Không còn phim 'đặt hàng'
Ngày 21/4, Hội đồng nghệ thuật phối hợp với Ban sáng tác, Ban lý luận - phê bình Hội Điện ảnh VN đã tổ chức buổi tọa đàm “Nhìn lại sáng tác điện ảnh, phim truyền hình Việt Nam 2015”. Tại đây các nhà quản lý khẳng định điện ảnh nước nhà đang có những bước chuyển mình. Thậm chí là đến năm 2015, điện ảnh Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu phim sản xuất đến năm 2020.
Phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được
đánh giá mà mô hình phối hợp thành công giữa nhà nước và tư nhân.
Đi tìm khái niệm cho phim
Theo báo cáo của Cục Điện ảnh trong năm 2015, điện ảnh Việt Nam đã “trình làng” 40 tác phẩm lớn nhỏ được trình chiếu thông qua các hệ thống rạp, thậm chí cả các Liên hoan phim trong và ngoài nước, là tín hiệu đáng mừng cho sự sáng tạo của những người làm điện ảnh. Đặc biệt, năm 2015 cũng là năm đầu tiên, điện ảnh Việt phá vỡ nhiều ranh giới và qui tắc cứng nhắc để mang lại diện mạo nhỉnh hơn năm cũ.
Ngoài ra, với số lượng phim được ra mắt trong năm qua, điện ảnh VN cũng hoàn thành chỉ tiêu phim được sản xuất đến năm 2020. Theo đó, trong năm 2016 sẽ không có phim nhà nước đặt hàng được sản xuất.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn đánh giá: Nhiều phim nhà nước sản xuất hiện nay, kể cả các đạo diễn trẻ cách làm cũng rất cũ. Để vươn ra thế giới phải tìm ngôn ngữ, cách mới chứ như kiểu hiện nay không đi đâu được. Vấn đề đầu tiên có lẽ đầu tiên là kịch bản. Ở dòng phim giải trí kịch bản phim là yếu, cóp nhặt, nhiều phim xem xong không biết nói gì. Còn phim nhà nước, kịch bản được chú ý, nhưng nội dung phim lại là câu chuyện cũ, khán giả biết mãi rồi…
Còn theo đạo diễn Nhuệ Giang: Dòng phim thị trường, nghệ thuật đang rất “vênh” nhau. Những chiêu câu khách của phim Việt hiện nay là phải có bạo lực, hài hước, hài kịch. Cá biệt còn lấy vấn đề đồng tính làm phim hài hước. Những phim kiếm tiền như vậy đang chiếm đến 1/3 số phim sản xuất.
Còn dòng phim nhà nước hiện nay không được quảng cáo nhiều nên không đến được với khán giả. Theo nữ đạo diễn này, mặc dù hiện nay người ta vẫn lấy thước đo bán vé để kết luận thành công của phim. Nhưng theo bà, phim nghệ thuật hay thương mại vẫn cần những tài năng. Phim không gây cảm xúc là do không có tài năng.
Xu hướng mới cho điện ảnh
Từ ý kiến của giới làm nghề tại hội thảo, người ta thấy mọi vấn đề vẫn đang trong cái vòng luẩn quẩn. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã phản biện: Vật cản lớn nhất của dòng phim nhà nước và tư nhân hiện nay chính là việc không minh bạch, thống nhất trong năng lực quản lý. Theo đó, điện ảnh VN không nên phân biệt giữa phim tư nhân và phim nhà nước. Đơn cử như bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là sự phối hợp ăn ý giữa nhà nước và tư nhân.
Bà Nhã cũng nhấn mạnh: Lẽ ra chúng ta phải thừa nhận là điện ảnh Việt Nam chưa được thành công thay vì nhìn lại sáng tác điện ảnh trong năm 2015 một cách chung chung. Hội Điện ảnh VN nên tổ chức thêm những cuộc hội thảo cho từng bộ phim chuyên biệt. Chúng ta phải tìm hiểu tại sao nhiều bộ phim bị dư luận và truyền thông chê bai nhiều đến thế.
Thậm chí kể cả những bộ phim mà chúng ta cho là ổn cũng phải xem tại sao khán giả cho là bất ổn… Ví dụ bây giờ chính bản thân tôi cũng không biết phim “Sống cùng lịch sử” kém hấp dẫn khán giả ở cái gì? Hay phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được nhiều người quan tâm thế, chúng ta đã bao giờ phân tích nó hay ở cái gì mà thu hút được khán giả hay chưa?
Đồng quan điểm này, các đại biểu dự hội thảo đều cho rằng, nếu không thay đổi điện ảnh Việt hiện vẫn chỉ dừng lại ở việc phân định khái niệm phim nghệ thuật và phim thương mại. Thế nên, khi Cục Điện ảnh cho hay năm 2016 sẽ không còn phim nhà nước đặt hàng, đạo diễn - NSND Đào Bá Sơn đã phân tích rằng: chúng ta đang mất một cái gì đấy và chúng ta cũng đang được một cái gì đấy.
Gần đây “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” một bộ phim của nhà nước đặt hàng tư nhân sản xuất. Việc bộ phim thắng lớn về doanh thu gần 100 tỉ và thắng lớn về nghệ thuật (giải Bông sen vàng LHP VN19) chứng tỏ sự hợp tác thành công giữa nhà nước và tư nhân. Nó trở thành một hiện tượng mà “hộp đen” của nó cần được giải mã cho sự thành công.