Áp lực nợ công

H.Hương 26/04/2016 10:10

Ngân sách Nhà nước (NSNN) tiếp tục đối mặt với vấn đề thâm hụt khi chưa có dấu hiệu nào cho thấy, nguồn thu sẽ tăng lên, cùng với đó vấn đề kỷ cương ngân sách chưa cải thiện. Áp lực nợ công, trả nợ công rất lớn.

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, chỉ riêng trong quý I-2016, số tiền chi ngân sách nhà nước là 277,59 nghìn tỷ đồng, bằng 21,8% dự toán, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 46,67 nghìn tỷ đồng, bằng 18,3% dự toán, tăng 6,9% so cùng kỳ năm 2015. Riêng vấn đề chi trả nợ và viện trợ là 39,2 nghìn tỷ đồng, bằng 25,2% dự toán, tăng 5,3%.

Trong khi đó ở lĩnh vực thu ngân sách, tổng cộng các nguồn thu quý I đạt 230,5 nghìn tỷ đồng. Tính đơn giản, số tiền chi cho chi trả nợ và viện trợ gần bằng 1/5 tổng thu ngân sách.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, ngân sách năm nay sẽ phải dùng khoảng 24-25% để trả các khoản nợ đến hạn. Với những khoản chi đã “ứng trước” từ năm 2015 thì không chỉ quý I/2016, mà thậm chí cả năm nay, ngân sách đều phải trả bù. Mối lo thâm hụt ngân sách lớn đang là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất của nền kinh tế hiện nay.

Theo đồng hồ nợ công toàn cầu, nợ công của Việt Nam khoảng 94,854 tỷ USD; tính ra bình quân nợ theo đầu người ở Việt Nam là 1.039 USD, tương đương khoảng 22 triệu đồng/ người.

Một tài liệu khác từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) vừa công bố cũng cho biết, do bội chi tăng cao, nợ công cũng tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2015, từ mức 50,1% GDP lên 62,2% GDP, tiệm cận giới hạn 65% theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Năm 2015 cũng là năm dư nợ Chính phủ đạt 50,3%, cao hơn giới hạn 50% theo quy định. Nếu tính theo thông lệ quốc tế, nợ công Việt Nam còn cao hơn nhiều, vì không tính đến nợ của doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức công khác.

Sau khi dẫn số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), CIEM nhận định, Việt Nam có mức nợ công/GDP cao hơn hẳn các nước trong ASEAN, gấp đôi nhiều nước và gấp rưỡi Thái Lan, nước có mức nợ công/GDP đứng sau Việt Nam.

TS. Vũ Đình Ánh khẳng định nợ công Việt Nam đang tăng nhanh, cả về số tuyệt đối lẫn tương đối khi so với GDP. Quy mô nợ công quan trọng song quan trọng hơn cả là khả năng trả nợ. Để có khả năng trả nợ thì chúng ta phải sử dụng nợ đó một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, ngân sách Việt Nam thâm hụt trong nhiều năm. Một trong những nguyên tắc quốc tế là sử dụng khoản vay nợ để bù đắp thâm hụt ngân sách trong hiện tại nhưng chúng ta cũng phải bố trí để ngân sách không còn thâm hụt nữa, thậm chí có thặng dư để trả cho khoản vay nợ trước đó. Nhưng thiết kế ngân sách hiện tại chưa tính tới điều này. Hầu hết các khoản nợ là vay nước ngoài với lãi suất rất thấp, thời gian ân hạn rất dài nhưng hiện chúng ta đang bắt đầu phải trả nợ. Bởi vì các khoản nợ này bắt đầu từ những năm 1993-1995 và đến nay là được 20 năm, tức là bắt đầu thời gian phải trả nợ gốc. Do vậy, theo TS. Ánh cần có cái nhìn tổng thể về nợ công chính xác hơn.

H.Hương