Nhỏ lẻ, manh mún sẽ không đủ sức cạnh tranh

Hoài Vũ (thực hiện) 25/04/2016 10:09

Dù là những nước công nghiệp phát triển song Đức, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc vẫn tập trung phát triển hợp tác xã và đạt được nhiều thành công. Việt Nam là nước với 70% người dân sinh sống nhờ nông nghiệp, vậy làm sao tái cơ cấu nông nghiệp gắn với mô hình hợp tác xã kiểu mới nhằm nâng cao chuỗi giá trị nâng cao đời sống cho người dân, gắn với xây dựng nông thôn mới? Trao đổi với ĐĐK, ông Võ Kim Cự- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng cần phải tổ chức lại mô hình sản xuất.

Nhỏ lẻ, manh mún sẽ không đủ sức cạnh tranh

Ông Võ Kim Cự.

Theo ông Võ Kim Cự, muốn tổ chức lại sản xuất nhất thiết phải có vai trò của hợp tác xã (HTX) hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là với những tỉnh miền núi vùng xa, vùng sâu, vùng dân tộc. Trong tiêu chí 13 (thuộc 19 tiêu chí) của nông thôn mới buộc phải có hình thái tổ chức HTX để đưa khoa học công nghệ vào.

Lúc đó HTX vừa có vai trò dẫn dắt, vừa sử dụng công nghệ trong bảo quản chế biến, tiêu thụ sản xuất- những việc mà hộ cá thể thành viên không thể làm nổi. Ví dụ HTX làm được 3 việc là: giống; chuyển giao công nghệ, đào tạo tư vấn về kỹ thuật; thu mua chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Khi đồng nhất một loại giống; đồng nhất một công nghệ; đồng nhất một sản phẩm thì các tổ chức cá nhân đều có thể tổ chức sản xuất được. Như vậy mới có một tổng sản phẩm giá trị hàng hóa quy mô lớn và mới thực hiện chế biến và tiêu thụ sản phẩm được. Từng gia đình nhỏ lẻ, hộ cá thể manh mún không đủ sức để cạnh tranh. Nói tóm lại phải có quy mô mới, đầu tư vốn, đầu tư khoa học công nghệ thì chi phí sản xuất được phân bổ trên sản phẩm mới giảm.

PV: Thưa ông, chúng ta hiện đang xây dựng nông thôn mới và tái cấu trúc nông nghiệp. Vậy xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với 2 chương trình trên như thế nào?

Ông Võ Kim Cự: Cùng với phát triển HTX kiểu mới, chúng tôi đang mời gọi và có chính sách cho các doanh nghiệp lớn làm đầu tàu. Còn dưới đó là liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác. Doanh nghiệp lớn ký thu mua sản phẩm qua hợp tác xã, còn hợp tác xã hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống, hướng dẫn bảo quản, thu mua sản phẩm của từng thành viên trong hợp tác xã để làm đầu mối cung cấp cho doanh nghiệp.

Như vậy đấy chính là chuỗi giá trị hàng hóa bền vững trên quy mô lớn mới có sức lan tỏa do đó cả cộng đồng ai cũng có lợi cả. Vì vậy, thực hiện tiêu chí 13 trong nông thôn mới thì đạt được cả 6-7 tiêu chí như: tổ chức sản xuất theo hình thái HTX; có hàng hóa để đảm bảo tiêu chí nâng cao đời sống vật chất; giảm nghèo; giải quyết việc làm; huy động các nguồn vốn khác để xây dựng hạ tầng; và khi giải quyết được việc làm giảm nghèo tăng thêm đời sống rõ ràng đảm bảo an sinh xã hội, ổn định kinh tế, bảo vệ cả môi trường. HTX có vai trò biến việc một người không thể làm được thành nhiều người có thể làm được.

Nhưng muốn doanh nghiệp vào đầu tư thì phải có cơ chế đặc biệt, thưa ông?

-Liên minh HTX Việt Nam đang phấn đấu tiến tới loại bỏ những HTX không phát huy hiệu quả. Nhất thiết phải có hợp tác xã thì mới tổ chức sản xuất được, có HTX mới du nhập khoa học công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ. Muốn phát triển bây giờ phải hoàn thiện hệ thống quy hoạch hạ tầng đường giao thông, thủy lợi, điện, hệ thống chợ đầu mối và quy hoạch này phải được công bố rộng rãi để mọi người nhận thức được ở đâu là sản phẩm chiến lược? ở đâu là quy hoạch vùng cần mở rộng? ở đâu cần đầu tư và phát triển bền vững ít nhất là 20 năm.

Chúng ta cũng cần có hệ thống chính sách đồng bộ và hấp dẫn. Vì hiện người dân đang ở trong khu vực kinh tế tập thể là lực lượng yếu thế. Chúng ta có hơn 2 vạn là hợp tác xã, 15 vạn tổ hợp tác, 13,5 triệu là thành viên, và hơn 30 triệu người trong khu kinh tế tập thể. Nếu ta biết khơi dậy động lực phát triển thì nó là quy mô nhỏ nhưng không nhỏ về mặt tổng giá trị. Chẳng những phát triển kinh tế mà còn góp phần ổn định đảm bảo an sinh xã hội. Có điều khi hội nhập sâu kinh tế thế giới, TPP có hiệu lực thì lực lượng này yếu cả về kiến thức, vốn, công nghệ, chất lượng.

Cho nên Nhà nước phải làm vai trò bà đỡ kiên trì thì mô hình HTX mới thành công. Vì vậy cần cơ chế chính sách mạnh mẽ, hấp dẫn, khơi dậy động lực. Cơ chế về đất đai, cơ chế về vốn tín dụng, lãi suất, hỗ trợ ngân sách ban đầu, đào tạo, thị trường công nghệ. Phải hướng dẫn, kết nối tạo điều kiện để hỗ trợ trong tiêu thụ sản phẩm, nhiều nơi để quảng bá thương hiệu, xây dựng trung tâm đại lý bán buôn lẻ của HTX. Song song với cơ chế chính sách, quy hoạch thì phải tuyên truyền để cả hệ thống chính trị vào cuộc, đầu tư cho HTX để cùng với kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước tạo nên nền tảng kinh tế đất nước. Chúng tôi đang phấn đấu mỗi năm mỗi tỉnh có thêm từ 5-7 HTX kiểu mới, mỗi huyện có 3-4 HTX kiểu mới, mỗi xã ít nhất có 1-2 HTX kiểu mới.

Thưa ông, hiện người dân đang bức xúc nhất chính là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu HTX kiểu mới quản lý theo chuỗi vậy chúng ta có quản lý được chất lượng sản phẩm không?

-Tôi cho rằng đây chính là vấn đề quan trọng và có thể kiểm soát được. Vì HTX phải đăng ký tiêu chuẩn VietGAP, hướng dẫn nông dân vừa là vấn đề nhân văn, vừa là đạo đức trong kinh doanh. Thứ nữa họ phải bảo vệ chính thương hiệu sản phẩm của họ để mà phát triển, tồn tại lâu dài. Chính nơi này là nơi sản xuất nên ta quản lý được từ gốc, hướng dẫn từ gốc, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chống thực phẩm bẩn dùng chất kích thích. Gốc chính là ở người dân sản xuất, quản lý HTX.

Nếu ta dành thời gian, vật chất, nguồn lực thì HTX sẽ đi vào mô hình như HTX của Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada... Tôi tin tưởng các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị từ Trung ương xuống địa phương dành nhiều nguồn lực hơn nữa để ưu tiên phát triển kinh tế tập thể HTX, thực hiện nghiêm túc thắng lợi hiệu quả của kết luận 56 của Bộ chính trị và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch phát triển HTX giai đoạn 2015-2020, ưu tiên phát triển kinh tế HTX để thực sự mạnh mẽ góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đặt ra.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoài Vũ (thực hiện)