Những 'lá chắn sống' cho IS

Khánh Duy 23/04/2016 20:27

Khi các tay súng của tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tràn vào ngôi làng của Abu Israa, ông đã không thể chạy trốn. Người mẹ già của ông đến đi lại còn khó khăn, và bởi vậy khi IS ra lệnh cho họ ở lại, họ buộc phải làm vậy. Số phận của những người ở lại như Abu là một thảm kịch: Trở thành lá chắn sống.

Những vụ hành quyết chốn đông người luôn ám ảnh những thường dân như Abu (Nguồn: AP).

Ban đầu, các chiến binh của IS hứa hẹn rằng chúng sẽ không làm gì tổn hại đến cuộc sống của người dân nơi đây. Nhưng ngay sau đó cuộc sống ở ngôi làng thuộc tỉnh Nineveh, Syria này đã trở thành địa ngục trần gian, với các đòn phạt dã man cùng các khoản phạt tiền nặng cho mỗi lỗi nhỏ của họ. Người dân lúc nào cũng sống trong nỗi sợ hãi rằng ngày nào đó họ sẽ bị treo cổ trước chốn đông người.

Abu Israa nói rằng những kẻ phiến quân thậm chí còn sử dụng ông và nhiều dân làng khác như lá chắn sống cho chúng, và sẽ không bao giờ cho phép họ rời khỏi đó. Khi nói chuyện với hãng tin CNN, Abu (tên giả) đã phải yêu cầu được giấu danh tính với lý do rằng, trong khi anh đang sống an toàn ở đây, thì thân nhân trong gia đình vẫn còn đang trong tay IS.

“Tôi không muốn mất đi nhiều hơn những gì mà tôi đang có” – Abu nói.

Nỗi sợ bị hành quyết

Dưới sự kiểm soát của IS, những người đàn ông trong làng bị buộc phải nuôi râu dài trong khi cắt ngắn gấu quần. Abu kể lại rằng, ông đã từng hai lần bị phạt 40 USD chỉ vì râu của ông không dài được như đúng mức mà bọn chúng quy định.

IS còn ra lệnh cho những phụ nữ trong làng mặc toàn bộ bộ Niqab màu đen – mạng che mặt của phụ nữ Trung Đông. Abu cho hay, cô con gái 12 tuổi của ông có lần suýt bị chúng đem ra đánh đòn roi vì đi vào phòng tắm ngoài trời ở ngay ngoài sân nhà họ. Điều này là bởi các thành viên của IS đã phát hiện ra cô bé không mang mạng che mặt và thân thể.

Abu Israa trước đây từng có một công việc ổn định hỗ trợ cho một bác sỹ chuyên ngành tai, mũi, họng ở thành phố Mosul, và hàng ngày phải đi đi lại lại trên quãng đường dài 45 km. Khi IS chiếm bệnh viện này, ông đã cố gắng bỏ việc bởi không thể lo nổi chi phí đi lại. Abu nói rằng IS không trả lương đều đặn cho ông, thay vào đó chia trác cho ông tiền thu được từ mỗi ca phẫu thuật mà ông tham gia.

“Tôi đã nói với chúng rằng tôi không có tiền để có thể đến đây làm việc được” – Abu kể - “Và chúng trả lời rằng, đó là việc của ông, làm việc cho Allah thì như thế là đủ rồi. Chúng biến mọi thứ thành tôn giáo, nhưng đó rõ ràng không phải đạo Hồi”.

Đáng sợ nhất, IS sau đó còn dọa sẽ chặt đầu Abu.

“Ta sẽ chặt đầu ngươi và treo nó lên cổng bệnh viện để ai đến cũng có thể hỏi rằng tại sao kẻ này lại bị giết” – Abu kể lại lời đe dọa của một tay súng IS với ông – “Và chúng sẽ biết rằng, đó là do kẻ này đã từ chối làm việc với chúng ta, và đó là kẻ vô đạo”.

Trong khi lời đe dọa đó không trở thành hiện thực với Abu, thì một số người khác lại không được may mắn như ông. Abu nói rằng ở Mosul, ông đã bị buộc phải chứng kiến IS hành quyết nhiều người.

Lá chắn sống

“Điều tồi tệ nhất mà tôi phải chứng kiến là một vụ hành quyết. Chúng dồn chúng tôi vào một góc phố và buộc chúng tôi phải chứng kiến” – Abu kể lại – “Chúng sát hại người ta như gia súc. Bất cứ ai dám cãi lại chúng thì đây chính là kết thúc của họ”.

Vào một ngày khác, trong lúc Abu đang trên đường đến siêu thị để mua đồ thì bắt gặp một vài thi thể bị treo trên cột điện. Người ta kể với ông rằng, IS làm vậy để dằn mặt những ai muốn trốn thoát, như những nạn nhân khốn khổ đang bị treo kia.

“Chúng tôi đã học được rằng bất cứ điều tồi tệ gì cũng có thể xảy ra. Nhưng có một điều vẫn khiến tôi ngạc nhiên” - Abu kể lại - “Đó là khi chúng bỏ mặc lũ trẻ trên đường phố tại các điểm chốt, buộc lũ trẻ phải canh gác”.

Abu chỉ vào bức ảnh chụp một cậu bé cỡ khoảng 10 tuổi và nói: “Bằng tầm tuổi cậu bé này là đã bị IS ép phải ra đường để trở thành mục tiêu cho các cuộc không kích. Nhưng lũ trẻ cũng bị tẩy não, chúng có thể báo cáo những việc làm sai quy định của IS trên phố và khiến bạn bị phạt nặng”.

Đứa con trai 6 tuổi của Abu từng bị IS đem ra làm lá chắn sống (Nguồn: CNN).

Niềm vui muộn màng

Phải sống trong tình cảnh như vậy, Abu lúc nào cũng giữ kín tiếng, luôn tuân thủ các quy định mà IS đề ra và tối nào cũng cầu nguyện cho mọi chuyện sớm qua đi. Cuối cùng, sau hai năm chờ đợi, dường như cái kết của cuộc sống địa ngục này cũng đến gần, khi quân đội Iraq mở cuộc tấn công nhằm vào IS tại ngôi làng của ông.

Cuộc chiến ác liệt kéo dài trong nhiều ngày liền. Gia đình của Abu đóng kín cửa và không dám ra ngoài, cố gắng tránh xa cửa sổ và sống sót bằng chút bánh mì và trà còn lại. Đến khi cuộc chiến sắp kết thúc, cô con gái nhỏ nhất của Abu vô tình chạy tới cửa sổ và vén màn lên.

“Em trai tôi đã lao tới để kéo nó lại. Và rồi nó hét lên: Em bị bắn rồi, cứu với!” – Abu kể lại – “Nó cứ kêu gào rằng chưa muốn chết”.

Abu vác người em trai chạy về phía quân đội chính phủ, vợ ông la to rằng họ là thường dân. Lúc đó Abu để râu rất dài, trông chả khác gì một tay súng IS thực sự nên đã bị phía quân đội bắt giữ.

Những người anh hùng cứu rỗi những người dân khỏi địa ngục trần gian đã tới, nhưng đối với một số người như em trai của Abu thì đã quá muộn. Anh ta đã chết ngay trên tay người anh trai của mình.

Khánh Duy