Ám ảnh đại dịch ung thư
Trước kia người ta chỉ coi HIV/AIDS là căn bệnh thế kỷ không có kháng sinh phòng ngừa và thuốc điều trị thì đến nay ung thư đang khiến người ta lo ngại hơn nhiều. Chưa bao giờ Việt Nam lại có nhiều bệnh nhân ung thư như hiện nay. Đó là nhận xét của giới chuyên môn thông qua nhiều cuộc điều tra, khảo sát thực tiễn va cũng là lo lắng của hầu hết người dân hiện nay.
Nguồn: Bệnh viện K Trung ương, TTXVN.
Mỗi năm Việt Nam có thêm 150.000 người mắc bệnh ung thư
Ung thư – căn bệnh nguy hiểm có thể đến với bất cứ ai. Nhiều hoàn cảnh đáng thương của những em bé mắc ung thư đã được báo chí đăng tải và kêu gọi sự hỗ trợ của các tấm lòng hảo tâm như bé Trương Ái Xuân (8 tuổi, ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, Cần Thơ). Xuân 8 tuổi, nhưng chỉ nặng chừng 15kg, bụng phình to, còn bàn tay lại nhỏ xíu yếu ớt.
Trong căn phòng chật kín bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, cháu Trương Ái Xuân, vật vã vì những cơn đau do căn bệnh ung thư hành hạ, cả tháng nay cháu chỉ có thể ngủ ngồi, miệng liên tục kêu đau đớn.
Bà ngoại cháu là Nguyễn Thị Thọ (61 tuổi), gạt nước mắt tâm sự: Nghe tiếng khóc xé lòng của cháu khi trải qua những đau đớn tột cùng trong quá trình điều trị truyền hóa chất, lòng tôi đau như cắt. Cách nay hơn 5 năm bé Xuân liên tục bị sốt cao, nôn ói,…nhưng do nhà nghèo nên bà chỉ mua thuốc thông thường về cho cháu uống, bệnh tình cháu không giảm mà ngày càng nặng hơn, sau đó cháu đến bệnh viện thì phát hiện bị ung thư hạch bạch huyết. Từ đầu năm 2015 đến nay cháu đã 18 lần nhập viện và lần này bé Xuân rất yếu do bệnh ung thư hạch giai đoạn 4, di căn gan, phổi.
Trong khoa phẫu thuật Nhi- Bệnh viện Việt Đức, anh Lý nén kể: Con trai là Nguyễn Công Luân, 10 tuổi bị phát hiện khối u ở bụng từ năm ngoái và được chuyển lên khoa Nhi của bệnh viện Việt Đức. Tại đây các bác sĩ có chỉ định cháu sang viện K để xạ trị cho khối u nhỏ hơn rồi mới quay lại đây để phẫu thuật.
Là người điều trị trực tiếp cho Luân, bác sĩ Hồng Quý Quân – Phó trưởng khoa phẫu thuật Nhi cho biết, bé đã được phát hiện có khối u ở bụng cách đây nửa năm. Sau 6 lần điều trị hóa chất, đợt này bé quay lại bệnh viện Việt Đức phẫu thuật”. Nằm trên giường bệnh, Luân gần như mê mệt. Mỗi lần tỉnh lại sau những cơn đau vật vã cậu bé lại hỏi: “Con có chết thật không bố?” khiến người bố nghèo lại nghẹn đắng trong cổ họng.
Những năm gần đây trường hợp một gia đình có đến 3-4 người chết vì ung thư không còn là chuyện hiếm. Nhiều thôn, xóm có tỷ lệ mắc và tử vong cao gấp nhiều lần so với mức trung bình cả nước. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước có ít nhất 37 “làng ung thư” có nguồn nước sinh hoạt và ăn uống bị ô nhiễm nặng. Trong vòng từ 5 năm đến 20 năm trở lại đây tại các xã của 37 “làng ung thư” này có tới hơn 1.100 người chết vì các bệnh ung thư và 380 người ở các xã lân cận cũng tử vong với cùng nguyên nhân.
Hiện nay ở Việt Nam, 10 bệnh ung thư phổ biến ở nam giới là phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng, thực quản, vòm, hạch, máu, tuyến tiền liệt và ung thư bàng quang. 10 bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới là ung thư vú, đại trực tràng, phổi, cổ tử cung, dạ dày, tuyến giáp, gan, buồng trứng, hạch và ung thư máu.
Viện nghiên cứu phòng chống ung thư quốc gia cũng vừa công bố một thông tin khiến nhiều người băn khoăn, đó là tỷ lệ nam giới tử vong do ung thư ở Việt Nam đứng hàng đầu thế giới. Phó Giáo sư Trần Văn Thuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư quốc gia cho biết, tỷ lệ nam giới tử vong do ung thư ở Việt Nam nằm trong nhóm nước dẫn đầu thế giới, với hơn 142 trường hợp tử vong trong số 100.000 người. Trong khi đó, tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư ở nữ giới Việt Nam đứng thứ 4 trong số 5 mức xếp hạng trên toàn cầu.
Nguyên nhân và hệ lụy?
Tại hội thảo “Tiếp cận điều trị ung thư hiệu quả và đáp ứng khả năng chi trả” do Bộ Y tế tổ chức trung tuần tháng 4 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết theo tính toán của Bộ Y tế, tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư (ung thư vú, cổ tử cung, gan, đại trực tràng, dạ dày, khoang miệng) ước tính chiếm 0,22% tổng GDP của Việt Nam năm 2012...
Đánh giá ảnh hưởng của bệnh ung thư lên tình hình kinh tế và tài chính trong 12 tháng của hộ gia đình bệnh nhân ung thư tại Việt Nam cho thấy có 24% bệnh nhân tử vong, 31% bệnh nhân còn sống nhưng gặp khó khăn về kinh tế, tài chính; 45% bệnh nhân còn sống không có khó khăn về tài chính, kinh tế. Theo anh Lý – Bố cháu Nguyễn Công Luân, năm trước tất cả chi phí hết khoảng gần 90 triệu đồng, còn năm nay chắc phải cao hơn. Toàn bộ tiền đi vay họ hàng, anh em.
Theo Giáo sư Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương - Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, trước đây chỉ nghe loáng thoáng đây đó có bệnh nhân ung thư đã cảm thấy hoang mang, còn nay gần như nhà nào cũng có người có nguy cơ mắc ung thư. Từ nay đến 2020 tỷ lệ ung thư còn tăng cao hơn vì chúng ta chưa kiểm soát được các yếu tố nguy cơ.
Các nguy cơ mắc bệnh ung thư, theo GS Đức liên quan đến các chất độc hại còn tồn dư trong quá trình nuôi, trồng. Các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc để bảo quản hoa quả, rau quả được lâu, thuốc tạo nạc, các chất hóa học cho thêm vào trong quá trình chế biến thực phẩm, từ rau quả, thực phẩm, thịt đến sữa, đồ dùng, đồ chơi... GS.TS Nguyễn Bá Đức cũng khẳng định, nguyên nhân từ thực phẩm bẩn đứng hàng đầu bởi những thực phẩm này có chứa các chất độc hại gây ra sự đột biến tế bào ở cơ thể con người.
Cùng với ô nhiễm môi trường, thuốc lá cũng là một trong những nguy cơ gây ung thư. Trong khói thuốc chứa hàng nghìn loại hóa chất, trong đó có gần 70 chất gây ung thư, đáng kể nhất là ung thư phổi và ung thư vòm họng…Trong khi đó, một nửa số nam giới ở nước ta nghiện thuốc lá, thuốc lào, chưa kể 1,4% nữ giới cũng hút thuốc và gần 40.000 người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc.
Thực tế cho thấy bệnh ung thư đã và đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Nếu như năm 2008, cả nước chỉ có 26 cơ sở điều trị ung thư đến nay, con số đó đã tăng lên gần gấp đôi, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu điều trị. Theo TS. BS Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, trong những năm gần đây, lượng bệnh nhân mắc ung thư điều trị tăng từ 30 - 40%.
Theo thống kê, trên toàn cầu có khoảng 14,1 triệu ca ung thư mới mắc hàng năm và có khoảng 8,2 triệu người tử vong mỗi năm vì căn bệnh này. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, hiện nay, số người chết vì ung thư tại Việt Nam chiếm đến 73,5% tổng số người bệnh, và có tới 80% bệnh nhân đến điều trị ung thư trong giai đoạn muộn.Ước tính vào năm 2020, số mắc ung thư ở Việt Nam sẽ gần 200.000 ca.