Giới lãnh đạo EU phát hoảng vì thỏa thuận di cư sắp đổ vỡ

Khánh Duy 23/04/2016 08:25

Thủ tướng Đức Angela Merkel và giới lãnh đạo hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) đã lên kế hoạch đến đi đến khu vực sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria với hy vọng thúc đẩy thỏa thuận cứu vãn cuộc khủng hoảng di cư đã khiến hàng trăm nghìn người bị mắc kẹt ở châu Âu.

Giới lãnh đạo EU phát hoảng vì thỏa thuận di cư sắp đổ vỡ

Trong khi việc thực thi ngày càng rối rắm,
thỏa thuận ngày càng có khả năng bị đổ vỡ (Nguồn: AP).

Chuyến công du đến thành phố biên giới Gaziantep, dự kiến sẽ gồm cả chuyến thăm đến một trại tị nạn, được tổ chức trong ngày 23/4 giữa bối cảnh thỏa thuận mà EU-Thổ Nhĩ Kỳ ký kết hôm 20-3 vừa qua ngay càng gây nhiều tranh cãi về tính pháp lý, đặc biệt là về tiến trình trục xuất người di cư không hợp lệ từ Hy Lạp trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.

EU đã cam kết chi 6 tỷ Euro hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 4 năm tới để đổi lại việc nước này tạo các cơ hội sinh sống cho khoảng 2,7 triệu người di cư Syria. Nhưng một tháng sau khi thỏa thuận được ký kết, mới chỉ có một số ít chuyên gia của EU đến thực địa trong khi rất nhiều nước thành viên của khối cũng đang muốn từ chối tiếp nhận người nhập cư. Trong khi đó, tranh cãi ngoại giao cũng bắt đầu trỗi dậy khi phía Thổ yêu cầu EU phải miễn thị thực cho công dân nước họ.

Đối mặt với tình trạng này, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã phải lên kế hoạch mở một cuộc họp khẩn tại Ganziantep, gần các thành phố Aleppo và Kobane của Syria - tâm điểm của cuộc nội chiến kéo dài suốt 5 năm qua.

Cơ quan di trú của Liên Hợp Quốc, các tổ chức nhân quyền và giới lập pháp EU ngày càng chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận di cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó gay gắt nhất là về tính hợp pháp của tiến trình trục xuất người di cư từ Hy Lạp trở lại Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia được xem là không an toàn về mặt an ninh.

Hội đồng châu Âu, một cơ quan nhân quyền không trực thuộc EU, mới cách đây 2 ngày đã thông qua một nghị quyết lên án thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ, gọi đây là “vấn đề nhân quyền nghiêm trọng”.

Cách Gaziantep không xa, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ hàng ngày vẫn trục xuất khoảng 100 người di cư Syria trở lại vùng quê hương khói lửa của họ trong suốt 3 tháng vừa qua, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế. Ankara thì khẳng định rằng họ không hề trục xuất người Syria.

Hiện nay chỉ có khoảng 10% người di cư ở Thổ Nhĩ Kỳ được ở trong các trại tị nạn tập trung, trong khi số còn lại phải tự bươn trải trong các thị trấn và thành phố.

Ủy ban châu Âu cho hay số lượng người di cư đến Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm mạnh, từ hơn 50.000 người (tháng Hai) xuống còn 7.000 người trong khoảng 30 ngày qua. Nhưng Hy Lạp, hiện là nhà của khoảng 54.000 người tìm kiếm khả năng nhập cư ở châu Âu, đang phải đối mặt với áp lực lớn chưa từng có khi phải gánh trách nhiệm chuyển người nhập cư từ nước họ sang các nước EU khác.

Kể từ sau thỏa thuận được ký kết hồi tháng trước, 325 người di cư ở Hy Lạp đã bị trục xuất ngược trở lại Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ 2 trong số này là người Syria. Trong khi, theo một kế hoạch khác trong thỏa thuận, đã có 103 người Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ đến châu Âu. Con số này là quá lệch.

Cơ quan quản lý biên giới của EU, Frontex, cách đây một tháng đã phải cam kết sẽ huy động thêm 1.550 nhân lực để thực thi thỏa thuận, nhưng đến nay mới chỉ có 340 quan chức và chuyên gia được cơ quan này triển khai. Cơ quan di trú của EU thì cam kết huy động 900 nhân viên và phiên dịch viên, trong khi đến nay mới chỉ có 130 người được triển khai.

Trong khi đó, các vấn đề về pháp lý cũng chưa được giải quyết. Thổ Nhĩ Kỳ đến nay đã nâng cấp các điều luật bảo vệ nhân quyền đối với những người Syria bị trục xuất khỏi Hy Lạp, nhưng lại chưa có gì đảm bảo cho người di cư đến từ Afghanistan, Iraq và Eritrea - những người cũng bị trục xuất khỏi Hy Lạp.

Các nước EU đến nay đã chi khoản vốn hỗ trợ 2,6 tỷ Euro, và khi đạt mức 3 tỷ Euro, họ sẽ tiếp tục triển khai nguồn vốn 3 tỷ Euro khác trong năm 2018. Nhưng đến nay, khoản chi trong tháng Ba vừa qua chỉ có 40 triệu Euro cho Chương trình Lương thực Thế giới để cung cấp lương thực cho các trại tị nạn, và 37 triệu Euro cho UNICEF để hỗ trợ các trường học cho trẻ em di cư.

Giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã từng lên tiếng cảnh báo rằng toàn bộ thỏa thuận này có thể sẽ đổ vỡ nếu như EU không chính thức thông qua việc miễn thị thực đối với công dân nước họ khi đi du lịch hoặc làm ăn ở châu Âu vào tháng 7 tới.

Khánh Duy