Những người trẻ 'cứu' hồ

Nhã Phương 25/04/2016 08:35

Những hồ nước luôn được xem là “máy điều hòa” không khí tự nhiên. Giá trị của hồ càng rõ nét hơn khi mùa hè nắng nóng đã đến nhưng nhiều hồ ở nội thành Hà Nội đang ô nhiễm. Ý thức điều này không ít bạn trẻ đã tập hợp nhau lại trong nhóm Lake Project (Dự án hồ Hà Nội). Cứ hai tuần một lần, các bạn lại đi dọn rác thải ở các hồ và tuyên truyền mọi người nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên, môi trường.

Những người trẻ 'cứu' hồ

Hoạt động của nhóm Dự án Hồ Hà Nội.

Ngô Phương Hạnh, một thành viên của nhóm cho biết, khi thấy các cơ quan chức năng của thành phố thả bè cây thủy sinh tại sông Tô Lịch và một số hồ để cải thiện nguồn nước, nhóm Dự án hồ Hà Nội đã tìm hiểu kỹ về chức năng của những chiếc bè này. Các bạn được biết, cây thủy trúc hỗ trợ làm sạch nước tự nhiên nhờ phần thân và rễ cây có vai trò như bộ lọc, chuyển các chất ô nhiễm thành sinh khối của cây và cung cấp bổ sung ôxy vào nước.

Nếu làm bè thả xuống hồ, thì chiếc bè thủy trúc sẽ trở thành chiếc máy lọc tự nhiên, ngày đêm lọc nước hồ, giúp môi trường cải thiện, các loài động vật có môi trường sống tốt hơn và gián tiếp làm giảm mùi hôi thối. Nhóm đã mày mò bắt chước cách làm bè thủy sinh bằng cách mua cây thủy trúc, ống nước, lưới…

Trong đó, ống nước được hàn kín có vai trò như chiếc phao để giữ cây thủy trúc nổi trên hồ. Tự mày mò làm tốn khá nhiều công sức, nhất là với những bạn trẻ sinh ra và lớn lên trong nội thành. Nhưng đến nay, nhóm Dự án hồ Hà Nội đã làm được bốn chiếc bè thủy sinh, mỗi chiếc có kích thước 2x2 m. Giá thành đầu tư ban đầu làm bè thủy sinh chỉ khoảng 500 nghìn đồng/chiếc, các bạn đã phải dành dụm tiền tiêu vặt để mua thiết bị.

Ra đời từ năm 2012, nhiều người nghĩ có lẽ đây chỉ là sự hứng chí nhất thời của bọn “con nít”. Bởi thực tế, những sáng lập viên của nhóm đều là những học sinh phổ thông trung học, phổ thông cơ sở trên địa bàn Hà Nội. Nhưng rồi từ mấy thành viên tách ra từ tổ chức Tình nguyện Môi trường Water Wise (Nước Thông minh), Dự án hồ Hà Nội từng bước lớn mạnh cùng thời gian.

Hiện giờ, ngoài 50 thành viên chính thức, còn hàng chục tình nguyện viên khác thường xuyên tham gia các hoạt động của nhóm. Cứ hai tuần một lần, các bạn tập trung tại các hồ Ngọc Khánh, Thành Công... dọn rác và vớt rác.

Nói thì dễ, nhưng làm thì không dễ. Các “cậu ấm, cô chiêu” sinh ra ở thành phố, vốn không quen lao động chân tay thì chuyện làm “lao công” không phải đơn giản. Ngoài dọn rác, đạp xe tuyên truyền, tổ chức du ca... những bạn trẻ của Dự án Hồ Hà Nội còn có các đợt hoạt động cao điểm hưởng ứng Chương trình Giờ Trái Đất, hay dịp Tết ông Công, ông Táo.

Điển hình như ngày 23 tháng Chạp năm ngoái, nhóm huy động mấy chục tình nguyện viên túc trực ở nhiều hồ trong khu vực nội thành tuyên truyền, giúp đỡ người dân không xả túi nilông bừa bãi khi phóng sinh cá.

Mặc dù nhóm đã rất cố gắng nhưng theo các thành viên của Dự án hồ Hà Nội, nỗ lực cụ thể như dọn rác của các bạn là không đủ. Các bạn mong muốn qua hoạt động của mình, cộng đồng sẽ thay đổi cách suy nghĩ về môi trường để cùng tham gia bảo vệ môi trường bằng những biện pháp khác nhau. Chỉ như vậy, hồ Hà Nội mới có thể có lại màu xanh trong như ngày nào.

Nhã Phương