Hợp tác sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong
Trong 2 ngày 22 và 23/4, tại Cần Thơ, Quỹ Hòa Bình và Phát triển TP HCM phối hợp với trừơng Đại học Cần Thơ và Trung tâm Nghiên cứu xã hội và giáo dục Trí Việt tổ chức hội thảo tham vấn “Sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong” với sự tham dự của nhiều chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Quang cảnh hội thảo.
Sông Mekong có chiều dài đứng thứ 12 trên thế giới và đứng thứ 7 trong khu vực châu Á. Lưu lượng nước hàng năm khoảng 457 km2. Nguồn nước này đóng vai trò quan trọng đối với tất cả các nước gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, sản xuất năng lượng, du lịch và cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người dân.
Tuy nhiên, do theo đuổi những mục đích riêng, trong đó có việc xây dựng đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong, phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản,… nên giữa các nước đã và đang tiếp diễn nhiều mâu thuẫn trong khai thác dòng Mekong.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày các báo cáo, các công trình nghiên cứu liên quan về việc sử dụng nguồn nước sông Mekong với các chủ đề như: “Đập thủy điện trên sông Mekong: các vấn đề mâu thuẫn và lợi ích”, “Môi trường và biến đổi khí hậu tại lưu vực sông Mekong”, “Tác động và hậu quả lên sinh kế của các cộng đồng ven sông và các quốc gia liên quan”, “Động lực và phương thức để các cộng đồng và các quốc gia ven sông Mekong phối hợp chung sức”...
Các đại biểu tham gia thảo luận đa chiều ở nhiều góc độ khác nhau kết hợp với góc nhìn quốc gia và tầm nhìn trong khu vực, nêu lên những nhận thức của các bên liên quan về tính thiết yếu của sự hợp tác trong nước lẫn quốc tế giữa các quốc gia trong lưu vực hệ thống sông Mekong để cùng nhau trao đổi giải pháp trong việc khai thác và sử dụng bền vững nguồn nước của dòng sông trong lúc biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với chất lượng của các nguồn tài nguyên nước.
Giới chuyên gia kiến nghị: Đã đến lúc 6 nước trong lưu vực sông Mekong cần ngồi lại, tính toán việc khai thác hợp lý dòng sông; xây dựng cơ chế sử dụng nước; phải có kế hoạch hành động, dư án cụ thể trong đó quyền và lợi ích mỗi quốc gia phải được tôn trọng, gắn với trách nhiệm của mỗi quốc gia đối với cả lưu vực vì sự hợp tác và phát triển bền vững.
Các nhà khoa học cũng nêu khuyến cáo đối với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL hiện đang khai thác nguồn nước từ sông Mekong tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất lúa. Những vùng ven biển không nên sử dụng các biện pháp công trình lãng phí ngăn mặn để trồng lúa mà nên khai thác lợi thế các loài cây, con chịu được mặn.