Ninh Bình dốc sức xây dựng nông thôn mới
Ngày 22/4, đoàn công tác Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình về việc giám sát kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cùng dự.
Trước buổi làm việc chính thức, sáng ngày 22/4, đoàn công tác đi khảo sát tại hai xã Khánh Thiện và Khánh Thành, huyện Yên Khánh về công tác XDNTM cho thấy đây là 2 trong 3 xã đã về đích nông thôn mới sớm nhất tỉnh vào năm 2013. Bộ mặt nông thôn mới (NTM) tại hai địa phương này đã và đang đổi thay từng ngày, đời sống người dân được nâng lên, cơ cấu nông nghiệp đang dần được chuyển dịch sang canh tác những loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao.
Ông Đinh Chung Phụng – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh: Ninh Bình là một trong 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về XDNTM, nhiều tỉnh đã về đây học tập mô hình. Ninh Bình cũng là một trong 11 tỉnh được đánh giá cao về kết quả đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng, phát huy tác dụng của các công trình giao thông nông thôn…
Toàn tỉnh có 119 xã thực hiện XDNTM, đến hết năm 2015 có 40 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 60% số xã so với kế hoạch đề ra. 21 xã đạt chuẩn từ 15-18 tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2016. Trong 5 năm, tổng nguồn vốn huy động cho XDNTM ở Ninh Bình đạt 17.095 tỷ đồng...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá: Chính quyền các cấp tỉnh Ninh Bình và người dân tìm được tiếng nói đồng thuận cao, bà con ủng hộ, tham gia xây dựng, phát triển, góp phần đưa số lượng xã đạt chuẩn NTM vượt lên so với kế hoạch. Song, sự chênh lệch về tiêu chí giữa xã đạt chuẩn NTM và xã đang phấn đấu đang ở mức rất cao. Vì vậy, đối với những khó như tiêu chí về nhà ở, cần phải huy động tổng lực. Ngoài ngân sách, sức dân, chúng ta cần phát huy tối đa vai trò của MTTQ trong việc huy động nguồn vốn để xoá nhà cửa dột nát cho người dân. Cần tranh thủ sự kết nối của MTTQ đối với các doanh nghiệp, tổ chức để thực hiện công tác an sinh xã hội. Mục đích là phải làm sao để đời sống của nhân dân được nâng cao, chính quyền cảm thấy thoả mãn với cách điều hành, quan tâm của mình đối với nhân dân. “Vấn đề gốc rễ căn bản nhất phải xây dựng từng xóm đạt tiêu chuẩn NTM. Cuộc sống, sản xuất, vấn đề an ninh trật tự ở từng thôn xóm cần được đảm bảo sẽ góp sức quan trọng giúp xã đạt chuẩn NTM”- bà Ánh nói.