Mỹ, Đức và thỏa thuận thương mại bí mật gây tranh cãi
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến công du châu Âu lần này đã cam kết sẽ thúc đẩy một hiệp định thương mại gây tranh cãi với Liên minh châu Âu (EU). Dù nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Thủ tướng Đức nhưng hiệp định này lại bị phần đông dư luận phản đối.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel
tham dự hội chợ thương mại tại Hannover (Nguồn: Reuters).
“Tôi không nói trước rằng chúng tôi sẽ hoàn thành việc thông qua thỏa thuận này vào cuối năm, nhưng chúng tôi sẽ hoàn thiện nó” - ông Obama nói khi cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel tham dự hội chợ thương mại công nghiệp tổ chức ở Hannover.
Tổng thống Mỹ cảnh báo rằng thời gian đang dần trôi qua, trong bối cảnh ông chỉ còn lại 8 tháng làm việc tại Nhà Trắng, nói rằng mọi việc sẽ rất khó đoán một khi ông rời văn phòng.
“Nếu chúng ta không hoàn thiện đàm phán trong năm nay, quá trình chuyển tiếp chính trị sắp tới ở Mỹ và châu Âu sẽ đồng nghĩa với việc thỏa thuận này không thể được ký kết” - ông Obama nói, ám chỉ quan điểm phản đối thỏa thuận này của ứng cử viên Hillary Clinton.
Ông Obama đã nhận được một lời chào đón nồng thắm từ bà Merkel tại Hannover hôm cuối tuần qua. Ông chủ Nhà Trắng hiện đang có chuyến công du châu Âu để thúc đẩy Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), trong một động thái dường như nỗ lực trong tuyệt vọng nhằm hoàn thiện các vòng đàm phán với EU trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ của mình vào ngày 20/1/2017.
Các cuộc thảo luận giữa ông Obama và bà Merkel cũng tập trung vào một số vấn đề khác như Syria, Ukraine và Libya.
Về phần mình, bà Merkel tỏ rõ quan điểm ủng hộ ông Obama: “Chúng ta cần phải thúc đẩy nó. Chúng ta đều biết về những quan ngại, những lời chỉ trích và khó khăn còn tồn tại”. Bà Merkel cho rằng thỏa thuận thương mại này sẽ thúc đẩy mức sống tiêu chuẩn và tạo nên một năm thành công về mặt kinh tế.
Tuy nhiên, ông Obama sẽ phải tiếp tục thuyết phục các nhà lãnh đạo khác trong các chặng dừng chân tới, như Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italy Matteo Renzi. Mục tiêu của TTIP là tạo ra một khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới bằng cách gỡ bỏ các rào cản thương mại giữa Mỹ và EU.
Tuy nhiên, thỏa thuận này lại hứng chịu sự phản đối mạnh mẽ từ người dân châu Âu, khi hàng trăm nghìn người đã đổ xuống các con phố ở Đức, Bỉ và Tây Ban Nha để biểu tình. Các nhà hoạt động lo ngại rằng thỏa thuận này sẽ khiến cho các tiêu chuẩn xã hội, người tiêu dùng, môi trường ở EU bị thấp đi, trong khi chỉ mang lại lợi ích cho các tập đoàn lớn.
Những người phản đối TTIP đang tỏ rõ quan điểm cực kỳ mạnh mẽ của mình chủ yếu là do phản ứng của họ đối với thực phẩm biến đổi gen (GMO), bởi thỏa thuận này sẽ cho phép các công ty Mỹ lách khỏi các quy định của EU để bán các sản phẩm biến đổi gen ở các nước thành viên khối này.
Giới phê bình cũng nói rằng thỏa thuận này sẽ làm tổn hại các tiêu chuẩn lao động và bảo vệ môi trường vốn hết sức nghiêm ngặt của châu Âu bằng cách đặt lợi ích cảu các tập đoàn quốc tế lên trên lợi ích quốc gia khi họ hoạt động ở EU.
Hàng chục nghìn người phản đối TTIP đã tổ chức tuần hành ở Hannover trong suốt thời điểm cuối tuần qua, ngay trước khi ông Obama đặt chân tới đây.
Một lời chỉ trích khác đối với thỏa thuận này là các vòng đàm phán về nó luôn được thực hiện một cách bí mật và thiếu dân chủ, khiến nhiều người quan ngại rằng khi nguồn vốn khổng lồ tới EU, nó sẽ đe dọa tới dữ liệu cá nhân, các dịch vụ công cộng và thậm chí là ngay cả nền dân chủ của khối này.
Trong khi đó, những người ủng hộ thỏa thuận này thì ngày càng giảm, phần lớn là do họ không biết được ảnh hưởng của nó như thế nào đối với những người dân thuộc khối EU.
Theo một thăm dò mới đây do hãng YouGov thực hiện, chỉ có 17% người dân Đức nghĩ rằng TTIP là tốt cho họ, giảm từ 55% cách đây 2 năm. Ở Mỹ, chỉ có 18% người dân ủng hộ thỏa thuận này, so với 53% trong năm 2014.
Ngược lại, những người ủng hộ TTIP lại cho rằng thỏa thuận này sẽ thúc đẩy GDP của EU lên 100 tỷ Euro, trong khi ở Mỹ là 100 tỷ USD. Họ cũng cho rằng nó sẽ tạo nên hơn 700.000 việc làm ở Mỹ. Trong khi đó, Wikileaks đang rao phần thưởng 100.000 Euro cho bất cứ ai tuồn tài liệu chi tiết về TTIP cho họ.