Cứu biển!

Dương Thanh Tùng 23/04/2016 14:10

Cuộc sống ngư dân gắn với biển. Không  ai nghĩ một ngày, có ngư dân đứng bên bờ phá Tam Giang của Thừa Thiên – Huế, thốt lên rằng “Mạ ơi biển chết!”. Trước mặt ngư dân là lớp lớp thuyền bè chông chênh, dập dềnh theo sóng. 10 ngày nay  mọi làng chài bên bờ phá Tam Giang im ắng. Không ai đi biển, không ai giăng lưới và cũng không ai dám mua cá ở chợ về ăn. Cá chết theo sóng ùa vào bờ bãi, xếp lớp trắng phau. Nhặt không xuể, ngư dân chài lưới đành cam chịu để những cơn gió từ ngoài khơi đ

Cứu biển!

Cơ quan chức năng lấy mẫu cá chết ở bờ biển Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh,
Quảng Trị để xét nghiệm, tìm nguyên nhân. (Ảnh: Thanh Tùng).

Ngày 22/4, tại TP Huế đã diễn ra cuộc họp giữa Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) với Sở NN&PTNT Thừa Thiên – Huế. Tại buổi làm việc đại diện Đoàn công tác thông báo, đã lấy mẫu cá chết, mẫu nước biển ở Quảng Bình và trong ngày 22/4 sẽ lấy mẫu cá chết, mẫu nước biển ở Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh để phục vụ công tác xét nghiệm. Đại diện Đoàn công tác cũng cho biết, chưa thể đưa ra ý kiến chính thức về hiện tượng cá chết hàng loạt một cách đầy bất thường trên vùng biển các địa phương Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế những ngày qua. Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Thừa Thiên – Huế cá nuôi và cá tự nhiên ở các địa phương của tỉnh này chết hàng loạt kể từ ngày 15/4. Cá chết nhiều nhất là ở xã Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô của huyện Phú Lộc vào các ngày từ 15 đến 18/4. Cả cá nuôi và cá sống tự nhiên trên biển cũng chết rất nhanh và không rõ nguyên nhân.

Cá biển chết dạt vào bờ biển Quảng Trị, từ xã Vĩnh Thái đến thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh trên chiều dài gần 20km. Chỉ trong ngày 19-4, người dân sống dọc bờ biển vớt được khoảng 10 tấn cá (chủ yếu là các loại có giá trị xuất khẩu cao như cá hồng, cá mú, cá bớp, cá vược, cá chình, cá hanh).

Giám đốc một doanh nghiệp thủy – hải sản ở thị trấn Cửa Tùng, cho biết, chỉ trong buổi trưa ngày19-4, doanh nghiệp của ông đã thu mua hơn 2 tấn cá các loại để chế biến thức ăn gia súc nhưng sau đó thì không dám mua nữa vì không rõ cá chết vì lý do gì. Doanh nghiệp, thương lái ở Cửa Tùng chẳng những từ chối mua cá chết mà còn từ chối mua cả những con cá tươi có giá trị cao như cá mú, cá hồng do ngư dân vừa đánh bắt. Theo lời các ngư dân thì các loại cá mú, cá hồng, mỗi chuyến biển may mắn cũng chỉ kiếm được vài con nhưng nay thì trôi dạt nhan nhản vào bờ. Những ngư dân chài lưới nhìn nước biển trong xanh, bần thần không hiểu vì sao cá chết!

Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị cũng khuyến cáo người dân không thu mua, chế biến thực phẩm từ cá chết , khi chưa biết rõ nguyên nhân. Đầu tháng 4, khi cá biển chết bắt đầu trôi dạt vào bờ, người dân còn vớt về cho gia súc ăn nhưng đến nay thì không ai còn dám vớt nữa vì sợ cá chết do trúng độc. Thông tin cá trúng độc chết lan truyền không chỉ khiến các nậu cá lâm vào cảnh thất nghiệp mà tất cả những gánh cá của tiểu thương ở các chợ nhỏ ven biển Vĩnh Tú, Vĩnh Thái, Trung Giang, Cửa Tùng…đều ế ẩm. Các lão ngư ở xã Gio Mai, huyện Gio Linh nói rằng lần đầu tiên trong cuộc đời họ chứng kiến cảnh cá chết trôi dạt vào bờ khủng khiếp như những ngày qua. Những người cả đời làm nghề chài lưới ở Cửa Tùng của Quảng Trị cũng nhấp nhổm không yên khi chứng kiến cá chết trôi dạt vào bờ là những loại cá to hoặc là các loại chuyên sống dưới tầng nước sâu, nặng từ vài kg đến vài chục kg.

Cá chết làm cho các chợ cá ven biển Thừa Thiên – Huế thêm hiu hắt. Chợ cá Lộc Vĩnh huyện Phú Lộc có trên 50 tiểu thương buôn bán cá nhưng những ngày qua chỉ còn vài người ngồi quạt ruồi cho cá. Con cá mú giá vài trăm ngàn đồng giờ giảm giá xuống còn 1/3 cũng không có người mua, là thực trạng ở nhiều chợ cá ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế từ đầu tháng 4 đến nay. Dù chưa xảy ra hiện tượng cá chết nổi trắng bờ nhưng tại các chợ ven biển Đà Nẵng như Xuân Hà, Thuận Phước, Thọ Quang, Mân Thái, Bắc Mỹ An… sức mua cá cũng giảm. Thông tin cá chết hàng loạt, trôi dạt vào bờ biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người tiêu dùng TP biển Đà Nẵng.

Cá không bán được, ngư dân đành ngồi nhà, không cho tàu thuyền ra khơi . Cả người bán cá lẫn người đi đánh bắt cá đều nóng lòng đợi kết luận từ cơ quan chức năng nhưng cho đến nay, vẫn chưa có kết luận chính thức nào được đưa ra - ngoài giả thiết của giới khoa học. Nào là có thể do rò rỉ chất ô nhiễm, cạn kiệt ô xi do phân hủy chất hữu cơ nơi tầng nước sâu, dịch bệnh do vi trùng, vi rút, ký sinh trùng đến thay đổi nhiệt độ đột ngột, bùng phát tảo độc... Tình trạng cá biển chết hàng loạt đầy bất thường ở các địa phương từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế cao điểm trong các ngày từ 14 đến 18/4, còn được một số chuyên gia nhận định có thể do nước thải từ bờ phân hủy mạnh làm cạn kiệt ôxy trong các tầng nước dưới mặt. Có chuyên gia cho rằng cá chết bất thường là do chất thải từ bờ làm môi trường biển biến động đột ngột thậm chí có nhiều người còn nghi ngờ được thải ra từ một khu công nghiệp lớn ven biển miền Trung. Độc tố từ nước thải công nghiệp phát tán theo dòng hải lưu, lan rộng đến vùng biển của nhiều địa phương lân cận dẫn đến tình trạng cá chết bất thường.

Chưa có kết luận chính thức nào của các cơ quan chức năng được đưa ra, khiến cho tình trạng cá chết hàng loạt càng có thêm nhiều đốn đoán. Người đi biển lo lắng, người nuôi trồng hải sản ven biển Miền Trung hoang mang, nỗi lo biển chết hiển hiện không chỉ ở người gắn cuộc đời với biển mà cả những tiểu thương, hộ kinh doanh hải sản, những người tiêu dùng. Khẩn trương tìm ra nguyên nhân, bảo vệ môi trường biển, cứu biển giờ là mệnh lệnh cấp bách.

Dương Thanh Tùng