Gỡ bỏ rào cản để phát triển
Phát biểu tại cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáng qua (21/4), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Cần phải có các giải pháp cấp bách về thể chế, khung pháp lý để gỡ bỏ cơ chế kìm hãm, giải phóng sức sản xuất, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và nền kinh tế không lâm vào khủng hoảng làm mất lòng tin của Đảng và nhân dân”. Theo đó cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ tạo sự thông thoáng nhất cho doanh nghiệp (DN) đồng thời thu hút đầu tư kinh doanh. Đây l
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Bộ Kế hoạch - Đầu tư (Ảnh: TL).
Rất nhiều điểm trũng của nền kinh tế được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nêu ra tại phiên họp. Chẳng hạn tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2016 đạt 5,46%, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm 1,23%, khu vực công nghiệp, xây dựng ước tăng 6,72%...
Kinh tế khó là bởi nhiều nguyên nhân trong đó có lý do thiên tai hạn hán, giá dầu thế giới giảm...đã tác động đến kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, rất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế được các thành viên chính phủ và các chuyên gia đề cập đến.
Tuy nhiên, giải pháp được cho là căn cơ nhất chính là tháo gỡ khó khăn cho các DN bởi đây mới là lực lượng làm ra của cải vật chất cho xã hội. Vì vậy cần sớm tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là DN tư nhân. Các giải pháp được đề cập đến là hạ mặt bằng lãi suất, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Nhất trí với các giải pháp được các chuyên gia đưa ra, Thủ tướng đề nghị các lãnh đạo bộ, ngành tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp cụ thể để hoàn thiện hệ thống thể chế về đầu tư, kinh doanh, nhất là cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, xóa bỏ rào cản của môi trường đầu tư, cải cách thủ tục gia nhập thị trường và thực hiện dự án đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân, cho DN thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bộ KH&ĐT phải thực hiện tốt vai trò là tham mưu trưởng về các giải pháp kinh tế-xã hội cho Chính phủ và phải có tư duy đổi mới. Ngành KH&ĐT “phải là đường dây nóng về kinh tế” để tập trung giải quyết những vấn đề vĩ mô cấp bách.
“Tinh thần lớn là tập trung hoàn thiện thể chế, gỡ bỏ ngay các rào cản để phát triển”. Giao rõ nhiệm vụ cấp bách của Bộ KH&ĐT trong thời điểm này, Thủ tướng yêu cầu: “Bộ cần phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam để thực hiện tốt hội nghị gặp gỡ DN”. “DN là nguồn lực quan trọng. Chúng ta phải khơi dậy nguồn lực này để phát triển”.
Quyết tâm tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo môi trường đầu tư thông thoáng là thông điệp nhất quán của Thủ tướng kể từ khi ông nhậm chức đến nay. Phát biểu ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định một trong những ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư-kinh doanh thuận lợi.
Trong số 6 trọng tâm ưu tiên chỉ đạo điều hành được ông chia sẻ với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, thì đầu tiên là “Ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” và thứ hai là “Tập trung cải cách hành chính, tạo mọi thuận lợi cho người dân và DN. Khuyến khích khởi nghiệp, phát huy tự do sáng tạo, trọng dụng nhân tài, huy động mọi nguồn lực cho phát triển”. Và mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để Việt Nam vào ASEAN 4 trong năm nay phải được bắt đầu từ những giải pháp gỡ khó cho DN.
Mới đây nhất, hồi cuối tháng 3, trong vụ tranh chấp giữa Khu công nghiệp Tân Đức (Long An) và một DN Nhật Bản, khi ấy trên cương vị là Phó Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho Chủ tịch UBND tỉnh Long An Đỗ Hữu Lâm trực tiếp kiểm tra vụ việc, xử lý nghiêm túc, đúng pháp luật nếu phát hiện những hành vi sai trái, bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN.
Hay gần nhất là ngày 27/3, khi đồng chủ trì Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng: “Cải cách hành chính là vô cùng quan trọng, Bí thư tỉnh, Chủ tịch giỏi phải là những người biết tạo cơ hội thông thoáng nhất cho nhà đầu tư”.
Tạo môi trường thông thoáng, gỡ khó cho sản xuất kinh doanh cũng là mục tiêu nhất quán của nhiệm kỳ Chính phủ 2011-2015. Chính phủ đã hết sức coi trọng công tác cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Do vậy liên tiếp 2 Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2014 và năm 2015 đã được ra đời với mong muốn “thanh toán” những tiếng kêu than của cộng đồng DN trước ma trận thủ tục hành chính là rào cản của sự phát triển. Nhờ những nỗ lực từ 2 Nghị quyết này, các thủ tục hành chính rườm rà trong lĩnh vực thuế, hải quan đã dần được bãi bỏ.
Chính điều này đã đưa Việt Nam vào top ASEAN 6 năm 2015. Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, Chính phủ đang tiếp tục sửa đổi và ban hành Nghị quyết 19 năm 2016 để đồng hành cùng DN trên con đường hội nhập.
Có thể nói, đối với cộng đồng DN, những cam kết rất mạnh mẽ từ Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, DN có thể kỳ vọng sẽ bớt đi những thủ tục nhiêu khê, những khoản chi phí không chính thức. Người dân, cộng đồng doanh nghiệp mong chờ những cải cách đột phá, những dấu ấn mạnh mẽ trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, để cộng đồng DN cũng như nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn.