Xót xa một vùng khoáng sản

Phương Nguyên – Thảo Lê 23/04/2016 09:10

Từ nhiều tháng nay, tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực suối Pa Ka, thuộc xã A Vao, huyện Đakrông, Quảng Trị trở nên nhộn nhịp. Nhiều lán trại, máy móc, thiết bị phục vụ công việc khai thác vàng được các đối tượng “vàng tặc” dựng lên xới tung vùng núi rừng thượng nguồn dòng suối Pa Ka.

Xót xa một vùng khoáng sản

Đá được nghiền, sau đó họ dùng xyanua để xử lý lấy vàng.

“Chiến địa” nơi thượng nguồn

Tìm về A Vao, ngược suối Pa Ka với những cung đường khó mường tượng, chúng tôi tìm đến “điểm nóng” đóng quân của “vàng tặc” là vùng thượng nguồn. Đường vào các bãi khai thác vàng trái phép ở Pa Ka chỉ có một lối duy nhất bám theo suối Pa Ka, từ thôn Tân Đi 3 đi bộ ngược lên.

Dọc theo suối, đã thấy nguồn nước địa điểm trên có dấu hiệu lờ lờ đục, càng đi ngược lên thì nguồn nước càng vàng, càng đục hơn. Sau chừng gần một tiếng đồng hồ bám suối, qua 3 quả đồi dốc dựng đứng, chúng tôi đã tiếp cận được lán trại của “vàng tặc” đang khai thác.

Theo ghi tại khu vực rìa suối Pa Ka, cạnh chân các quả núi, đồi quanh khu vực này có 4 lán trại được dựng lên làm chỗ ăn nghỉ, sinh hoạt của các đối tượng “vàng tặc”. Cùng với đó là rất nhiều miệng hầm được khoét sâu hun hút vào thân núi, dài tới vài chục mét.

Một “vàng tặc” là người ở xã A Vao, năm nay chỉ mới 16 tuổi, mới vào làm vàng trái phép ở đây cho hay, vàng tặc ở đây làm việc không ngừng nghỉ suốt ngày đêm. Đa phần là người địa phương quanh đây vào bãi làm những công việc như chẻ củi, nấu cơm, vào hầm khai thác, đào đãi…

Quanh khu vực các bãi, lán trại này có chừng 30 chục “vàng tặc” đang làm việc. Các thiết bị máy móc, vật tư lắp đặt rất hoành tráng phục vụ cho việc nổ mìn, xay đá, lọc vàng… cũng đủ thấy quy mô khai thác rất lớn và rầm rộ.

Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi về ai là chủ quản lý khai thác ở các bãi vàng tại đây thì các “vàng tặc” đều nói họ chỉ mới vào làm thuê và chỉ làm theo kiểu tự phát theo nhóm, chứ không có ai đứng đầu. Nhưng, trái với những trả lời trên, dư luận địa phương này cho hay, muốn làm vàng trái phép ở Pa Ka những ông chủ của các bãi này đều phải thông qua những người có “số má” trong vùng với tỷ lệ ăn chia đã được thỏa thuận trước thì mới được làm.

Theo tìm hiểu, để lấy được vàng, “vàng tặc” đã thực hiện các công đoạn như nổ mìn, khoét núi, vận chuyển đá từ hầm, trong lòng núi ra bên ngoài, rồi nghiền mịn đá, đưa lên máng lọc bằng hóa chất, thủy ngân…để lấy vàng. Trước tình trạng khai thác vàng trái phép ngang nhiên diễn ra tại Pa Ka, xã A Vao nhiều tháng nay mà không hề bị ngăn chặn, xử lý thì dư luận địa phương không khỏi bất bình và đặt dấu hỏi về vai trò, trách nhiệm của các ngành chức năng địa phương nơi đây.

Cần nhanh chóng vào cuộc

Với những máy móc, thiết bị, hóa chất được đưa ồ ạt vào các bãi vàng phân tán dọc thượng nguồn suối Pa Ka đã biến khu vực này ngày càng trở nên ngổn ngang, tiêu điều. Lòng suối bị đào xới dọc ngang, nhấp nhô với nào là đất đá, chất thải khiến nguồn nước ở đây đục ngầu, vàng quạch, ô nhiễm nặng ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Dân “vàng tặc” cho biết phải sử dụng những hóa chất độc hại thì mới lấy được vàng. Thế nên da dẻ của “vàng tặc” lúc nào cũng lở loét, ngứa ngáy.

Không những vậy, những cánh rừng, quả đồi, dãy núi yên bình, nguyên sơ của Pa Ka, A Vao ngày nào giờ đang bị cày xới bởi những hầm, tiếng máy móc ầm ầm, do “vàng tặc” gây nên. Nhiều lối mòn vào bãi vàng đã được hình thành, cùng với đó là nhiều cây rừng đã phải đổ xuống để có đường cho “vàng tặc” vào bãi vàng khai thác, khiến nguồn tài nguyên khoáng sản ngày càng bị thất thoát và còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường tự nhiên … Tất cả những hệ lụy trên đều có nguyên nhân từ “vàng tặc” mà ra.

Tình trạng “vàng tặc” ngang nhiên khai thác trái phép vàng tại suối Pa Ka trong thời gian gần đây cũng đã được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nắm bắt. Tuy nhiên, thực tế xử lý lại không quyết liệt nên tình trạng khai thác vàng trái phép tại Pa Ka, A Vao vẫn diễn ra ngày một quy mô hơn. Thực tế này đã đem lại bất an, hoang mang, bức xúc bởi những hệ lụy mà nó để lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống môi trường sống người dân nơi đây.

Trao đổi vấn đề khai thác vàng trái phép gây ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống người dân với Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng cho biết, do mảng này mới phụ trách nên chưa nắm được cụ thể. Tuy nhiên, ông Đồng cũng đề nghị các cơ quan truyền thông nên phản ánh đúng thực tế để làm cơ sở thành lập đoàn liên ngành xử lý.

Rõ ràng, để xử lý triệt để tình trạng “vàng tặc” ở Pa Ka, A Vao hiện nay rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng địa phương nhằm đảm bảo tài nguyên đất nước không bị thất thoát và cuộc sống của người dân không bị ảnh hưởng, môi trường sinh thái rừng không bị tàn phá.

Phương Nguyên – Thảo Lê