Cùng suy nghĩ, hành động ứng phó biến đổi khí hậu

25/04/2016 17:32

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu tác động hàng ngày đến cuộc sống của từng gia đình, từng người dân. Tất cả mọi người dân cần cùng suy nghĩ, có trách nhiệm đóng góp trí tuệ, sức lực vào việc ứng phó với BĐKH, không thể chỉ khoán cho Nhà nước.

Cùng suy nghĩ, hành động ứng phó biến đổi khí hậu

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc
với Bộ NN&PTNT về thực hiện chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chiều 25/4, tại Hà Nội, đoàn giám sát việc thực hiện chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng do hạn hán và xâm nhập mặn

Báo cáo về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, ĐBSCL của Bộ NN&PTNT cho biết, từ cuối năm 2014, do ảnh hưởng của El Nino mạnh, kéo dài nhất trong lịch sử, nền nhiệt độ tăng cao, lượng mưa và dòng chảy thiếu hụt. Hạn hán, xâm nhập mặn đã xảy ra gay gắt, gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân, đặc biệt là ở các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL.

Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, từ cuối năm 2015 đến nay, lượng mưa trong khu vực rất thấp, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đạt dung tích thấp so với thiết kế và cùng kỳ nhiều năm, nhiều hồ nhỏ đã cạn nước, các đập dâng phần lớn không còn khả năng cung cấp nước, một số sông suối trên địa bàn không còn dòng chảy.

Hạn hán đã xảy ra trên diện rộng ở Tây Nguyên (chiếm tới 70% diện tích canh tác khu vực Tây Nguyên) và Nam Trung Bộ; các tỉnh bị hạn hán nghiêm trọng như: Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận...

Tại các tỉnh ĐBSCL, do mùa mưa năm 2015 đến muộn, kết thúc sớm và không có lũ, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua nên xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm gần 2 tháng; phạm vi xâm nhập mặn vào đất liền sâu nhất lên đến hơn 90 km (chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn), độ mặn lớn nhất tại các khu vực lớn hơn và vào sâu trung bình nhiều năm từ 10-25 km.

Đã có 11/13 tỉnh thành vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, thiếu nước ngọt nghiêm trọng.

Tính đến ngày 22/4, theo báo cáo của các địa phương, thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL là 390.192 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt; thiệt hại về lúa 240.215ha; thiệt hại về hoa màu 18.335 ha; thiệt hại về cây ăn quả 55.651 ha; thiệt hại về cây công nghiệp 104.106 ha; thiệt hại về thủy sản 4.641 ha. Tổng thiệt hại ước tính là 5.572 tỷ đồng.

Cùng suy nghĩ, hành động ứng phó biến đổi khí hậu - 1

Quang cảnh buổi làm việc.

Theo ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chính phủ đã có dự báo sớm về hiện tượng El Nino sẽ xảy ra nghiêm trọng và kéo dài đến giữa năm 2016, vì vậy ngay từ giữa năm đã có chỉ đạo ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn.

Đến nay Bộ NN&PTNT đã đề xuất 2 đợt với tổng kinh phí là trên 1.008 tỷ đồng và 5.221 tấn gạo cho các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL để ổn định đời sống nhân dân và ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.

Về dự báo thời gian tới, trên cơ sở nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ông Thắng cho biết trong các tháng tiếp theo của mùa khô năm 2016 (từ cuối tháng 4 đến tháng 8/2016), dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm dần; các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30-60%; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên thấp hơn từ 40-65%, riêng các sông ở Khánh Hòa và Ninh Thuận thấp hơn 80-90%.

Trên hầu hết các sông ở Trung Bộ và Tây Nguyên ít có khả năng xảy ra lũ tiểu mãn, riêng các sông ở Thanh Hóa có khả năng xảy ra lũ tiểu mãn nhỏ. Hạ lưu các sông sẽ tiếp tục xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ hoặc thấp nhất lịch sử. Tình trạng khô hạn, thiếu nước sẽ lan rộng ra các tỉnh Trung Bộ khu vực từ Nghệ An đến Bắc Bình Thuận và có khả năng kéo dài tới tháng 8-9; ở khu vực Nam Bình Thuận và Tây Nguyên kéo dài đến đầu tháng 6.

Xâm nhập mặn sẽ lấn sâu vào vùng cửa sông, ven biển khu vực Trung Trung Bộ. Ở khu vực Nam bộ, trong tháng 4, lưu lượng thượng nguồn sông Mê Kông về ĐBSCL khả năng được duy trì và tương đương tháng 3 vừa qua.

Từ nay đến cuối tháng 5 xu thế đỉnh triều giảm do đó độ mặn các trạm thuộc hệ thống sông Cửu Long, sông Đồng Nai-Sài Gòn và sông Vàm Cỏ có xu thế giảm dần nhưng vẫn còn cao hơn cùng kỳ năm 2015, riêng vùng bán đảo Cà Mau - Kiên Giang độ mặn cao nhất năm khả năng xuất hiện vào cuối tháng 4 - đầu tháng 5.

Không thể coi nước là tài nguyên vô tận

Nhằm tiếp tục ứng phó có hiệu quả với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp và các loại hình thiên tai khác, Bộ NN&PTNT kiến nghị tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và huy động mọi lực lượng ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn.

Trước mắt tập trung chủ yếu đảm bảo lương thực và nước sinh hoạt cho nhân dân, không để nhân dân thiếu đói và nước sinh hoạt hoặc phải mua nước với giá cao.

Chính phủ cần bố trí kinh phí kế hoạch đầu tư trung hạn bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 để thực hiện các dự án quy mô lớn, hệ thống thủy lợi lớn liên tỉnh phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH.

Cùng với đó, tiếp tục huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để hỗ trợ kinh phí mua lương thực, vận chuyển, cung cấp nước sinh hoạt và trang thiết bị lọc nước cho các tỉnh khu vực nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL. Khẩn trương thực hiện giải ngân các nguồn vốn đã được hỗ trợ nhằm bảo đảm cho công tác chống hạn hán, xâm nhập mặn và ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.

Cùng suy nghĩ, hành động ứng phó biến đổi khí hậu - 2

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh vấn đề
tái cơ cấu nông nghiệp nhằm thích ứng với BĐKH.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, mục tiêu tái cơ cấu nền nông nghiệp chủ yếu nhằm thích ứng với BĐKH và hội nhập quốc tế. Thiên tai diễn ra làm đảo lộn mọi mặt cuộc sống của người dân, trong khi đó dự báo càng ngày, thiên tai càng diễn biến gay gắt hơn, rất đáng lo.

Cần tăng cường năng lực quốc gia về giám sát, dự báo về BĐKH để thông báo cho dân biết, nguyên tắc là phòng là chính, dân là chính, cơ sở là chính, không phải là từ Trung ương.

Cùng với đó, cần làm tốt các yêu cầu lồng ghép ứng phó BĐKH trong quy hoạch phát triển; chuyển đổi sản xuất, xác định rõ việc cần tiết kiệm, không thể coi nước là tài nguyên vô hạn.

Về lâu dài, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức; tăng cường năng lực phòng chống thiên tai ở cộng đồng. "Hãy sẵn sàng và chủ động ứng phó với BĐKH", Bộ trưởng Cao Đức Phát kêu gọi.

Cùng suy nghĩ, hành động ứng phó biến đổi khí hậu - 3

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu kết luận buổi làm việc với Bộ NN&PTNT.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao ngành NN&PTNT đã có nhiều nỗ lực tham mưu kịp thời cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ có những Nghị quyết, Chương trình cấp quốc gia ứng phó với BĐKH.

Buổi làm việc đã giúp đoàn giám sát nâng cao nhận thức về tổng thể xu hướng BĐKH ở Việt Nam và các vùng đặc trưng; hiểu nguyên nhân dẫn đến hạn hán, ngập mặn trong thời gian qua.

Thể hiện sự đồng tình với những đề xuất của Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng thời gian tới Bộ cần tiếp tục triển khai các giải pháp đã đề ra: Tăng cường bảo vệ rừng, phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; điều chỉnh chế độ canh tác, đẩy mạnh công nghệ tưới tiên tiến - tiết kiệm nước gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng - giảm cây trồng sử dụng nhiều nước, nghiên cứu, phát triển các giống cây trồng có thể thích hợp với nước ngọt, nước mặn và nước lợ; hoàn thiện hệ thống thủy lợi; hình thành phương pháp ứng phó tại chỗ; hỗ trợ nhân dân xây dựng các hệ thống trữ nước nhỏ...

Đối với những hộ dân đang bị thiếu nước sinh hoạt, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, sau khi đi khảo sát thực tế tại một số địa phương sẽ kêu gọi toàn xã hội chung tay giúp các hộ dân bị thiếu nước có cách trữ nước và lọc nước.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng Bộ NN&PTNT trong việc ứng phó với BĐKH. Trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ đi khảo sát tại Nam Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên, sau đó xây dựng kế hoạch phối hợp với các bộ ngành liên quan để phòng chống thiên tai và ứng phó với BĐKH.

Hai cơ quan có thể bàn, phối hợp xây dựng bộ tài liệu về các giải pháp ứng phó với BĐKH; tổ chức một cuộc thi viết về các giải pháp, công trình của người dân, nhà khoa học; giới thiệu các mô hình hay nhằm ứng phó với BĐKH. Đồng thời cần kêu gọi các nhà khoa học cung cấp các giải pháp để đất nước và các vùng đặc trưng ứng phó hiệu quả và thành công BĐKH - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi mở.

Người đứng đầu tổ chức MTTQ nhấn mạnh: BĐKH tác động hàng ngày đến cuộc sống của từng gia đình, từng người dân Việt Nam hôm nay và mai sau. Tất cả mọi người dân cần cùng suy nghĩ, có trách nhiệm đóng góp trí tuệ, sức lực vào việc ứng phó với BĐKH, không thể chỉ khoán cho Nhà nước.

Bên cạnh đó, mỗi người dân có thể cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát việc thực hiện các Chương trình phòng tránh thiên tai, ứng phó với BĐKH của Quốc gia và địa phương nơi mình sinh sống...

Vũ Mạnh