Một năm sau thảm họa động đất Nepal
Đã một năm qua đi sau khi một trận động đất khủng khiếp tấn công vào nhiều phần của đất nước Nepal, gây nên một cuộc khủng hoảng, nhưng đến giờ người dân nước này vẫn phải sống trong nỗi ám ảnh trong khi công cuộc phục hồi thảm họa vẫn diễn ra chậm chạp.
Đại đa số nạn nhân sau thảm họa động đất Nepal
vẫn phải sống trong nguy hiểm rình rập (Nguồn: CNA).
Kanchidevi Shrestha vẫn sống tại ngôi nhà chứa đầy những vết thương mà trận động đất năm ngoái gây ra. Bà quản lý một cửa hàng nhỏ tại ngôi làng Gaurati, nằm trên một ngọn đồi phía trên thị trấn Chautara ở Sindhupalchok - nơi bị tàn phá nặng nề bởi trận động đất.
Bà không phải người duy nhất sống trong nỗi ám ảnh như vậy. Tuyến đường trước cửa nhà bà dù đã được dọn quang, nhưng phần lớn các ngôi nhà hai bên đường chả còn gì ngoài một đống đổ nát. Rất nhiều người dân đã phải rời khỏi làng, trong khi những người cố gắng trụ lại thì không đủ tiền để xây lại nhà mới.
“Chúng tôi có thể sống, hoặc chết, chả quan trọng nữa” - bà Shrestha nói - “Chúng tôi không còn lựa chọn, chả còn nơi để đi, nên chỉ còn biết cố gắng mà thôi. Ở đây chả có ai nghĩ rằng chính phủ sẽ giúp chúng tôi xây lại nhà cả. Họ từng nói rằng sẽ cho chúng tôi 2 lakhs (2.000 USD), nhưng nó chỉ là giấc mơ”.
Hàng trăm nghìn người dân Nepal hiện vẫn đang phải sống trong những ngôi nhà bị tàn phá do động đất và có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào, trong khi chính phủ đang gặp khó khăn trong việc phân phát nhu yếu phẩm cần thiết đến các nạn nhân trong thảm họa động đất hồi tháng 4/2015.
Hơn một nửa triệu ngôi nhà đã hoàn toàn bị phá hủy trong trận động đất cường độ 7,8 độ Richter hồi tháng Tư năm ngoái, cướp đi sinh mạng của 8.900 người. Rất nhiều ngôi nhà bị hư hỏng nặng và cần sửa chữa ngay lập tức.
Nhưng một năm sau trận động đất, chỉ có một số ít ngôi nhà được xây dựng lại, mà nếu ước tính thì số lượng chỉ vào khoảng 1%; theo con số thống kê của các tổ chức phi chính phủ đang hoạt động tại Nepal. Và chính phủ Nepal cũng thừa nhận về tình trạng này, nhưng do đối mặt quá nhiều khó khăn nên chưa thể giải quyết.
Các nạn nhân thảm họa động đất năm ngoái đã phải trải qua một mùa đông khắc nghiệt và giờ lại sắp phải đối mặt với gió mùa. Nhiều gia đình vẫn đang sống trong các ngôi lều tạm để chờ tích cóp sửa sang lại ngôi nhà của mình.
Ở các khu vực thành thị, các tòa nhà vẫn còn hằn các vết nứt lớn, đống đổ nát vẫn ngập trên các tuyến phố và các bức tường nghiêng ngả chỉ được chắp vá bằng các tấm ván… Chủ của các tòa nhà này chả có lựa chọn nào khác là phải tránh xa chính nơi mà họ từng xây dựng.
“Thậm chí đi ngang qua nó thôi cũng đã rủi ro rồi chứ chưa nói đến ở bên trong” - Dev Dhakhwa, Tổng thư ký Chữ thập đỏ Nepal, cho hay.
Trong khi đó Nepal vẫn thỉnh thoảng hứng chịu các đợt dư chấn - 300 trận động đất được ghi nhận trong năm 2015. Đất nước này từ lâu đã được cảnh báo về khả năng xảy ra một trận động đất lớn trước năm 2015 và giới khoa học vẫn tin rằng sẽ còn một trận động đất lớn khác sẽ tấn công vào khu vực phía Tây nước này, có thể trong vài năm tới.
Chính phủ Nepal cho hay, họ đang lên kế hoạch sớm phân phát thêm nguồn vốn - gồm 3 gói cứu trợ trị giá 200.000 rupee - tới hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi thảm họa. Nhưng rất nhiều nạn nhân như bà Shrestha đến nay chỉ nhận được một khoản tiền nhỏ để giúp đối phó với thời tiết chuyển mùa.
Trong khi đó, phần lớn số tiền được các nhà tài trợ ủng hộ cho Nepal - khoảng 4,1 tỷ USD - đến nay vẫn chưa được chính phủ nước này chi tiêu để giảm ảnh hưởng từ thảm họa.
Bất chấp những lời chỉ trích chính phủ Nepal phản ứng quá chậm trễ, họ vẫn nói rằng sắp triển khai kế hoạch. Nhưng những nạn nhân như Herman Pradhan khó mà tin được điều này. Từng là một thợ cơ khí có hạng ở Chautara, thế nhưng giờ ông Pradhan lại phải sống trong một túp lều - hàng cứu trợ của Trung Quốc - trong suốt 9 tháng qua.
Đến nay ông Pradhan mới chỉ nhận được 2 khoản tiền hỗ trợ, tổng trị giá khoảng 250 USD và đã đổ hết số tiền này vào mua vật liệu để sửa lại ngôi nhà cho mẹ ông. Ông mong muốn có lại được xưởng cơ khí nhỏ của mình, xây lại ngôi nhà nhỏ bị động đất tàn phá, nhưng cả hai mục tiêu đó giờ đây dường như đã ngoài tầm với của ông.
“Tôi yêu quý nơi này, nó là nơi mà tôi sinh ra và lớn lên. Tôi muốn xây dựng lại cuộc sống ở đây, nhưng có quá nhiều vấn đề, vậy nên tôi chỉ biết ngồi chờ đợi”, ông Pradhan nói.