Tòa Tối cao đề nghị tăng thẩm phán cho cả ba cấp
Đề nghị tăng số lượng thẩm phán cho cả ba cấp, song Tòa án nhân dân tối cao cũng hứa sẽ không làm phát sinh tổng biên chế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tăng số lượng thẩm phán không làm phát sinh biên chế
Sáng 25/4, UBTVQH đã thảo luận về trang phục và Chứng minh thư của Thẩm phán Toàn án nhân dân; về chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Tòa án nhân dân theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; về bổ sung tạm thời về biên chế, số lượng Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp.
Tại tờ trình, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Thuân đề nghị, đối với Thẩm phán cao cấp, tại Tòa án nhân dân cấp cao bổ sung thêm 67 Thẩm phán cao cấp cho 3 Tòa án nhân dân cấp cao. Tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị bổ sung 65 Thẩm phán cao cấp cho 63 Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Đối với Thẩm phán trung cấp, đề nghị bổ sung 117 Thẩm phán trung cấp cho TAND cấp tỉnh và 710 người cho TAND cấp huyện. Như vậy, tổng số Thẩm phán trung cấp tại 63 Tòa án nhân dân cấp tỉnh là 1.292 người, tổng số Thẩm phán trung cấp cấp huyện là 4.856 Thẩm phán. Đối với Thẩm phán sơ cấp, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị bổ sung thêm số lượng Thẩm phán sơ cấp cho các TAND cấp huyện là 369 người.
Ủy ban Tư pháp cho rằng, theo phân tích trên thì số lượng Thẩm phán của mỗi TAND cấp huyện sẽ được xác định cụ thể dựa trên cơ sở vụ việc phải giải quyết hàng năm. Trong thời gian vừa qua cũng tương tự như tại TAND cấp tỉnh, số lượng các loại vụ án mà TAND cấp huyện phải thụ lý giải quyết năm sau cao hơn năm trước. Vì vậy, để bảo đảm cho Tòa án thực hiện tốt nhiệm vụ thì việc bổ sung chỉ tiêu Thẩm phán là cần thiết.
Số lượng Thẩm phán sơ cấp tại TAND cấp huyện được bổ sung cần được tính theo nguyên tắc tỷ lệ với số lượng các loại vụ việc phải thụ lý giải quyết tăng của TAND cấp huyện (5%/năm). Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành đề nghị bổ sung 243 Thẩm phán sơ cấp (bằng 5% của 4856 Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp của TAND cấp huyện theo Nghị quyết số 473a của UBTVQH).
Về vấn đề bổ sung tạm thời về biên chế, số lượng thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi, theo chủ trương chung là không tăng biên chế, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị tăng số chỉ tiêu Thẩm phán nằm trong tổng biên chế giao cho tòa, dù việc thiếu thẩm phán diễn ra nhiều năm.
Vậy, chỉ tiêu 37,3% số thẩm phán trên tổng số biên chế cán bộ của tòa án có phù hợp không? Nếu tính nâng số 37,5 % thẩm phán lên trên 50% thì tỷ lệ nào là phù hợp? Tỷ lệ nào bảo đảm tính khoa học và phù hợp thực tiễn?
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, tỷ lệ 37% là biên chế tối thiểu của tòa cấp huyện, song cũng đề nghị cho biết, đối với Tòa cấp cao sau khi xin cấp thêm biên chế thẩm phán thì tỷ lệ giữa thẩm phán và cán bộ là bao nhiêu? Đối với cấp tỉnh là bao nhiêu? Đồng thời, khi UBTVQH cho bổ sung thêm biên chế về thẩm phán thì năm 2016 có tiếp tục xin thêm biên chế đối với cán bộ không để bảo đảm cân đối cán bộ và bảo đảm yêu cầu làm việc?
Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Thuân cho biết, về tỷ lệ thẩm phán đối với 3 tòa cấp cao đều chưa được duyệt biên chế chính thức nên chỉ tạm giao để hoàn thành nhiệm vụ. Nếu được bổ sung thêm 67 thẩm phán cao cấp thì tỷ lệ sẽ là khoảng 60%.
Còn đối với 63 tỉnh, thành phố nếu được bổ sung 65 thẩm phán cao cấp và 122 thẩm phán trung cấp thì tỷ lệ khoảng 33%. Đối với 710 tòa cấp huyện, nếu được bổ sung theo Tờ trình thì tỷ lệ chiếm khoảng 26% thẩm phán trung cấp và gần 70% thẩm phán sơ cấp.
Đối với vấn đề xin bổ sung thêm biên chế năm 2016, Phó chánh án Nguyễn Văn Thuân nêu rõ, về nguyên tắc Tòa án tối cao từ nay đến 2016 là không tăng theo đúng Nghị quyết 39. Nếu xin thêm, TAND tối cao sẽ thực hiện theo đúng quy trình.