Nữ Tổng thống Brazil, Dilma Rousseff: Đối mặt với hiểm họa
Brazil mùa xuân năm nay đang bị nhấn chìm vào các cuộc biểu tình phản đối, đòi giải tán Chính phủ của nữ Tổng thống Dilma Rousseff vì tội tham nhũng. Nền kinh tế đình trệ. Bộ máy quản lý đất nước bị tê liệt. Chỉ số tín nhiệm của bà Rousseff đã rớt xuống mức 10%. Dự kiến vào trung tuần tháng 4 này sẽ phải diễn ra cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm Tổng thống tại Hạ viện Brazil. Không ngẫu nhiên mà Hãng Bloomberg đã gọi cuộc khủng hoảng hiện nay ở Brazil là nghiêm trọng nhất trong vòng một trăm năm qua.
Tổng thống Brazil, Dilma Rousseff. (Ảnh: Eraldo Peres/AP).
Con đường chông gai
Dilma Rousseff sinh ra trong một gia đình mà người cha xuất thân từ đất nước hoa hồng. Bà Dilma Rousseff trong bản tự thuật xuất bản trước bầu cử đã ghi rằng bà tham gia vào các hoạt động chính trị từ nửa thế kỷ qua. Đó là sự thật.
Thời trẻ, nữ Tổng thống tương lai đã rất say mê những tư tưởng cực tả. Vào giữa những năm 60, khi tại Brazil xuất hiện chế độ độc tài của Nguyên soái Castello Branco, cô gái trẻ Dilma đã gia nhập tổ chức thanh niên của Đảng Xã hội Brazil. Và bầu máu nóng thanh xuân đã đưa Dilma vào nhóm chiến đấu của Đảng này.
Chính quyền độc tài đưa bà Rousseff vào tù năm 1970. Bà đã bị tra tấn liên tục 2 ngày liền nhưng vẫn cương quyết không khai những đồng đội của mình. Nhờ thế, trong suốt 3 năm ở trại giam, uy tín của nữ Tổng thống tương lai đã rất cao trong con mắt của các tù nhân. Không phải ngẫu nhiên mà chính tại đó bà được đặt cho biệt danh Jeanne D’Arc theo tên người nữ anh hùng lừng danh của nước Pháp.
Cũng trong thời gian hoạt động bí mật trong Đảng Xã hội, bà Roussseff đã gặp được người chồng đầu tiên của mình.
Ra tù, bà Rousseff đã rời xuống miền nam Brazil và chờ đợi người chồng thứ hai trở về từ trại giam (ông cũng là một đồng đội trong cuộc chiến tranh du kích trên đường phố chống lại chế độ độc tài). Sau khi tái ngộ, năm 1976, họ đã sinh được một cô con gái.
Mặc dầu bận việc gia đình nhưng bà Rousseff vẫn rất chịu khó trau dồi tri thức. Năm 1977, nữ Tổng thống tương lai đã nhận được bằng đại học về môn kinh tế học. Vừa là thành viên của các tổ chức tả khuynh, bà Rousseff ở cuối những năm 80 vừa đảm nhận chân tài vụ của Tòa thị chính thành phố Porto Alegre, thủ phủ bang Rio Grande do Sul. Cũng tại đó vào đầu những năm 90, bà đã phụ trách Quỹ Kinh tế và Thống kê rồi chuyển sang làm việc ở Bộ Năng lượng của bang.
Nhưng sự kiện mang tính bước ngoặt đối với bà Rousseff lại là việc bà gia nhập Đảng Lao động và làm quen được với thủ lĩnh Đảng này là ông Lula Da Silva, người về sau đã trở thành Tổng thống. Ông Lula xuất thân chỉ là thợ cơ khí, nhưng trong hoạt động chính trị với tư cách một thủ lĩnh công đoàn thượng hạng, đã rất tinh tường phát hiện ra “những người đúng đắn”.
Chính ông đã nhìn thấy trong cô con gái của người cựu đảng viên cộng sản Bulgaria, từng biết mùi lửa nước và ống đồng của các hoạt động chiến đấu bí mật, những phẩm chất quý hiếm mà chính ông cảm thấy đôi khi mình cũng không có đủ. Đó chính là sự hiểu biết mang tính khoa học, tính nguyên tắc vững chắc và khả năng đi tới cùng trong bất cứ việc gì, ngay cả những việc mạo hiểm nhất.
Tổng thống Lula thoạt tiên đã đưa bà Rousseff vào chức Bộ trưởng Bộ Năng lượng năm 2003 và từ năm 2005, bà đảm đương chức lãnh đạo Văn phòng công dân của tổng thống – bệ phóng lý tưởng để vươn lên vị trí nguyên thủ quốc gia.
Cũng cần phải nói rằng, người tiền nhiệm của bà Rousseff ở Văn phòng công dân của Tổng thống, ông Jose Dirceu, đã bị buộc phải từ chức một cách đầy tai tiếng vì tội nhận hối lộ.
Trong vòng một bầu cử diễn ra ngày 3/10/2010, bà Rousseff đã giành được 46,9% số phiếu bầu và lọt được vào vòng hai, đọ sức với ứng cử viên Đảng Dân chủ Xã hội trung hữu Jose Serra. Và bà lại thêm một lần lấy được thế thượng phong với 56% số phiếu bầu và trở thành nữ Tổng thống đầu tiên ở Brazil.
Nhiệm kỳ đầu của bà Rousseff dù vấp phải không ít khó khăn nhưng đã trôi qua với những thành tựu nhất định, đủ giúp bà lại giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử hai vòng diễn ra tháng 10/2014 với ưu thế tối thiểu….
Biểu tình ở Brazil. (Ảnh: Paulo Whitaker / Reuters).
Hành trình bão táp
Những mối đe dọa lớn bắt đầu xuất hiện trước nữ Tổng thống Rousseff từ đầu năm 2014 khi làn sóng biểu tình bắt đầu dâng cao do tình hình kinh tế xã hội trở nên tồi tệ hơn trước. Với bản lĩnh sẵn có, bà đã cố gắng duy trì được quyền lực trong hơn hai năm qua trong bối cảnh các đợt biểu tình vẫn tiếp diễn lúc lên lúc xuống. Những người dân Brazil xuống đường để buộc tội chính phủ do bà Rousseff lãnh đạo đã gây nên suy thoái và làm nền kinh tế suy yếu đi. Họ cũng bày tỏ lo ngại trước việc GDP suy giảm mà Tổng thống vẫn có ý định theo đuổi những dự án thể thao đắt tiền như World Cup 2014 và Thế vận hội 2016…
Rồi tiếp theo đã xuất hiện những lời buộc tội về việc trong giai đoạn bà Rousseff đứng đầu Hội đồng giám đốc Petrobras (từ năm 2003 đến năm 2010), đã có vài tỉ USD được lấy đi một cách bất hợp pháp từ hãng dầu mỏ này.
Quá trình điều tra đã phát hiện ra những người chịu trách nhiệm về việc thực hiện các dự án lớn đã nâng giá vô tội vạ . Số tiền này đã được sử dụng để mua chuộc các chính trị gia và góp vào Quỹ vận động bầu cử của bà Rousseff. Rốt cuộc nhiều doanh nhân lớn và quan chức cao cấp đã phải hàu tòa và bị kết án tới 16 năm tù giam.
Trong giai đoạn đầu đã không có lời buộc tội tham nhũng nào đối với chính bà Tổng thống dù bà đã là người “cầm chịch” ở Petrobras trong giai đoạn đó. Tuy nhiên, tới tháng 3 năm nay, tình hình đã thay đổi khi đối tượng bị điều tra là chính người tiền nhiệm của bà, cựu Tổng thống Lula Da Silva. Ông này bị nghi ngờ về tội rửa tiền và nhận hối lộ là một căn hộ lớn tại thành phố nghỉ mát Guaruja, bang Sao Paolo.
Khi Viện kiểm sát phát lệnh bắt cựu Tổng thống, bà Rousseff đã ra tay cứu ân nhân. Ngày 16/3, bà đã thông báo rằng quyết định đưa ông Lula làm Chánh văn phòng Nội các. Vị trí này thực chất là ghế thủ tướng dù ở Brazil không quy định duy trì một chức vụ như vậy.
Theo luật pháp Brazil, một quan chức cao cấp chỉ có thể bị xét xử bởi Tòa án Tối cao mà 7 trong số 10 thành viên ở đó đã được đưa lên bởi bà Rousseff hoặc chính ông Lula. Tuy nhiên, ngay cả khi chỉ có ba người trong tập thể này nghĩ khác là họ cũng có thể gây ra những rắc rối không nhỏ cho cả cựu Tổng thống lẫn đương kim Tổng thống.
Sau khi thông tin về việc bổ nhiệm ông Lula được lan truyền, quan tòa Serjiu Mauru phụ trách vụ việc này đã công bố 34 băng ghi âm các cuộc trò chuyện điện thoại của Tổng thống với các bộ trưởng và cựu Tổng thống Lula mà cảnh sát đã ghi lại. Trong một băng ghi âm có lời của bà Rousseff nói với ông Lula rằng bà sẽ gửi cho ông công văn để ông phải sử dụng “khi cần thiết”. Sau sự việc này, một thành viên của Tòa án Tối cao Brazil đã ra lệnh phong tỏa Lễ nhậm chức vụ mới của ông Lula.
Cuộc đối đầu giữa tư pháp và hành pháp ở Brazil đang ngày một trở nên quyết liệt. Nữ Tổng thống tuyên bố rằng những băng ghi âm các cuộc điện thoại của bà là bất hợp pháp và “không góp phần củng cố nền dân chủ”. Vị công tố viên đứng đầu cuộc điều tra đã trả lời rằng, “không ai đe dọa nổi các công tố viên và quan tòa ở Brazil” và vì thế, họ sẽ “tiếp tục tuân thủ Hiến pháp và pháp luật”…
Ngay lập tức tại nhiều thành phố ở Brazil đã diễn ra các cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng nghìn công dân nổi giận thuộc tầng lớp trung lưu. Bà Rousseff gọi những gì đang diễn ra là âm mưu đảo chính và tuyên bố sẽ không từ chức. Theo chỉ đạo của chính quyền, các thành viên công đoàn và những người nghèo được hưởng thành quả của các cải cách kinh tế cũng đã xuống đường để bày tỏ sự ủng hộ đối với bà Tổng thống.
Trong trường hợp nếu bà Roussseff vượt qua được mối nguy hiểm hiện nay dù đang bị mất uy tín trầm trọng, thì có thể trên chính trường Brazil sẽ xuất hiện một tiếp diễn bất ngờ.
Không loại trừ rằng ông Lula Da Silva sẽ lại trở thành nguyên thủ quốc gia - năm 2010, khi ông này rời khỏi ghế tổng thống, chỉ số tín nhiệm của ông đã ở mức 83%! Trong thời gian ông Lula cầm quyền đã có tới 30 triệu người dân Brazil vượt qua khỏi mức sống nghèo khổ và quốc gia với tỉ lệ tăng trưởng GDP 7% đã trở thành thủ lĩnh ở châu Mỹ la tinh.
Bản thân ông Lula hiện vẫn đang rất lạc quan: trong cuộc thẩm vấn ở cơ quan cảnh sát đầu tháng 3 vừa qua, ông đã tiết lộ rằng đang dự định ứng cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2018! Bất chấp vụ tai tiếng tham nhũng nhưng ý tưởng này đối với nhiều người Brazil không phải là điều quá khó tưởng tượng.
Theo kết quả một cuộc điều tra dư luận mới được tiến hành, 35% số người Brazil đã đánh giá ông Lula Da Silva là vị Tổng thống thành công nhất trong lịch sử đất nước thời hiện đại.