chưa nói đến 1,5 độ C.
“Để thỏa thuận Paris đảm bảo được uy tín, chúng ta không thể đợi đến 10 năm mới tăng thêm cam kết trong việc hạn chế nhiệt độ toàn cầu” - Shane Tomlinson, chuyên gia nghiên cứu tại Chatham House, nhận định - “Các con số ước tính cho thấy khoảng cách giữa lượng khí thải mà thế giới sẽ tiếp nhận và lượng mà chúng ta mong muốn là vào khoảng 11 tỷ tấn carbon dioxide, tức hiều hơn mức xả thải hàng năm của Trung Quốc”.
Một chuyên gia khác của Chatham House, ông Reid Detchon, cũng chia sẻ chung quan điểm, nói rằng thế giới cần phải cam kết thêm về việc hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu. Tuy nhiên, ông lo ngại rằng các lãnh đạo thế giới chưa thể hiểu rõ về điều này trong thỏa thuận Paris.
“Quan ngại của tôi là, chúng ta mới chỉ đi bước đầu tiên trên nấc thang tăng dần các cam kết giảm thải và hạn chế nhiệt độ gia tăng toàn cầu” - ông Reid Detchon nói.
Một số chuyên gia về môi trường và lãnh đạo thế giới còn cho rằng toàn bộ tiến trình trong thỏa thuận Paris đều đang lảng tránh các vấn đề thực sự về môi trường.
“Tôi đã bắt đầu tham dự các cuộc họp về khí hậu của Liên Hợp Quốc từ năm 1999. Trong suốt 17 năm, tôi đã chứng kiến việc các tập đoàn, Phố Wall cùng nhiều tổ chức tài chính khác cố tình gây ảnh hưởng để ngăn chặn tiến trình đưa ra các giải pháp môi trường thực sự” - Tom Goldtooth, thuộc Mạng lưới Môi trường Bản địa, cho hay.